Dòng tiền đang có xu hướng đổ về vùng ven, nơi này đang trở thành “điểm nóng” đầu tư của hàng loạt ông lớn bất động sản
Sở hữu nhiều lợi thế về hạ tầng, giao thông
Nhìn lại năm qua, dòng tiền của nhà đầu tư trên thị trường phân bổ đều cho các kênh. Chứng khoán được đẩy tăng gấp 3 lần so với năm 2019, lượng nhà đầu tư F0 trở nên sôi động. Giá Bitcoin hồi tháng 6/2020 vượt mức 10.000 USD, vàng cũng thiết lập đỉnh mới hơn 60 triệu/ lượng, mang đến tỷ suất sinh lời 30%.
Dù nhanh chóng chốt lời, song hầu hết nhà đầu tư đều nhận định, đây là những kênh mang lại lợi nhuận nóng, rủi ro cao, vì thế dòng tiền thu về từ các kênh đầu tư kể trên đã nhanh chóng quay trở về bất động sản. Bởi bất động sản là kênh đảm bảo được hai yếu tố: an toàn trong hiện tại và tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt là những sản phẩm được phát triển bởi các doanh nghiệp uy tín, có pháp lý rõ ràng, được chú trọng về hạ tầng, quy hoạch và gia tăng giá trị ổn định. Kể từ thời điểm đầu năm 2021, khu vực vùng ven Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang vươn lên như một điểm đến lý tưởng để đầu tư địa ốc nhờ sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng, giao thông. Ở đó Hòa Bình nổi lên như “vũng cá mập” hút dòng tiền đầu tư của hàng loạt ông lớn bất động sản.
Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.
Tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển, trong đó có các tuyến đường quốc gia quan trọng đi qua như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B, trong tương lai là đường cao tốc Hòa Bình đi Hòa Lạc (Hà Nội) … Mạng lưới giao thông phân bố khá đều khắp, kết nối Hòa Bình với các tỉnh trong khu vực và các địa phương trong tỉnh khá thuận lợi. Vị trí địa lý của tỉnh là một điều kiện thuận lợi cho Hòa Bình mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế. Hiện nay, Hòa Bình đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các trọng điểm như Cầu Hòa Bình 2; đường nối từ QL 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình); đường liên xã vùng cao Lạc Sơn – Tân Lạc, đường Hang Kia – Cun Pheo – Quốc lộ 6; các tuyến đường tỉnh.
Hàng loạt ông lớn tìm về đầu tư
Với việc hạ tầng, giao thông đang ngày càng phát triển Hòa Bình trong những năm gần đây đang nhận được sự quan tâm từ nhiều ông lớn bất động sản tìm về đầu tư các dự án lớn nhỏ. Đơn cử như trung tâm thương mại Vincom Plaza của Tập đoàn Vingroup tại TP Hòa Bình. Hay như Tập đoàn Geleximco đã khai trương sân golf 27 lỗ tại huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) vào cuối năm 2018, bên cạnh đó Geleximco cũng là chủ đầu tư của hai dự án lớn tại Hòa Bình là KĐT sinh thái Trung Minh – Geleximco (60 ha, tổng mức 1.740 tỷ đồng) và KĐT mới Hoà Bình – Geleximco (3.602 tỷ đồng).
Bên cạnh đó Tập đoàn FLC đã nghiên cứu lập quy hoạch bốn dự án, trong đó có hai dự án dự kiến khởi công trong quý IV năm nay gồm: dự án Khu Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm (43 ha) tại phường Phương Lâm, xã Dân chủ, Sủ Ngòi, TP Hòa Bình dự kiến khởi công trong tháng 11/2021 và dự Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi (705 ha) tại xã Lạc Yên, huyện Yên Thủy dự kiến khởi công trong tháng 12/2021.
Ngoài ra Tập đoàn đa ngành này sẽ triển khai hai dự án khác là Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí Thung Nai (981 ha) tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, xã Ngòi Hoa, Trung Hòa, huyện Tân Lạc và khu đô thị (KĐT), du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tòng Đậu (163,1 ha) tại xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu.
Về phía Tập đoàn Sun Group cũng đã đề xuất lập quy hoạch đối với dự án tổ hợp Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, cáp treo và tàu hoả leo núi, yoko tại hai huyện Lạc Sơn và Kim Bôi vào cuối năm 2020. Ngoài ra Tập đoàn T&T, doanh nghiệp đã đề xuất 7 dự án trong lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp ở Hoà Bình, trong đó có dự án nông nghiệp công nghệ cao có 1.700 ha ở huyện Đà Bắc và KĐT nông nghiệp Kỳ Sơn 700 ha.
Bên cạnh đó liên danh CTCP Lã Vọng Group và CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới cũng đã trúng thầu dự án KĐT mới Trung Minh B, xã Trung Minh, TP Hòa Bình. Dự án này có quy mô gần 59 ha, tổng vốn đầu tư gần 780 tỷ đồng, được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9/2018. Và còn rất nhiều dự án khác như khu nhà ở Riverview Lương Sơn tại xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do CTCP 873 – Xây dựng Công trình Giao thông (Cienco 873) làm chủ đầu tư.
Vừa qua UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã đề xuất ADB đầu tư dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch Hồ Hòa Bình với tổng mức đầu tư dự kiến trên 90 triệu USD. Dự án bao gồm các hạng mục như Xây dựng mở rộng tuyến đường bờ phải lòng hồ dài 33 km, kết nối vào đường tỉnh DT.435 tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong; xây dựng cải tạo và nâng cấp cảng du lịch. Đồng thời, tỉnh còn thông báo tìm chủ cho hai dự án, gồm khu nhà ở sinh thái Mường Hoa nằm tiếp giáp Quốc lộ 6, TP Hòa Bình (300 tỷ đồng) và Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam (65 ha, 512 tỷ đồng).
UYÊN NHI