ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 15h50 23/11/2023

Hệ thống giao thông thông minh: Góp phần phát triển đô thị bền vững

(KDPT) - Xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) là mục tiêu lớn của Hà Nội nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển đô thị bền vững. Với tầm vóc là Thủ đô của đất nước, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông là một trụ cột chính.

Hà Nội sẽ dần tiến tới "siêu đô thị"

Tại tọa đàm “Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững”, TS. Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội dần sẽ tiến tới siêu đô thị.

Hiện nay, dân số của Hà Nội hơn 8 triệu người, trong khi đó, số lượng ô tô và xe máy lên tới gần 8 triệu chiếc, chưa kể số xe vãng lai. Dân số Hà Nội tiếp tục tăng, số lượng ô tô cũng tăng 10%/năm, xe máy 3%/năm. Trong khi đó, hiện tại diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ từ 12-13% (tính theo quy mô dân số cần ít nhất 20%). Bằng nhiều nỗ lực của thành phố, hạ tầng giao thông mới chỉ tăng 0,5%, trong khi phương tiện giao thông tăng 4,5%/năm. Với hiện trạng, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp quy mô dân số dẫn đến nhiều hệ lụy.

TS. Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội

Phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của tất cả đô thị trên thế giới và Hà Nội. UBND Tp.Hà Nội cũng đã giao cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh.

TS. Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 có 30% diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông. Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 31/8/2022 đã giao cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành giao thông, xây dựng Hệ thống giao thông thông minh trong Thành phố thông minh.

Xây dựng đề án giao thông thông minh

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Sở GTVT Hà Nội đã lựa chọn trường Đại học Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực GTVT là đơn vị tư vấn: “Xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đề án sẽ đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, về công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô Hà Nội an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững; là cơ sở để quản lý đầu tư các dự án ứng dụng giao thông thông minh trong tương lai.

Hệ thống giao thông thông minh là một cấu phần của thành phố Hà Nội thông minh

Đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn thành các nội dung được giao. Sở GTVT xác định xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bền vững cho thành phố Hà Nội là công việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần khẩn trương thực hiện. Do đây là nội dung hết sức mới, nên cũng cần thận trọng, tham khảo rộng rãi các kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của chuyên gia trong, ngoài nước.

Đại diện cho đơn vị chủ trì xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội, GS.TS. Lê Hùng Lân, chuyên gia ITS trong nhiều năm đã trình bày tổng quan đề án với 3 giai đoạn triển khai, trong đó, sau năm 2030 là có thể tập trung vận hành, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững.

Theo GS.TS. Lê Hùng Lân, Hệ thống ITS không phải là sản phẩm cụ thể mà là phương thức quản lý. Do đó, để làm được điều nay cần thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư, do nguồn lực đầu tư cho ITS là rất lớn, Nhà nước chỉ có thể đầu tư ban đầu. Ngoài ra, cần có quy định chia sẻ dữ liệu. Và điều quan trọng, theo GS. Lê Hùng Lân là cần đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời nghiên cứu thử nghiệm các công nghệ mới.

“Từ trước đến nay thành phố Hà Nội cũng như Tp.HCM, Đà Nẵng,… đều chưa có đề án tổng thể nào hoàn chỉnh các khía cạnh của hệ thống giao thông thông minh, mà thường chỉ có các dự án nhỏ lẻ ưu tiên các vấn đề bức xúc, đặc thù của địa phương như lắp đặt hệ thống camera giám sát tuân thủ Luật giao thông, đèn tín hiệu có điều khiển, xây dựng trung tâm điều hành giao thông với quy mô tối thiểu, triển khai rời rạc một số phần mềm như hỗ trợ đỗ xe, tìm đường đi, tìm tuyến xe bus,… Đề án xây dựng giao thông thông minh cho Hà Nội do Sở Giao thông vận tải Hà Nội giao cho trường Đại học giao thông vận tải chủ trì xây dựng có thể nói là đề án tổng thể đầu tiên của cả nước.

Cụ thể, kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (ITS) Hà Nội sẽ gồm 4 thành phần chính: Người dùng ITS; Phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, Cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố. Ngoài ra, kiến trúc sẽ có thêm các khối Các bên liên quan, Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và Hạ tầng thông tin đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông thông minh là một cấu phần của thành phố Hà Nội thông minh, với việc phát triển trên một nền tảng hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh chung và trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh chung.

Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh thành phố phát triển trong hệ sinh thái bao gồm nhiều yếu tố tác động: cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý, dữ liệu chia sẻ từ các đơn vị tham gia quản lý, điều hành giao thông bên ngoài, khai thác, xây dựng từ các doanh nghiệp, định hướng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực từ các viện, trường, …

Theo đó, hệ thống giao thông thông minh Hà Nội đặt ra 3 mục tiêu tổng quát, bao gồm: An toàn, hiệu quả; Tăng cường kết nối; Phát triển bền vững. Cùng với đó là ba chiến lược trụ cột: tăng cường thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và phát triển cơ sở hạ tầng, với 18 nhiệm vụ cụ thể. Các nhiệm vụ được triển khai trên 3 nền tảng chung, đó là: Bản đồ số, Xử lý dữ liệu lớn đa nguồn và tiêu chuẩn ITS.

Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư cho các dự án ITS ở các thành phố lớn trên thế giới, bà Yang Chen – chuyên gia của World Bank khuyến nghị 3 nội dung:

Thứ nhất, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân, phối hợp công tư – đồng lợi ích. Ngoài việc khu vực tư có tiềm lực tài chính hơn khu vực công, bà Yang Chen còn cho rằng khu vực tư có năng lực đổi mới sáng tạo cao.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ nhà nước để có khả năng lựa chọn phương án đầu tư, quản lý trang thiết bị, tránh mắc kẹt, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.

Thứ ba là cần tập trung vào hạ tầng cơ bản có ý nghĩa chiến lược dài hạn như quỹ đất dành cho giao thông, trang thiết bị,…



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024