Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM được đẩy nhanh tiến độ
Dự án cầu - đường Nguyễn Khoái nối liền các quận 7, quận 4 và quận 1 sẽ khởi công vào cuối năm nay sau gần một thập kỷ treo và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp phía Nam Sài Gòn giải tỏa áp lực giao thông, giảm bớt tình trạng ách tắc cục bộ.
Thời điểm được phê duyệt lần đầu hồi năm 2016, dự án cầu - đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư 1.250 tỷ, nối tiền đường D1 thuộc khu dân cư Him Lam (quận 7) đến đường Bến Vân Đồn (quận 4) với tổng chiều dài khoảng 1 km. Tuy nhiên sau khi nối dài sang quận 1, tổng vốn cho dự án được nâng lên 3.725 tỷ đồng, chỉ riêng phần kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cho 125 hộ dân, tổ chức quận 4 đã lên tới 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (phía chủ đầu tư), đơn vị này đang đề xuất áp dụng cơ chế đền bù của công trình tương tự như dự án Vành đai 3, tức tách giải phóng mặt bằng thành một hạng mục độc lập và được thực hiện song song với xây lắp. Một số thủ tục liên quan công tác bồi thường theo đó sẽ làm đồng thời với quá trình chờ phê duyệt nghiên cứu tính khả thi của dự án. Nếu làm như vậy, dự kiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ cơ bản hoàn tất vào cuối năm nay.
Ông Phúc kỳ vọng một khi công trình hoàn thành, với việc giảm ùn tắc, sẽ hình thành được trục giao thông Bắc - Nam nối từ khu vực trung tâm thành phố đi quận 7, Nhà Bè, đồng thời kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3. Từ đó, thu hẹp khoảng cách địa lý ở cửa ngõ phía Tây - Nam thành phố…
Vị này cho biết thêm, quy trình cũ khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cụ thể, chỉ sau khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt thì mới có cơ sở cắm cọc, bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng cho các quận huyện để tiến hành đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường cũng như tiến hành các phương án tái định cư cho người dân.
Do vậy, khi triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ giai đoạn chuẩn bị để rút ngắn thời gian. Theo mô hình này, TP.HCM dự kiến sẽ áp dụng cho các công trình nhóm A (có dự án thành phần giải phóng mặt bằng) nhằm đẩy nhanh tiến độ, qua đó rút ngắn từ 1-1,5 năm so với quy trình cũ.
Ngoài ra sắp tới thành phố cũng dự kiến áp dụng cơ chế tương tự với hai dự án thuộc Vành đai 2 - TP. Thủ Đức đoạn từ cầu Phú Hữu tới đường Phạm Văn Đồng, tổng chiều dài khoảng 6 km và tổng vốn đầu tư gần 13.900 tỷ đồng.
Ông Võ Trí Dũng - Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức cho hay, có khoảng 935 trường hợp người dân, tổ chức bị ảnh hưởng do nhu cầu sử dụng đất triển khai hai dự án trên, với tổng diện tích giải phóng mặt bằng ước tính trên 61,5 ha. Theo cách làm mới, việc đền bù sẽ được thực hiện trước với đất nông nghiệp hoặc người dân có đất ở chấp thuận bàn giao.
Với cơ chế này, TP.HCM đặt mục tiêu đến tháng 11/2024 sẽ hoàn tất bàn giao khoảng 70% mặt bằng, và phần còn lại dự kiến bàn giao nốt vào 2025. Sắp tới, một số công trình trọng điểm trên địa bàn cũng được thành phố dự tính áp dụng cơ chế tương tự, có thể kể đến như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 4...
Nhận định về cách làm mới này, theo TS. Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng luôn là thách thức khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông do quy trình đền bù ảnh hưởng nhiều người dân, quá trình triển khai phải qua nhiều bước.
Vì vậy, một khi thực hiện tách công tác bồi thường làm một dự án thành phần, theo đó triển khai song song các bước thì chắc chắn sẽ mang đến hiệu quả rút ngắn thời gian. Theo đó, ngay khi dự án được duyệt về tính khả thi thì thì về cơ bản các hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường cũng đã hoàn tất để thúc đẩy triển khai các phần việc tiếp theo. Cách làm như vậy không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp hạn chế tình trạng đội vốn do trượt giá hay chi phí phát sinh khi dừng chờ giải phóng mặt bằng - vốn thường kéo dài khá lâu.
Trước đó, hàng loạt dự án tại TP.HCM đã gặp vướng mắc, có trường hợp phải ngừng thi công do những khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là việc dự án đội vốn do giải phóng mặt bằng chậm trễ, chi phí đền bù tăng, có thể kể đến như dự án nút giao Mỹ Thuỷ, TP. Thủ Đức (tăng 1,5 lần từ gần 2.000 tỷ lên hơn 3.600 tỷ), dự án cải tạo kênh Hàng Bàng quận 5 (tăng gấp 4 lần 188 tỷ lên 779 tỷ)...
Những cách làm đổi mới đối với những dự án trên thị trường bất động sản TP.HCM sẽ giúp cho các dự án được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sẽ tránh làm lãng phí nguồn đất, giải toả được một phần nguồn cung trên thị trường. Đồng thời, những việc này cũng cho thấy sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cố gắng tháo gỡ vướng mắc giúp các doanh nghiệp bất động sản sớm hồi phục trở lại./.
- Tích cực tháo gỡ các dự án bất động sản chậm tiến độ
- Savills: Nhiều dự án bất động sản đi vào hoạt động trong trung hạn sẽ làm thị trường khách sạn “sôi động” hơn