ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h04 27/06/2018

GS. Phan Huy Lê: Nhà sử học lớn của dân tộc, có sức ảnh hưởng quốc tế

(KDPT) Trong giới sử học Việt Nam, tương truyền có 4 nhà khoa học lớn là “Lâm, Lê, Tấn, Vượng”: GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn và GS. Trần Quốc Vượng. Đến nay, GS. Phan Huy Lê đã gửi lời chào GS. Hà Văn Tấn để đoàn tụ cùng GS Đinh Xuân Lâm và GS. Trần Quốc Vượng.

Người thầy trách nhiệm làm nên nhà nghiên cứu lớn

Là một trong những học trò của GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh, sau khi tốt nghiệp cử nhân Sử – Địa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.Phan Huy Lê nhận chức danh trợ lý giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử – Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Năm 1958, ông là chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi.

Từ năm 1988 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam.

Năm 1995, GS. Phan Huy Lê sáng lập khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Ông nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1994, là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hoá châu Á Fukuoka năm 1996.

Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hoá Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”

Năm 2000, ông được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”.

Năm 2011, được bầu là Thông tín viên Viện Văn Khắc và Mỹ Văn. Năm 2017, ông được Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp trao huy chương vinh danh. Ông Michel Zink, GS Học viện Kỹ nghệ Pháp và Thư ký trọn đời Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp đánh giá GS Phan Huy Lê là nhà sử học uyên bác nổi tiếng tại Việt Nam và nước ngoài: “Chúng tôi muốn làm gì đó, dù rất nhỏ để ghi nhận công lao của GS Phan Huy Lê và quyết định (…) trao huy chương truyền thống của Viện Hàn lâm Pháp cho GS Phan Huy Lê”, ông Michel Zink nói.

Năm 2016, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo GS Nguyễn Quang Ngọc (ĐHQG Hà Nội), có thể hình dung toàn bộ trước tác của GS Phan Huy Lê được chia ra thành 4 mảng lớn gần tương đương nhau và đều ở mức rất cao (từ 104 đến 120 công trình). “Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế. Tầm uyên bác trong các công trình Sử học của GS Phan Huy Lê bắt nguồn từ trách nhiệm cao cả của một người thầy, vì theo ông dạy đại học là dạy kết quả nghiên cứu của chính mình”.

Người dẫn dắt về học thuật

Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia…

Chỉ ở độ tuổi 25-30 mà giáo sư Phan Huy Lê đã trở thành trụ cột “rất chắc” trong “tứ trụ” của giới sử học Việt Nam: “Lâm, Lê, Tấn, Vượng”.

Hẳn ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong, dẫn dắt về mặt học thuật của giáo sư Phan Huy Lê trong nền sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt một nửa thế kỷ là câu chuyện hiếm có. Ông là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ khi tái lập cho đến nay đã tròn một phần tư thế kỷ và dường như khó có thể tìm được người thay thế ông.

Khi bước vào tuổi lục tuần, ông bứt phá và tăng tốc đến ngoạn mục với nhịp độ 12 công trình/năm và 231 công trình, gồm hàng loạt những tổng kết khoa học sâu sắc và chuẩn mực cho 19 năm liên tục (1995-2013), cũng hết sức đặc biệt.

Bước vào tuổi bát tuần, giáo sư Phan Huy Lê vẫn hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát thực địa từ Thăng Long, Sơn La, Thái Nguyên, Tây Đô, Lam Sơn, Lũng Nhai, qua Triệu Phong, Ái Tử, Huế, Đà Nẵng, Hội An… cho đến Mô Xoài, Bến Nghé, Đồng Nai, Óc Eo, Gò Tháp…

Theo GS Vũ Minh Giang, đóng góp quan trọng nhất của GS Phan Huy Lê về tư tưởng là đã xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống lịch sử Việt Nam. Tư tưởng này ông thể hiện rõ nét trong bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm mới, lịch sử Việt Nam phải bao gồm toàn bộ những nền văn minh đã tồn tại trên đất nước hiện nay. Thời cổ đại, bên cạnh văn minh Đông Sơn phía Bắc còn có văn minh Sa Huỳnh với vương quốc Chăm Pa ở miền Trung, văn minh Óc Eo với vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ.

Trước đây, giới sử học chỉ nhìn theo hướng người Việt đi đến đâu thì viết sử đến đó, vậy nên vẫn giữ quan điểm Đại Việt là “phe ta”, Chăm Pa, Phù Nam… là “phe địch”. GS Lê sớm nhận ra cách nhìn đó không đúng nên đề nghị viết khách quan, tôn trọng tất cả nền văn minh trên đất nước.

GS Lê chủ trương tiếp cận lịch sử toàn diện, bởi một thời gian rất dài, sách sử về các triều đại, thời đại chỉ viết về chính trị và quân sự, sử học chỉ nhấn mạnh các trận đánh, chiến dịch mà quên mất lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội.

“Theo quan điểm cũ, nhiều người sẽ nghĩ rằng suốt thế kỷ 13, ông cha chỉ ăn rồi đánh giặc Nguyên Mông. Nhưng sự thực không phải vậy, bởi thời gian chiến tranh không kéo dài”, GS Giang phân tích.

Vì vậy, GS Lê chủ trương đặt văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội đúng vị trí trong lịch sử, để thế hệ sau hiểu ngày xưa cha ông xây dựng đất nước, sinh sống ra sao. GS Giang đánh giá cách tiếp cận này là đóng góp to lớn cho khoa học lịch sử Việt Nam.

Sử gia Phan Huy Lê cũng chủ trương khắc phục những khiếm khuyết, góc khuất của lịch sử bằng góc nhìn khách quan khi có được tư liệu mới. Từ lâu, GS Lê đề nghị cần nhìn nhận khách quan công lao đóng góp của triều Nguyễn với tiến trình lịch sử dân tộc.

Trước đây triều Nguyễn chỉ được biết đến là vương triều “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhiều người quên rằng đây là triều đại tạo ra nền văn hóa tương đối rực rỡ. Cố GS Trần Văn Giàu từng nói tất cả những trước tác của triều Nguyễn nhiều hơn sách vở tất cả triều đại trước. Triều Nguyễn còn có công lao khẳng định chủ quyền và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tán thành việc xác lập quan điểm mới khỏa lấp những khoảng trống lịch sử Việt Nam, GS Vũ Dương Ninh đồng tình với GS Lê trong cách nhìn nhận về công lao nhà Nguyễn. “GS Lê đánh giá rất công tâm công lao thống nhất đất nước của nhà Nguyễn. Vua Gia Long đặt nền móng cho sự thống nhất vẹn toàn như ngày nay và xác lập chủ quyền, gìn giữ Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Ninh bày tỏ.

Để khách quan, bộ Quốc sử do GS Lê làm Tổng chủ biên sẽ thay những tên gọi như “nguỵ quân, nguỵ quyền” bằng “Chính quyền Sài Gòn, Việt Nam cộng hòa”. “Nếu chỉ nhìn thực thể Việt Nam cộng hòa là giai đoạn bỏ đi sẽ không khách quan. Chính quyền đó có nhiều di sản hôm nay cần khai thác như hệ thống tổ chức hành chính, hệ thống giáo dục…”, GS Vũ Minh Giang nói.

Những điểm tiến bộ này sẽ được thể hiện trong bộ Quốc sử, dự kiến hoàn thành năm 2019.

Minh Sơn (tổng hợp)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024