Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn song hành cùng mọi hoạt động của doanh nghiệp
Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng không thể đảo ngược
Theo Ủy ban Châu Âu, lượng chất thải phát sinh trung bình của Châu Âu (khoảng 12,43 kg/người mỗi ngày) cao gấp 2,74 đến 16,8 lần so với mức trung bình toàn cầu do Ngân hàng Thế giới ước tính (khoảng 0,74kg đến 4,54kg/người mỗi ngày).
Vì vậy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ thể hiện cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” cho biết, việc phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra nhiều cơ hội.
Đầu tiên là tạo cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa (gắn với cộng sinh công nghiệp) và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thêm vào đó, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Cuối cùng, cần sớm có chủ trương và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn để tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn đối với các nguồn tài chính xanh và nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ đối tác.
Các doanh nghiệp xoay xở trước những cơ hội và thách thức
Bên lề Diễn đàn, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh doanh và Phát triển, TS. Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sạch hơn Việt Nam (đơn vị tư vấn thuộc hệ thống doanh nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Trung tâm là đơn vị tư vấn giúp cho các doanh nghiệp cũng như khu công nghiệp chuyển đổi, áp dụng mô hình về sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và tuần hoàn tái chế, tái sử dụng tại doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Thịnh nhận định, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thứ nhất là sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận để phát triển bền vững hơn. Đồng thời thân thiện với môi trường hơn và đáp ứng với các tiêu chuẩn ngày càng đòi hỏi cao của thị trường người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài.
Đưa ra ví dú tại doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, việc tuần hoàn nước có thể tiết kiệm được tới 50-60% nước thải ra bên ngoài, nghĩa là không tốn chi phí xử lý. Đồng thời, họ thu lại được lượng bột giấy thải, giảm tác động đến môi trường và mang lại lợi ích kinh tế, tăng thêm lợi nhuận 3-5%. Ông Thịnh nói.
Dù vậy, khó khăn trong quá trình thực hiện vẫn còn khá nhiều, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tháo gỡ. Cụ thể, hiện nay có Luật về bảo vệ môi trường cũng đã khuyến khích về phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên các nghị định, thông tư có những hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa có những bộ tiêu chí để có thể đưa cho doanh nghiệp thực hiện một cách đầy đủ, làm thế nào để kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn như doanh nghiệp mong muốn tái sử dụng nước thì hiện nay còn đang lúng túng, không biết thực hiện như thế nào vì có thể sẽ vướng vào một số cam kết, các đánh giá báo cáo tác động môi trường đã đăng ký trước đây.
Bên cạnh đó, các mô hình triển khai kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa rõ ràng và chưa có nhiều ví dụ thành công để doanh nghiệp có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, cần phải dần xây dựng được một bộ tiêu chí kinh tế tuần hoàn cho từng lĩnh vực để xác định được thế nào là kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cũng phải xây dựng được chứng nhận về kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp, đối tác có thể tăng độ nhận diện.
Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho hay, để tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn cũng như phát triển bền vững, công ty đã lên mục tiêu và triển khai hành động cụ thể để đáp ứng các các yêu cầu pháp lý trong nước cũng như thoả mãn các yêu cầu đánh giá từ các thị trường nhập khẩu (như Mỹ, EU, Nhật Bản).
"Tổng công ty May 10 hiện chịu áp lực đánh giá của rất nhiều khách hàng. Từ quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 với trách nhiệm xã hội và thêm nữa là các hành động, chương trình cũng như kết quả của việc thực hiện đảm bảo về môi trường, đảm bảo xanh hóa trong sản xuất”, ông Mạnh chia sẻ.
Nói về vấn đề khí thải nhà kính, ông Mạnh cho biết công ty May 10 trước đây cũng sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch từ than. Bình quân hàng năm khoảng 1.500 tấn than cho việc đốt lò hơi để sử dụng hơi nóng cho dây chuyền sản xuất nhưng đến nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang việc sử dụng nhiên liệu Biomass (nhiên liệu tồn tại đa dạng từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp như trấu, bã mía, mùn cưa gỗ, dăm bào…). Với việc chuyển đổi này thì theo tính toán và kiểm kê chúng tôi đã giảm được khoảng được 3.500 - 3.600 tấn khí thải CO2/năm.
Cái khó cho doanh nghiệp
Cũng theo ông Hà Mạnh, trong thực tiễn cũng không tránh khỏi một số bất cập. Về chính sách vĩ mô cũng như cơ sở của luật pháp thì cũng có đầy đủ, nhưng cụ thể trong quá trình thực tiễn triển khai cũng không tránh được một số bất cập, vì việc dẫn giải chưa rõ ràng, có những cách hiểu của địa phương, các cơ quan ban, ngành ở một số địa phương không giống nhau.
Khi thực hiện triển khai các dự án liên quan đến lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái hoặc vấn đề về xử lý cấp 2 của nước thải để tận dụng nước sau khi xử lý cho một quy trình khác trong quá trình sản xuất… cũng phải phụ thuộc vào rất nhiều quy chế, quy định khác của địa phương.
Trong quá trình thực hiện dự án, có nhiều điều chưa được rõ ràng đối với các doanh nghiệp hay những người sử dụng, trong khi cần phải xin ý kiến, cần sự sự đồng ý của nhiều cơ quan, chủ thể liên quan khác thì mới đủ điều kiện để có thể được thực hiện một dự án mong muốn về năng lượng tái tạo, xử lý về môi trường, sản xuất, tái chế về rác thải để có được nguồn nguyên liệu cung ứng cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đưa ra ví dụ đối với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời áp mái thì Nghị định 80 của Chính phủ mới ban hành cơ chế có thể mua bán điện trực tiếp giữa những nhà sản xuất và đơn vị lắp đặt năng lượng mặt trời tự sản, tự tiêu, được phép bán lượng dư thừa không quá 20% đối với công suất lắp đặt.
Ông Hà Mạnh cho rằng đây là một điều mới, mở ra một cơ hội, động lực tốt đối với các doanh nghiệp khi muốn đầu tư, vừa để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí về nhiên liệu và đồng thời tăng thêm tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo để chung tay vào việc bảo vệ môi trường. Cũng để giảm bớt áp lực thu hồi vốn đầu tư đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng cần thiết phải có một cơ chế về tính giá rõ ràng hơn. Đồng thời, các cơ chế về đấu nối cũng cần xem lại. Thực tế hiện tại chưa có sự rõ ràng về việc đấu nối của hệ thống điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp tự sản, tự tiêu đối với doanh điện với điện lưới quốc gia.
"Các doanh nghiệp như chúng tôi cần một sự rõ ràng, hướng dẫn cụ thể. Trong các chính sách cần cụ thể hơn để cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan chủ quản có được tiếng nói hiểu nhau hơn, rút ngắn lại các quy trình, thủ tục giúp cho doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất để phát triển trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Hà Mạnh cho hay./.
- Phát triển giao thông xanh gắn liền với xây dựng kinh tế xanh
- Chuyển dịch năng lượng là động lực hướng tới phát triển kinh tế xanh