Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long… cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và đại biểu ở 63 điểm cầu tại địa phương.
Bản chất của hòa giải là công tác dân vận
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, vừa là nhu cầu khách quan, vừa là chủ quan, tất yếu trong cuộc sống, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết những xích mích, mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tăng cường “tình làng nghĩa xóm”.
Hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Điều này không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần giữ bình yên, ổn định xã hội, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.
Đến nay, với Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của Bộ luật Lao động, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, chủ đề Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải” cho thấy bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận. Những mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến”, các tổ hòa giải, hòa giải viên tiêu biểu ở nhiều nơi đã khẳng định không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả.
Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn.
“Đó cũng là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải có hiệu quả”, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định.
Phát huy vai trò người có uy tín ở cộng đồng
Báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ việc. Công tác hòa giải qua 6 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp cùng cấp trong thực hiện công tác này…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải trong thời gian qua, từ đó khẳng định chủ trương, lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải là đúng đắn và rất cần thiết, góp phần giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng, giữ gìn đoàn kết, ổn định, đồng thuận xã hội.
Để việc hòa giải được hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa được lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên. Bên cạnh đó cần đảm bảo sự lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là ở cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án các cấp trong việc triển khai thực hiện hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, muốn hòa giải hiệu quả cần phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng; cần nắm chắc luật pháp. Trong phân công phải rõ vai, đúng người, đúng việc. Trong hòa giải phải kiên trì, nắm được tâm tư, nguyện vọng, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. “Phải nắm chắc, dự đoán lĩnh vực nào dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột; đặc thù của vùng thành thị, vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào công giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ rõ.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thực chất, hòa giải tại tòa án chính là công tác dân vận. “Để thiết chế hòa giải tại tòa án cũng như hòa giải ở cơ sở, hòa giải trong tố tụng thành công, trách nhiệm và tấm lòng của các hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị tất cả tòa án, đặc biệt các thẩm phán trong hệ thống tòa án cần xem nhiệm vụ hòa giải như một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Theo đó, các thẩm phán phải tham gia đầy đủ, trách nhiệm tất cả các thiết chế hòa giải, từ hòa giải cơ sở, đến hòa giải tại tòa án và các thiết chế hòa giải theo tố tụng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở góp phần làm đổi mới công tác dân vận ở chính quyền, làm cho môi trường xã hội Việt Nam ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Phó Thủ tướng nêu rõ, chủ đề của năm 2020 là “Năm dân vận khéo”. Đề cập đến từ “khéo”, Phó Thủ tướng cho rằng, chính quyền các cấp cần nắm chắc quy định của pháp luật; thực hiện tốt trong việc áp dụng, diễn giải, xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, muốn “khéo” thì phải có lý, có tình, không chỉ hòa giải viên mà cán bộ chính quyền các cấp phải thực sự vì dân; muốn dân hiểu phải xuất phát từ tấm lòng. Vì thế, cán bộ tham gia giải quyết mâu thuẫn cần nắm sát tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như tìm ra khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện chính sách pháp luật.