Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh là 3 địa phương được lựa chọn để triển khai thí điểm xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền (HĐĐT) giai đoạn 1 trước khi mở rộng triển khai nội dung này trên phạm vi toàn quốc. Để có thể thấy rõ hơn tính hiệu quả của việc này, Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với phòng tuyên truyền, hỗ trợ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.

Với địa bàn có khối doanh nghiệp và hộ kinh doanh lớn thì công tác chuẩn bị sẵn sàng cho việc thí điểm HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được Cục thuế TP Hồ Chí Minh chuẩn bị như thế nào?

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hiện thực hóa "Chiến lược chuyển đổi số quốc gia" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 15/12/2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã xác định nội dung triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số của toàn đơn vị trong năm 2023. Cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai, phân công, chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai đồng loạt trên địa bàn, đảm bảo triển khai thống nhất. Đối với công tác rà soát đối tượng triển khai, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện triển khai HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết theo lộ trình 2 giai đoạn, với giai đoạn 1 từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 31/03/2023 và giai đoạn 2 từ ngày 01/4/2023 trở đi cho các đối tượng còn lại. Cục Thuế đã ban hành Công văn số 15461/CTTPHCM-TTHT ngày 12/12/2022 hướng dẫn 4 nhóm đối tượng triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố. Cụ thể gồm 4 nhóm: Nhóm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; Nhóm bán lẻ hàng hóa (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng); Nhóm bán lẻ thuốc tân dược; Nhóm dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch,...). Sau đó, Cục Thuế đã có hướng dẫn cụ thể thêm nhóm đối tượng kinh doanh vàng. Trong đó, việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là một giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, trọng tâm là lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn.Theo kết quả rà soát cho thấy trên địa bàn thành phốcó 266 doanh nghiệp và 5268 hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện triển khai HĐĐT có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (số liệu báo cáo theo công văn số 4517/TCT-DNNCN ngày 05/12/2022). Trong đó, Cục Thuế ghi nhận có 209 doanh nghiệp và 1113 hộ kinh doanh thuộc đối tượng triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế nằm trong giai đoạn 01 (số liệu theo công văn số 15971/CTTPHCM-CNTT ngày 22/12/2022). Cục Thuế tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có sử dụng máy tính tiền thuộc lĩnh vực như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ tiêu dùng... lựa chọn 150 doanh nghiệp và 50 hộ kinh doanh có mức độ tuân thủ tốt để triển khai thí điểm trong giai đoạn 01 (theo số liệu báo cáo tại Công văn 406/TCT-DNNCN ngày 13/02/2023).Về công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ thuế, người nộp thuế, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin như kênh truyền thông mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... Bên cạnh đó, đã tiến hành tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp giải pháp máy tính tiền. Ở giai đoạn 2, sẽ tăng cường tuyên truyền đến người dân về quyền lợi của việc yêu cầu lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ. Đồng thời, mở rộng truyên truyền Chương trình hóa đơn may mắn để có tính lan tỏa rộng khắp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục Thuế sẽ quyết liệt rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, tiếp tục duy trì Trung tâm Điều hành hóa đơn điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để kịp thời hỗ trợ người nộp thuế về chính sách, tiếp nhận và xử lý vướng mắc xảy ra trong quá trình triển khai... Cục Thuế thành phố sẽ chủ trì tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền gắn với chương trình “Hóa đơn may mắn” do ngành Thuế triển khai trên toàn quốc tới các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả để NNT hiểu, đồng thuận và thực hiện tốt. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tích cực phối hợp với Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Thành phố... đưa tin về Chương trình “Hóa đơn may mắn” và kết hợp tuyên truyền lợi ích của HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý phối hợp với Cục Thuế phát sóng song song chương trình bấm số trúng thưởng để tăng độ tiếp cận đến với người dân.

Những kết quả ban đầu, nhận định về mặt tích cực cũng như những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp cũng như công tác quản lý thuế như thế nào?

Hiện nay, công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đã kết thúc và chuẩn bị cho giai đoạn 2. Tính đến ngày 31/03/2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.265 doanh nghiệp và 237 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, đến hết ngày 31/03/2023, Cục Thuế ghi nhận gần 1.9 triệu số hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố sử dụng. Về lợi ích, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có thể xuất HĐĐT ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chính là HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định; xử lý triệt để độ trễ giữa thời điểm lập hóa đơn và thanh toán; Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không bắt buộc có chữ ký số; Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng cần nhận ngay hóa đơn và có cơ hội tham gia dự thưởng Chương trình "Hóa đơn may mắn" do thông tin trên hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có thêm trường thông tin về CMND/CCCD trong trường hợp người mua hàng chưa có mã số thuế hoặc không nhớmã số thuế; Chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường; Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế; Cuối ngày chỉ phải chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đã sử dụng trong ngày cho cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử; Danh sách NNT sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cổng điện tử, do đó người bán có sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ được khách hàng và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn để mua hàng và lấy hóa đơn.

Với người tiêu dùng, có thể nhận HĐĐT có mã của CQT khởi tạo từ MTT ngay khi thanh toán, thuận lợi để tham gia Chương trình “Hóa đơn may mắn”; Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng HĐĐT có mã của CQT khởi tạo từ MTT được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế. Đối với cơ quan thuế, giảm tải cho hệ thống cấp mã hóa đơn điện tử của cơ quan thuế; Giúp cơ quan thuế cósố liệu chi tiết doanh thu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng máy tính tiền; Việc triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” kết hợp với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cơ quan thuế cũng như người tiêu dùng. Thông qua Chương trình “Hóa đơn may mắn” người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng, khi đó người bán không có điều kiện để lợi dụng việc không lập hóa đơn để trốn thuế. Như vậy sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh. Kết nối dữ liệu điện tử từ máy tính tiền với cơ quan thuế không những hỗ trợ doanh nghiệp tự thống kê và giúp cơ quan thuế dễ dàng trong công tác quản lý, mà còn giúp người kinh doanh thực hiện nộp thuế đơn giản, tránh trường hợp kê khai giai dối hoặc không tự giác kê khai, góp phần cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, từ đó làm lành mạnh, minh bạch nền tài chính của Việt Nam. Đồng thời, tạo tiền đề để phát triển các công cụ thanh toán trực tuyến như ví điện tử, thẻ tín dụng...

Để triển khai nhanh chóng và hiệu quả việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan. Ảnh minh họa
Để triển khai nhanh chóng và hiệu quả việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan. Ảnh minh họa

Những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình thí điểm? Giải pháp cần tháo gỡ để có thể triển khai rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh trên cả nước trong thời gian tới?

Trong đợt triển khai đầu tiên, thông qua các buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng triển khai, các nhà cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ máy tính tiền, Cục Thuế có ghi nhận một số khókhăn. Đó là, hiện nay cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng triển khai đều đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định hiện hành vẫn cho phép 01 cơ sở kinh doanh được đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn e ngại về chi phí để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị. Kết nối của các nhà cung cấp giải pháp nhận truyền hóa đơn với các hệ thống máy tính tiền còn chậm, do các nhà cung cấp hệ thống máy tính tiền không có đủ nhân lực để thực hiện kết nối đồng loạt với các nhà cung cấp giải pháp nhận truyền hóa đơn. Một số nhà cung cấp máy tính tiền chiếm số lượng máy tính tiền lớn nhưng kết nối chậm do không đủ nhân lực.Một số hệ thống máy tính tiền cũ, không thể áp dụng để tích hợp hóa đơn chuyển đổi theo kỹ thuật hiện tại. Một số nhà cung cấp đang gặp phải trường hợp Người nộp thuế sử dụng các giải pháp máy tính tiền do một trong các nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử nhưng lại sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử của nhà cung cấp khác. Khi chuyển đổi, các nhà cung cấp giải pháp máy tính tiền gặp khó khăn trong việc kết nối. Từ đó Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Về chính sách thuế, Cục Thuế đã báo cáo với Tổng cục Thuế trong buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai giai đoạn 1 và Tổng cục Thuế đã ghi nhận và sớm có hướng xử lý để đảm bảo công tác triển khai giai đoạn 2 diễn ra thông suốt, hiệu quả. Cũng trong buổi họp với Tổng cục Thuế, phía đại diện các nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử cũng có báo cáo về chi phí chuyển đổi áp dụng, nhìn chung, đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử của các nhà cung cấp thì khi chuyển đổi sẽ được miễn phí phí chuyển đổi. Trường hợp có thay đổi nhà cung cấp thì chi phí có thể có chênh lệch, tuy nhiên cũng không quá lớn. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng triển khai áp dụng hóa đơn điện tử phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng, công nghệ thông do đó khi chuyển đổi hầu như không phải đầu tư thêm các thiết bịphần cứng mà chỉ tích hợp phần mềm hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của cơ quan thuế.