ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 06h00 27/02/2024

Giải pháp công nghệ giúp xử lý nước thải tại Hà Nội

(KDPT) - Vấn đề ô nhiễm nguồn nước lâu nay đã là những "ung nhọt" gây nhức nhối cho đời sống sinh hoạt của người dân. Việc xử lý nước thải đang là chuyện cấp bách cần được các cơ quan quản lý, chính quyền tìm ra hướng giải quyết toàn vẹn nhất. Nhiều chuyên gia cho rằng để bảo đảm nguồn nước trong công nghiệp, sinh hoạt và đô thị, việc quản lý bền vững và gia tăng các sáng kiến công nghệ được coi là giải pháp toàn diện và hiệu quả nhất.

"Đau đầu" với bài toán xử lý nước thải

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam là đất nước giàu tài nguyên nước. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu cùng hoạt động công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nguồn nước cũng đã và đang phải đối mặt với các thách thức lớn.

Đáng chú ý, theo World Bank, tác động từ ô nhiễm nguồn nước đến người dân có thể làm giảm khoảng 3,5% GDP Việt Nam vào năm 2035. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc cải tiến công nghệ xử lý nước thải là nhiệm vụ cấp thiết, cần ưu tiên.

Cần có một hệ thống xử lý nước thải phù hợp, thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Theo TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, TP. Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp mới, 9 khu công nghiệp cũ và 29 cụm công nghiệp, các khu công nghiệp có các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, rất ít các cụm công nghiệp có các trạm xử lý nước thải tập trung. Phần lớn các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có các thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm về chất thải rắn không giảm.

Bên cạnh đó, các trạm xử lý nước thải phần lớn được xây dựng dựa trên nguyên tắc thu gom, sau đó xử lý tập trung. Việc thu gom nước thải còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường ống thu gom khá xa so với khu dân cư; công nghệ xử lý tại nhiều nhà máy đã cũ; tổng lượng nước thải được xử lý triệt để bảo đảm các yêu cầu phục vụ tái sử dụng nước còn thấp.

GS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, vấn đề thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội bao gồm khu nội thành và các đô thị cũ đều là những hệ thống thoát nước chung, chủ yếu được xây dựng vào đầu thế kỷ XX.

Nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông Tô Lịch (Hà Nội). (Ảnh: Hà An)

Một số khu đô thị mới có hệ thống thoát nước riêng và một số khu nhà ở, đô thị cao cấp đã có trạm xử lý nước thải riêng. Mạng lưới đường cống thoát nước tập trung chưa bao phủ hết khu vực đô thị, đầu mối nước thải từ các hộ thoát nước vào cống thoát nước chưa đạt yêu cầu về số lượng và điều kiện kỹ thuật.

Công nghệ chính là giải pháp lúc này

Đề cập tới khía cạnh thúc đẩy hợp tác công - tư trong xử lý nước thải, chất thải rắn, TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam cho rằng, giải pháp để quản lý và xử lý nước thải hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự cải tiến trong kỹ thuật và công nghệ.

Ông Lộc nhấn mạnh, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% (theo Nghị quyết Đại hội XIII) trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn, từ 10-20 tỷ USD.

Do vậy, để hiện thực hóa mục tiêu trên cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ; nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn.

Ông Hoàng Thái Hà - Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện công ty đã ứng dụng hiệu quả công nghệ xử lý nước thải, khí thải tại chỗ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ quy mô hộ gia đình.

Đó là sử dụng thiết bị tách dầu mỡ do công ty nghiên cứu, thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu EN 1825 và EN 858, thân thiện với môi trường. Thiết bị có độ bền cao, chống ăn mòn, chịu lực tốt, ngăn mùi, đa dạng về chủng loại với nhiều công suất khác nhau, phù hợp với quy mô hoạt động của từng cơ sở kinh doanh dịch vụ. Với hiệu quả tách lọc dầu mỡ trong nước thải cao từ 90-95%, loại bỏ dầu mỡ trong nước thải ngay tại nguồn phát sinh sẽ tránh tình trạng tắc nghẽn, giảm chi phí nạo vét, duy trì và sửa chữa, thay thế đường ống thoát nước.

Các chuyên gia cho rằng, công nghệ là giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng. Vì thế, bước đầu tiên cần làm để đến gần hơn với việc quản lý nguồn nước đô thị, công nghiệp, tưới tiêu hiệu quả là bảo đảm cung cấp đầy đủ các công nghệ xử lý nước.

Trong tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2023, tại đây đã giới thiệu công nghệ điện hóa nhằm xử lý nước thải trong công nghiệp của nhóm nhà khoa học đến từ Công ty Hydroleap tại Singapore. Công nghệ điện hóa này giúp giảm tới 95% chất ô nhiễm có trong nước thải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế nước trong nhiều ngành công nghiệp.

Theo đó, công nghệ điện hóa có thể tiết kiệm 70% lượng nước thải và khử trùng gần như tuyệt đối, chẳng hạn như loại bỏ 99% vi khuẩn Legionella. Điều này cho phép các nhà sản xuất công nghiệp tuần hoàn nước tới 14 lần, thay vì 8 lần như trước đây.

Nhiều chuyên gia đề xuất, trước mắt Hà Nội cần xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ, nhất là khu vực nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập và kiểm soát hoạt động của các nhà máy và công trình xử lý nước thải xả vào sông; xây dựng chế tài bảo vệ môi trường sông hồ nội đô, trong đó có việc giáo dục tuyên truyền cộng đồng. Đồng thời, TP. Hà Nội nên nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ.

Với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Để việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải nguy hại là 100% sẽ không còn là ước muốn xa vời nếu chúng ta chung tay, góp sức ngay từ bây giờ./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024