ISSN-2815-5823

Giữ chân nhân viên bằng văn hóa doanh nghiệp

(KDPT) - Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhân viên, sự hài lòng trong công việc và hiệu quả công việc của họ. Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào việc giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.

Với thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, việc giữ chân nhân viên giỏi càng được các nhà lãnh đạo chú trọng hơn trở thành một phần tất yếu cho thành công của doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng chiến lược giữ chân nhân viên hay nhất là thể hiện rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của họ trong hợp đồng lao động. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Sai lầm nếu một doanh nghiệp cho rằng chỉ cần trả lương cao là sẽ thu hút, duy trì được người tài. Nhân viên chỉ trung thành và gắn bó lâu dài khi họ thấy hứng thú được làm việc trong môi trường doanh nghiệp, cảm nhận được bầu không khí thân thuộc trong doanh nghiệp và có khả năng tự khẳng định mình để thăng tiến. Trong một nền văn hoá chất lượng, các thành viên nhận thức rõ ràng về vai trò của bản thân trong toàn bộ tổng thể, họ làm việc vì mục đích và mục tiêu chung.

Tại một hội thảo về văn hóa doanh nghiệp, ông Trần Trung Hiếu - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty CP TopCV Việt Nam (TopCV) cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường nhân sự có nhiều sự thay đổi, khi người lao động đang chủ động hơn trong việc lựa chọn môi trường làm việc của mình.

“Lương thưởng hay phúc lợi sẽ không còn là mối quan tâm hàng đầu của các ứng viên mà quan trọng hơn, đó là những tiêu chuẩn về một văn hóa doanh nghiệp phù hợp, nơi có thể đem lại cho người lao động một lộ trình sự nghiệp rõ ràng, được đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn và chia sẻ, được trao quyền và cơ hội thử thách bản thân” - ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Theo khảo sát, có đến 66% người tìm việc coi văn hóa và các giá trị của công ty là yếu tố quan trọng nhất khi xem xét cơ hội nghề nghiệp, có đến 80% người lao động cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố khiến họ gắn bó với công ty, có đến 86% người lao động cho biết họ sẽ không nộp đơn xin việc tại một tổ chức, doanh nghiệp có hình ảnh hoặc danh tiếng thương hiệu xấu. Các tổ chức có văn hóa doanh nghiệp mạnh có mức độ gắn kết nhân viên cao hơn rất nhiều so với các tổ chức có văn hóa doanh nghiệp yếu. Các doanh nghiệp chủ động quản lý văn hóa doanh nghiệp của họ có tỷ lệ giữ chân nhân viên cũng cao hơn rất nhiều.

Như vậy, tác động của văn hóa doanh nghiệp đối với việc giữ chân nhân viên là điều không thể phủ nhận. Nếu nhân viên làm việc cho một công ty có nền văn hóa lành mạnh phù hợp với niềm tin và thái độ của chính họ, họ sẽ làm việc chăm chỉ và gắn bó lâu dài hơn với công ty. Ngược lại, nếu văn hóa của công ty khiến họ cảm thấy không thoải mái, nhiều khả năng nhân viên sẽ rời đi, hoặc tệ hơn là ở lại nhưng hoạt động với hiệu quả kém. Rõ ràng là văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhân viên, sự hài lòng trong công việc và hiệu quả công việc của họ. Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào việc giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.

Trong môi trường làm việc hiện đại, các nhân viên ngày càng tìm kiếm các doanh nghiệp có nền văn hóa và giá trị phù hợp với các ưu tiên hay giá trị cá nhân của riêng họ. Một doanh nghiệp phát triển bền vững là doanh nghiệp sở hữu những con người phù hợp văn hoá của doanh nghiệp, tức là những con người có cùng niềm tin, giá trị với văn hoá doanh nghiệp. Nhân viên làm việc trong môi trường văn hóa phù hợp sẽ hạnh phúc hơn, hài lòng với công việc hơn, cam kết và làm việc tốt hơn, và gắn kết với tổ chức hơn.

Như vậy, có thể tổng kết rằng, văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp nhân viên có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa, hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp sẽ “giữ chân” được nhân viên, đặc biệt là những nhân viên có kinh nghiệm, kỹ năng tốt.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024