Hạn chế phát sóng với những nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội
Đây là thông tin trong Quyết định vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) thông qua về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Trước thực trạng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành nhưng không hiệu quả vì không có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện hành chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Ví dụ như mức phạt với mỗi hành vi vi phạm liên quan việc đưa tin sai sự thật chỉ từ 5-10 triệu đồng, trong khi mức phạt vi phạm về quảng cáo chỉ đến 80 triệu đồng.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: các biện pháp "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ. Trước mắt, do chưa có quy định pháp luật nên sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.
Những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cần phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm chứng thông tin do mình đăng tải. |
Trên thực tế, dư luận bức xúc, lên án những phát ngôn tùy tiện, hành vi vi phạm pháp luật, coi thường khán giả… của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng nhưng lại lúng túng khi “chỉ mặt, đặt tên” bởi chúng ta còn thiếu một hệ quy chiếu chuẩn mực. Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử đã giúp cho không chỉ nghệ sĩ mà cả xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm của người làm nghệ thuật. Quy tắc đã nhấn mạnh nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác xã hội; giữ niềm tin, uy tín, trách nhiệm, danh dự, không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa đến cộng đồng. Đối với hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng…
Xây dựng cơ chế phù hợp để xử lý nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp thiết nhằm kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, sự quyết liệt của dư luận và cộng đồng xã hội cũng đã góp phần không nhỏ giúp cho những người hoạt động nghệ thuật nhận diện một cách đầy đủ hơn về những chuẩn mực đạo đức cần có. Nói cho cùng, vẫn là sự tự ý thức; trách nhiệm công dân và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Chẳng có chế tài nào mạnh mẽ hơn sự tự trọng của bản thân mỗi người.