ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 07h46 26/02/2022

Giảm thuế 2%: Tác động tích cực đến người dân và doanh nghiệp

(KDPT) – Mới đây, tại kỳ họp tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với quy mô lớn chưa từng thấy nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lao đao bởi đại dịch. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội​​​​​​​. Cụ thể, từ 1/2 đến hết ngày 31/12/2022, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ giảm từ 10% xuống còn 8% nhằm giảm khó khăn do dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến gói hỗ trợ nói trên sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ. Trong đó, chỉ tính riêng việc giảm thuế GTGT đã chiếm khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, khoản thực hiện chi phí được giảm trừ đối với việc chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 dự kiến gần 2 nghìn tỷ đồng. Có thể nói, việc giảm 2% thuế trong 11 tháng của năm 2022 là một quyết sách mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong thời điểm hiện nay, đồng thời cũng là thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Trong những thời điểm khó khăn nhất, Chính phủ đã phải tính toán, căn cơ rất kỹ nguồn thu- chi, nhưng vẫn không ngần ngại tính đến việc tiếp tục giảm thuế cho toàn dân. Quyết sách này được đông đảo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Thuế GTGT giảm 2%, người tiêu dùng tiết kiệm 2% chi tiêu

Nhận định về chính sách, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, cách thiết kế chính sách lần này có nhiều ưu điểm, cơ quan quản lý không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ mà ta chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ. Mà nhóm không được hỗ trợ rất ít và là nhóm các DN đang có lợi thế trong đại dịch như: lĩnh vực kinh doanh tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin – cho gì cả nên việc kiểm soát không còn quá khó khăn.

Nếu trước đây, các gói hỗ trợ lấy trụ cột là giãn, hoãn, tạm thời chưa thu thuế vào NSNN ,thì lần này trực diện đặt vấn đề và quyết tâm giảm các khoản thu vào NSNN. Yếu tố quan trọng hơn cả là trước đây cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thuế TNDN đối với các DN khó khăn, khủng hoảng. Còn lần này, giảm thẳng vào thuế gián thu mà ở đây là thuế GTGT.Thuế suất GTGT phổ thông hiện nay là 10%, khi giảm chỉ 2% thôi nhưng cũng có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, khả năng tiêu thụ theo đó cũng được hỗ trợ mạnh mẽ.

TS. Đoàn Ngọc Phúc, Trưởng khoa Kinh tế Luật, Trường Đại học Tài chính – Maketing cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng 2% (từ 10% xuống còn 8%) ngay lập tức đã tác động tích cực, toàn diện vào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19. Chính sách không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau tác động của dịch Covid-19 mà sẽ có tác dụng ngay đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, là động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.Thuế GTGT là thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng phải trả khoản thuế này nên họ sẽ được hưởng lợi sau khi áp dụng mức thuế giảm 2%. Mặt khác, việc giảm thuế GTGT áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống con người nên tất cả người dân đều được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế GTGT này. Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của một bộ phận người tiêu dùng, do vậy việc giảm thuế GTGT sẽ giúp họ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân, nhất là chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Đây cũng là điều kiện để khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển, bởi chính sách này sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế, khiến người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Ông Được chia sẻ thêm, hiện nay hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đều chịu thuế suất thuế GTGT là 10%, nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thì chính sách này sẽ có độ bao phủ, tác động rất rộng. Đặc biệt, thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền. Ông Được cũng cho biết, việc giảm thuế GTGT làm cho cán cân cung – cầu của nền kinh tế được gần nhau hơn, từ đó thị trường sẽ xác lập mức giá mới thấp hơn mức giá khi không giảm thuế. Điều này cũng sẽ góp phần vào công cuộc giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Khảo sát tại một số siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ 1/2/2022, đến nay hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh trên địa bàn đã nắm được chính sách này và thực hiện giảm thuế cho người tiêu dùng. Nhiều người cho biết, cũng nhờ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), nên giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm khá ổn định, không tăng giá, mặc dù trong những ngày vừa qua thời tiết rất bất lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung. Chị Phạm Khánh Ninh ở Nghĩa Tân, Cầu giấy, Hà Nội cho biết, mọi năm hàng hóa sau tết thường tăng giá do nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hoạt động trở lại, nguồn cung khan hiếm trong khi nhiều gia đình, cơ quan, tổ chức gặp mặt ăn uống. Năm nay một phần do dịch bệnh, người dân ít tổ chức các hoạt động ăn uống, một phần cũng nhờ được giảm thuế GTGT, nên hầu hết các mặt hàng thiết yếu giá cả khá ổn định. “Mấy ngày vừa qua Hà Nội mưa và rét, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau xanh tại các chợ truyền thống cũng như siêu thị khá ổn định”.

Cần làm gì để chính sách đi vào cuộc sóng nhanh, hiệu quả

Một trong những nội dung quan trọng khi triển khai chính sách giảm thuế từ 10% xuống 8% là phải đảm bảo tính hiệu quả cao thì chính sách mới đi vào cuộc sống, mà muốn chính sách đi vào cuộc sống thì các cơ quan quản lý, nhất là cơ quan thuế phải thực hiện rất nhiều công việc và thủ tục. Do đó việc thiết kế các thủ tục phải đảm bảo đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tế để các đối tượng hưởng thụ không tốn nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, thực hiện các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định để giữ bình ổn giá cả thị trường. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc chủ động tuyên tuyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời nội dung của chính sách giảm thuế GTGT. Đặc biệt, cơ quan thuế cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh các trường vi phạm quy định, các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tại các cửa hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có xuất hóa đơn phải giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn, tránh tình trạng mập mờ khiến người tiêu dùng không biết giá sản phẩm đã được giảm thuế GTGT hay chưa. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chấp hành việc giảm giá sản phẩm tương ứng với mức giảm thuế GTGT. Có như thế thì chính sách mới thực sự mang lại hiệu quả.

PHƯƠNG ANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024