Gen Z áp dụng công nghệ trong đầu tư, quản lý tài chính như thế nào?Gen Z hoàn thành mục tiêu mua nhà đất và ô tô chỉ trong 2 năm: Khuyên bạn trẻ không nên mua xe nếu chưa biết 4 loại phí này!Thế hệ Gen Z đang dần nghiêm túc về việc đầu tư và quản lý tài chính

Giá Bitcoin trong năm 2022 và 2023 đã chứng kiến sự biến động mạnh. Tuy nhiên, thay vì chán nản trước diễn biến của thị trường, tỷ lệ lạc quan về tương lai của Bitcoin vẫn cao hơn so với hoài nghi.

Một khảo sát do công ty Block của tỷ phú Jack Dorsey và Wakefield Research thực hiện tại 15 quốc gia và thu thập thông tin từ 6.600 cá nhân cho thấy, các quốc gia đang phát triển ngày càng lạc quan với Bitcoin. Trong đó, Việt Nam, Brazil, Trung Quốc và Mexico là những quốc gia có mức độ lạc quan tăng cao nhất. Khảo sát của Block cũng cho biết, Việt Nam đã vượt Nigeria trở thành quốc gia lạc quan nhất với Bitcoin trong năm 2023.

Ngoài ra, tại các quốc gia phát triển, ngày càng có nhiều người coi Bitcoin như một biểu tượng của tự do tài chính, dự phòng trước những bất ổn của nền kinh tế cũng như là cơ hội để vượt qua giới hạn của các loại hình đầu tư truyền thống.

Ngày càng có nhiều người coi Bitcoin như một biểu tượng của tự do tài chính, dự phòng trước những bất ổn của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Ngày càng có nhiều người coi Bitcoin như một biểu tượng của tự do tài chính, dự phòng trước những bất ổn của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo của Crypto Crunch App, Việt Nam bất ngờ đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ.

Còn trong Báo cáo thị trường crypto Việt Nam 2023 do Coin98 Insights thực hiện dựa trên 1.200 mẫu khảo sát vào tháng 12/2023 cho thấy, nhà đầu tư crypto (tiền số) tại Việt Nam chủ yếu là nam giới, chiếm khoảng 85,3% và chủ yếu ở độ tuổi tương đối trẻ, tập trung chính ở 26-36 tuổi (chiếm 47,1%) và độ tuổi từ 18-25 tuổi (chiếm 37,9%). Báo cáo dẫn số liệu từ các OKX và BingX cho biết, phần lớn nhà đầu tư cá nhân tập trung ở các thành phố lớn như TP.HCM (50-54%), Hà Nội (25-30%) và Đà Nẵng (3-5%).

Mức thu nhập phổ biến của các nhà đầu tư crypto tại Việt Nam là 10-25 triệu VNĐ/tháng (chiếm 45,82%) và dưới 10 triệu/tháng (chiếm 26,22%). Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy đa phần số nhà đầu tư tham gia vào thị trường từ giai đoạn uptrend năm 2020-2022 với tỷ lệ là 48,7%.

Gen Z sẵn sàng đầu tư Bitcoin khi có cơ hội và bài học

Mới đây, Policygenius đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát có tên Lập kế hoạch tài chính năm 2024 cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay thích tiền điện tử hơn cổ phiếu truyền thống. Theo đó, Gen Z có khả năng sở hữu tiền điện tử cao hơn cổ phiếu do họ có cách tiếp cận lập kế hoạch tài chính khác so với các thế hệ trước.

"Mình luôn sẵn sàng đầu tư coin khi nhìn thấy cơ hội", đó là chia sẻ của Gia Thảo (Freelancer tại TP.HCM). Được biết, Thảo đã tìm hiểu và đầu tư tiền số 3 năm nay.

Thời điểm đầu, khi mới tham gia thị trường vào đầu năm 2021, Thảo đã kiếm được 10-20% từ số tiền vốn ban đầu. "Thời điểm ấy mình thấy vui lắm, cứ nghĩ kiếm tiền dễ dàng nên có vay mượn để tiếp tục mua, cứ giảm là mình mua vào. Mình cũng bắt đầu mơ về những lần gấp 5, gấp 10 tài khoản, cảm xúc phấn khích lắm", Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, niềm vui kéo dài chưa bao lâu, đến giữa năm 2021, khi thị trường giảm điểm mạnh. Chỉ trong vòng 1 ngày, Bitcoin giảm hơn 10%, những đồng nhỏ hơn còn giảm trên 50%. Tài khoản của Gia Thảo chia đôi, lúc đó cô này mới hiểu rõ hơn những rủi ro của thị trường này.

Thảo cho rằng, hình thức đầu tư này rất rủi ro, nhưng nếu có kiến thức thì có thể tìm ra những viên ngọc thô mang lại lợi nhuận lớn. Cô nàng cũng tìm kiếm được rất nhiều từ các dự án chuẩn bị lên sàn, mỗi dự án kiếm được khoảng 1.000-2.000 USD, chưa kể các dự án nhỏ hơn.

Gia Thảo cho biết, nếu thu nhập tăng lên chắc chắn sẽ tiếp tục đầu tư vào tiền số vì bản thân đã có kiến thức cũng như tư duy về thị trường này.

Khác với Thảo, nhiều bạn trẻ Gen Z khác lại chưa sẵn sàng đầu tư vào tiền điện tử vì còn lo ngại. Chẳng hạn như Quốc Khánh (sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng) cho biết không có ý định đầu tư vào tiền số vì cho rằng việc đầu tư Bitcoin khá rủi ro và bản thân chưa được trang bị nhiều kiến thức về lĩnh vực này.

Gen Z rất nhạy bén với những kênh đầu tư mới mẻ, liều lĩnh hơn và sẵn sàng mạo hiểm. (Ảnh minh họa)
Gen Z rất nhạy bén với những kênh đầu tư mới mẻ, liều lĩnh hơn và sẵn sàng mạo hiểm. (Ảnh minh họa)

Khánh cho biết, bản thân chỉ gửi một khoản tiết kiệm vào ngân hàng và đang sở hữu một vài mã chứng khoán với khối lượng nhỏ. Gen Z này chia sẻ, trong tương lai, dù có thêm những khoản thu nhập khác thì cũng sẽ không lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao như tiền điện tử.

Chia sẻ quan điểm về chuyện đầu tư tiền mã hóa, Thanh Hòa (sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Quốc Dân) tự nhận thấy mình và các bạn trẻ hiện nay có quan điểm đầu tư “bắt trend” hơn nhiều so với các thế hệ trước. Đối với Hòa cũng đã tìm hiểu về tiền điện tử và có thể cân nhắc đầu tư một phần nhỏ vào loại hình này.

"Mình sẵn sàng đầu tư vào hình thức rủi ro này nhưng đồng thời cũng cần phải tìm hiểu kỹ về dự án trước khi quyết định", Hòa cho hay.

Ngoài ra, Hòa cũng chia sẻ thêm rằng hình thức đầu tư này được nhiều bạn bè xung quanh và người quan lựa chọn. Theo Hòa, đầu tư tiền điện tử chỉ cần có kiến thức chứ không mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải làm việc ca muộn hay gò bó như làm công việc văn phòng.

Có thể thấy, khác với những thế hệ đi trước, thay vì đầu tư vào mảng tài chính truyền thống như bất động sản, vàng, ngoại tệ,... thế hệ Gen Z hiện nay lựa chọn những loại hình “trend” hơn như tiền điện tử hay các tài sản kỹ thuật số NFT, Metaverse…

Là thế hệ mang tư duy lẫn lối sống có nhiều khác biệt với thế hệ đi trước, Gen Z có hiểu biết và nhận thức về tài chính sớm hơn hẳn các thế hệ trước. Ngoài ra, thế hệ này cũng rất nhạy bén với những kênh đầu tư mới mẻ, liều lĩnh hơn và sẵn sàng mạo hiểm.

Gen Z đầu tư thế nào để an toàn?

Theo chuyên gia Ngô Thành Huấn, Giám đốc Khối tài chính cá nhân FIDT - một đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam cho rằng, các bạn trẻ Gen Z cần phân biệt rõ giữa tài sản và các hình thức đầu tư. 

Theo chuyên gia nhận xét, thế hệ Gen Z sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển nên rất nhạy bén với thông tin cũng như tiếp thu các kiến thức mới rất nhanh. Không những vậy, các bạn trẻ ngày nay cũng cởi mở hơn trong việc đón nhận các lớp tài sản mới so với các thế hệ đi trước.

Vì thế, chuyên gia cho rằng việc các bạn trẻ Gen Z có hiểu biết và tham gia vào các kênh đầu tư sớm là tốt và cần thiết vì có thể giúp họ học hỏi được nhiều thông qua các trải nghiệm.

Gen Z biết cách tận dụng ưu thế của xã hội để học hỏi kiến thức, công cụ về tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu, đầu tư thông minh. (Ảnh minh họa)
Gen Z biết cách tận dụng ưu thế của xã hội để học hỏi kiến thức, công cụ về tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu, đầu tư thông minh. (Ảnh minh họa)

Tư vấn về cách đầu tư và phân bổ tài sản cho các bạn trẻ, ông Huấn cho rằng nếu cần sử dụng khoản tiền đầu tư trong 3 tháng tới thì nên gửi tại ngân hàng. Nhưng nếu đã chuẩn bị đầy đủ bảo vệ tài chính, bảo vệ sức khỏe, quỹ dự phòng và không có nhu cầu sử dụng khoản tiền đó trong vòng 2-3 năm tới thì Gen Z có thể chuyển vào những lớp tài sản có tính rủi ro ngắn hạn.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, nếu có kiến thức, các Gen Z có thể đầu tư trực tiếp vào chứng khoán. Trong trường hợp có nhiều kinh nghiệm có thể đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ.

Gen Z là một thế hệ hiểu biết về công nghệ một cách tự nhiên bởi họ được sinh ra và lớn lên ngay trong thời đại số. Hiện nay, hầu hết các kiến thức kinh tế, tài chính tưởng chừng như phải tìm kiếm thông qua sách vở hoặc chuyên gia thì nay đã xuất hiện đầy đủ trên các nền tảng mạng xã hội. Chính điều này đã biến Gen Z thành một thế hệ có hiểu biết và nhận thức về tài chính sớm hơn hẳn các thế hệ trước.

Gen Z biết cách tận dụng ưu thế của xã hội để học hỏi kiến thức, công cụ về tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu, đầu tư thông minh. Họ sớm phát triển các tư duy hiện đại về tài chính. Điều này khiến thế hệ Gen Z hình  thành tư tưởng kiếm tiền và đầu tư từ sớm.

Theo đó, cũng ngày càng có nhiều “tấm gương" Gen Z nổi lên nhờ tài năng, trở thành các KOL hoặc influencer với thành tích khủng. Có thể nói, xã hội đãng nhìn nhận Gen Z như một thế hệ tiên phong, một thế hệ đang bùng nổ cùng công nghệ để bước đi nhanh trên hành trình kiến tạo xã hội hiện đại./.