ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 07h28 26/09/2024

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển trong điều kiện mới

(KDPT) - Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng hiện nay

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới". 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Minh cho rằng, việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh tại diễn đàn. (Ảnh: Việt Anh)
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh tại diễn đàn. (Ảnh: Việt Anh)

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý "đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác", hoạt động trên 3 nguyên tắc: bảo tồn vốn tự nhiên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả của hệ thống. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mô hình này không chỉ giảm khai thác nguyên liệu mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu chất thải, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đảng và Nhà nước coi kinh tế tuần hoàn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định 687/QĐ-TTg về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thượng tướng PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, kinh tế tuần hoàn là khái niệm đã phát triển qua nhiều thập kỷ. Đến nay kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới yêu cầu phải chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính gây lãng phí hiện tại sang nền kinh tế tuần hoàn.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế xanh gắn liền với chuyển đổi số

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn. 

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Việt Anh)
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Việt Anh)

“Cam kết COP26 và thích ứng BĐKH đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, năng lực ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu… Đồng thời, định hướng, chiến lược, đề án, hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững dần được hoàn thiện. Một điều đáng chú ý là việc hội nhập và hợp tác quốc tế; lợi thế của “người đi sau” tạo dư địa thực hiện tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi thì vẫn còn đó thách thức. Ông Lực nhận định nhận thức các bên đối với ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán. Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường và xã hội gặp nhiều khó khăn; Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; Hệ sinh thái cho tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, manh mún…

Trước những khó khăn đó, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số giải pháp. Huy động nội lực: tiết kiệm năng lượng, quản lý và xử lý chất thải, thay đổi thói quen/hành vi tiêu dùng (5Rs: Refuse, Reuse, Reduce, Recycle, Repair/Refurbish/Recover); Tăng trưởng/chuyển đổi xanh gắn (song hành) với chuyển đổi số; Định hướng, chính sách, chiến lược và giải pháp cần “SMART”; Thí điểm khu vực, ngành/lĩnh vực thực hiện mô hình KTTH điểm (kinh nghiệm Trung Quốc, Thái Lan).

Là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường

Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia; tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn, 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất tập trung vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Các chính sách cần thử nghiệm bao gồm chính sách khu công nghiệp, tín dụng xanh, phân loại xanh, khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, cùng với các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tại diễn đàn các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cũng như nhận diện và xác định đúng nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/10/2024