ISSN-2815-5823

Giá gạo xuất khẩu hạ nhiệt

(KDPT) - Giá gạo Việt Nam xuất khẩu nối dài đà hạ nhiệt trong tuần vừa qua. Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, sau 2 lần điều chỉnh giảm và 1 lần hồi phục nhẹ tròn tuần qua, đầu tuần này (18/9), gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 15 USD/tấn so với ngày tuần trước đó về mức 613 USD/tấn; tương tự gạo 25% tấm mất mức 600 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn, xuống còn 598 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn
Xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn

Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 7 USD về 611 USD/tấn, 25% tấm sụt 13 USD về 550/USD một tấn so với tuần trước đó. Tuy khoảng cách với gạo Thái Lan đã thu hẹp hơn, gạo Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận mức giá cao nhất thế giới

MXV cho biết, tín hiệu nguồn cung dần ổn định trở lại là yếu tố chính khiến giá gạo hạ nhiệt trong 2 tuần trở lại đây.

Chính phủ Ấn Độ mới đây cho biết, lệnh cấm xuất khẩu đã giúp quốc gia này đảo bảo nguồn cung đầy đủ với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì. Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Bộ Lương thực Bangladesh, nước này có đủ lượng gạo dự trữ, hiện khoảng 1,7 triệu tấn, để cung cấp cho người dân giữa bối cảnh giá gạo thế giới và trong nước tăng cao.

Các quốc gia tiêu thụ lớn cũng đã tích cực thu mua trong giai đoạn trước đó nhằm bổ sung dự trữ cần thiết đối với mặt hàng lương thực thiết yếu này. Tại Indonesia, chính phủ đã tăng cường nhập khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh chính phủ đặt mục tiêu bổ sung dự trữ đối với mặt hàng thiết yếu này.

Cơ quan Thống kê Indonesia báo cáo, nước này đã nhập khẩu 1,59 triệu tấn gạo trong 8 tháng đầu năm nay, tăng vọt so với mức 237.146 tấn cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa trong số này có nguồn gốc từ Thái Lan. Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 cho Indonesia trong giai đoạn này với 674.000 tấn.

Chính phủ Indonesia cũng đã giao cho cơ quan thu mua thực phẩm nhà nước Bulog nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong năm 2023 để ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, vốn gây ra hạn hán và làm thiệt hại mùa màng ở châu Á. Tính đến hết tháng 8, lượng nhập khẩu đã gần đạt tới 80% kế hoạch.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng tới, nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo cũng sẽ bước vào cao điểm mùa thu hoạch, dự báo sẽ cung cấp lượng lớn nguồn cung ra thị trường.

Trong khi đó, việc giá gạo neo cao ở mức kỷ lục trong giai đoạn vừa qua cũng đã làm hạn chế lực mua đối với mặt hàng này. Các nhà nhập khẩu hiện cho thấy tâm lý rất thận trọng trong quyết định ký các hợp đồng mới, đồng nghĩa với việc một lượng hàng nhất định vẫn “nằm yên” trong tay nông dân và doanh nghiệp.

Một yếu tố khác củng cố cho đà hạ nhiệt của giá gạo, Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới có khả năng giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này. Điều này cũng kéo giá gạo xuất khẩu giảm theo.

Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, nhiều quốc gia tiêu thụ vẫn cần đẩy mạnh nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ. Đây sẽ là yếu tố kiềm chế đà giảm của giá gạo. Riêng tại Việt Nam, tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt gần 6 triệu tấn, trị giá gần 3,2 tỉ USD. Hiện tại, lượng gạo xuất khẩu ước tính chỉ còn hơn 1 triệu tấn. Theo MXV, giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì mức cao so với Thái Lan và cao nhất thế giới.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024