Hàng chục nghìn doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ Trung Quốc đang hoạt động trở lại
Khi mà cuộc chiến của người Trung Quốc chống lại sự bùng phát của dịch cúm corona đang có nhiều dấu hiệu tích cực, Trung Quốc đang thận trọng mở lại hoạt động kinh doanh, cách tiếp cận của mỗi vùng có khác nhau tùy thuộc vào rủi ro liên quan đến sức khỏe của người dân từng vùng, theo nội dung bài báo mới đây được Tân Hoa Xã đăng tải.
Sau khi duy trì ở mức thấp trong vòng 2 tuần, chỉ số khôi phục hoạt động kinh doanh, chỉ số phản ánh số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại ở tỉnh Giang Tây – Trung Quốc, một trong những tỉnh lớn của ngành sản xuất Trung Quốc, đang trong xu thế phục hồi.
Theo tính toán, chỉ số tăng 16 điểm trong khoảng thời gian từ ngày 13/2/2020 cho đến ngày 24/2/2020. Dựa trên tính toán, cứ 1 điểm tăng của chỉ số đồng nghĩa với khoảng 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động trở lại, theo nhận xét của ông Hu Zhiqiang, quản lý tại công ty điện tỉnh Giang Tây – Trung Quốc.
Chỉ số được coi như “hàn thử biểu” của tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi của chỉ số cho thấy nền kinh tế tỉnh Giang Tây đang hồi phục nhanh chóng sau khi chịu nhiều tác động của dịch cúm corona.
Tính đến ngày thứ Ba của tuần này, 78.064 người Trung Quốc đại lục bị nhiễm virus cúm corona, 2.715 người tử vong Tuy nhiên, số lượng người được chữa khỏi và xuất viện đã cao hơn số lượng người mắc mới 8 ngày liên tiếp.
Giới chức địa phương Trung Quốc đang được yêu cầu đưa ra các cách tiếp cận khác nhau để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên rủi ro y tế địa phương. Những khu vực có rủi ro thấp cần phải tập trung ngăn các ca nhiễm mới có nguyên nhân từ bên ngoài và khôi phục lại hoàn toàn hoạt động sản xuất và cuộc sống.
Những tỉnh có rủi ro y tế trung bình cần khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh khởi động trở lại dựa trên tình hình tại địa phương. Còn những tỉnh có rủi ro bệnh dịch cao cần hoàn toàn tập trung nguồn lực vào việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Người lao động được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào dây chuyền sản xuất tại một nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Không chỉ tỉnh Giang Tây, chính quyền một số tỉnh khác tại Trung Quốc đã có nhiều biện pháp khác nhau nhằm đảm bảo hoạt động kinh tế được khôi phục lại với điều kiện sự lây lan của virus cúm corona đã được kiềm chế.
Ngày 20/2/2020, chính quyền thành phố Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc đã ban bố thông tư yêu cầu chính quyền các địa phương trực thuộc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, ngân sách và nguồn cung khí đốt, khuyến khích các ông chủ doanh nghiệp cung cấp nơi ăn chốn ở cho nhân viên.
Những quận nào không có trường hợp nhiễm cúm corona mới trong 14 ngày liên tiếp sẽ có thể tiếp tục nới lỏng quy định để giúp doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động và việc đi lại của người dân trở nên thuận lợi hơn.
Thành phố Trường Xuân là nơi tập trung nhà máy sản xuất của nhiều hãng xe ô tô lớn nhất Trung Quốc cũng như nhiều công ty sản xuất phụ tùng ô tô lớn. Hoạt động sản xuất của dây chuyền lắp ráp xe hãng FAW, hãng xe lớn nhất Trung Quốc, đã trở lại bình thường từ ngày 22/2/2020.
Tại khu vực trung tâm công nghiệp của thành phố, 90% doanh nghiệp đã sản xuất trở lại.
Tại thành phố Đông Quản, một trung tâm sản xuất quan trọng thuộc tỉnh Quảng Đông miền Nam Trung Quốc, tổng số 5.791 doanh nghiệp nước ngoài đã khôi phục hoạt động trở lại, trong đó có 60% là doanh nghiệp quy mô lớn và trung bình.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Thượng Hải cho thấy trong tổng số 697 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ chốt tại Thượng Hải, hơn 90% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ và khoảng 70% doanh nghiệp ngành sản xuất đã hoạt động trở lại.
Theo Bloomberg đưa tin mới đây, tại Trung Quốc, hãng Apple đã mở cửa trở lại 29/42 cửa hàng bán lẻ của hãng. Phần lớn cửa hàng mở cửa khoảng 8 tiếng/ngày so với 12 tiếng/ngày trước khi dịch cúm corona lan rộng.
Bộ Thương mại Trung Quốc công bố tỷ lệ mở cửa lại với các chuỗi siêu thị đạt 95%, tỷ lệ mở cửa tại các chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh đạt trên 90%, với cửa hàng tiện lợi, con số này đạt trên 80%. Tại các chợ nông sản truyền thống, tỷ lệ đạt trên 80%. Các cửa hàng nhỏ, các chợ đang dần hoạt động kinh doanh như bình thường.