ISSN-2815-5823
Thứ năm, 01h58 21/06/2018

Hình ảnh chiến tranh là chân dung phóng viên

(KDPT) – “Nhưng dù ở vòng ngoài thì nó (chiến tranh – PV) cũng mang lại một cảm giác rất lạ lùng bởi ở đó đang trong tình trạng báo động cao nhất của cuộc chiến tranh và mọi điều đều có thể xảy ra”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ cảm nhận về cuộc chiến tranh tại Pakistan năm 2002 ông từng chứng kiến. Với các nhà báo Việt Nam, chiến tranh thực sự là một trải nghiệm đầy thử thách trong nghề nghiệp.

Nhà báo Việt Nam tác nghiệp tại chiến trường nước ngoài.
(Ảnh nguồn internet)

Khát vọng “phóng viên quốc tế”
“Tôi nhớ năm 2002 tôi và nhà báo Như Phong sang Pakistan chứng kiến cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào thành trì của một nhà nước Hồi giáo cực đoan Taliban. Thực ra chúng tôi mới chỉ đứng ở vòng ngoài của cuộc chiến tranh chứ chưa thực sự đứng trong cuộc chiến cho dù muốn. Nhưng dù ở vòng ngoài thì nó cũng mang lại một cảm giác rất lạ lùng bởi ở đó đang trong tình trạng báo động cao nhất của cuộc chiến tranh và mọi điều đều có thể xảy ra”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Còn với những phóng viên báo Tuổi trẻ được tận mắt chứng kiến, đưa tin về cuộc chiến tại Afganistan và Iraq, ấn tượng về chiến tranh thật khốc liệt: “Bao xúc cảm khi đối diện thực tế máu và lửa. Nóng lòng viết điều mình nhìn thấy để thế giới biết điều gì xảy ra… 15 năm đã trôi qua nhưng chiến tranh Afghanistan, Iraq vẫn như vừa xảy ra ngày hôm qua”, phóng viên Ngọc Danh chia sẻ.

Nguy hiểm là vậy nhưng với những phóng viên, được chia lửa với các đồng nghiệp nơi hòn tên mũi đạn là niềm vinh dự: “Phóng viên quốc tế mà không bước chân ra thế giới, không có mặt ở những điểm nóng thì không phải là phóng viên quốc tế mà chỉ là người dịch tin”, phóng viên Ngọc Danh bày tỏ: “Ít nhất một lần, khi cố chụp cảnh binh sĩ Pakistan bắn hơi cay giải tán đám biểu tình, tôi đứng rất gần binh sĩ siết cò, nên mắt cay xè, nước mắt chảy ràn rụa. Trong khi đó, phía biểu tình ném gạch đá, chai, bom xăng… về phía cảnh sát. Bao nhiêu người dân ngồi co ro sát những bức tường để tránh bị sát thương. Họ bị hơi cay nhưng không chạy thoát được”.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: “Chúng tôi tham gia vào các cuộc biểu tình, đến những nơi đánh bom cảm tử, lần mò vào vùng biên giới giữa Afganistan và Pakistan đầy rẫy nguy hiểm ở đó. Chúng tôi vào những trung tâm đào tạo những đứa trẻ để trở thành những cảm tử quân mà sau này có thể sẵn sàng đánh bom cảm tử – Tử vì đạo và những nơi đó chứa đựng rất nhiều bí ẩn”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại biên giới Pakistan và Afghanistan.
(Ảnh nguồn internet)

Dầu vậy, với họ, mình vẫn chưa “sống” đến tận cùng với công việc của phóng viên chiến trường: “Nhưng tất cả mới chỉ ở vòng ngoài, tôi khẳng định một lần nữa như vậy.
Theo tôi, nhà báo chiến tranh thực thụ phải là các nhà báo trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ họ cầm súng cụ thể, họ chiến đấu cụ thể, họ nằm trong chiến hào cụ thể, họ bị tấn công cụ thể, bị vây ráp… Còn sau này chúng tôi đi chỉ đưa tin hay tạo dựng một cái gì đó trong cái không khí phần nào đó trong cuộc chiến tranh đấy mà thôi. Cho nên cái trải nghiệm đó chưa thực sự là một trải nghiệm của một nhà báo viết về chiến tranh hay tham gia về chiến tranh. Tôi nghĩ rằng chuyến đi của chúng tôi hồi đó cũng chỉ mang lại một cảm giác hay một kinh nghiệm quan sát nhỏ nhặt như thế mà thôi”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

Chủ động hội nhập

“Cuộc xuất quân của báo chí Việt Nam đến những điểm nóng của thế giới là cuộc hội nhập chủ động với báo chí thế giới, tuy còn bỡ ngỡ nhưng đầy quyết tâm và có được sức mạnh từ bạn bè thế giới và từ quê nhà xa xôi. Cuộc “hành quân” ra chiến trường giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc: Nhà báo phải sống và viết ở điểm nóng sự kiện” – Nhà báo Lê Văn Nuôi, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ về nỗ lực hiện diện tại các điểm nóng chiến trường trên thế giới của báo chí Việt Nam.

Với mục đích đó: “Cái quan trọng nhất của một phóng viên chiến trường là người ta phải lột tả được, phải tập trung được vào những gì đang diễn ra trong cuộc chiến, còn tất cả các cảm xúc của phóng viên, sự thể hiện của phóng viên, quan điểm của phóng viên nhìn nhận cuộc chiến đó như thế nào, hay là sự chia sẻ của phóng viên với những nạn nhân ở vùng chiến sự đó nó lại thông qua các việc gián tiếp, nó ẩn ở sau những hình ảnh về cuộc chiến chứ không phải là chúng ta như một nhân vật hiện diện trong cuộc chiến đó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá.
“Khi chúng ta xem một tác phẩm báo chí về chiến tranh, ở đó chúng ta ít khi nhìn thấy các nhà báo mà chúng ta thấy hình ảnh trực tiếp về các cuộc chiến đó đang nổ súng thực sự, đang chảy máu thực sự và đang hy sinh thực sự, đang mất mát thực sự.

Các hình ảnh đó là cách nhìn của một phóng viên đối với cuộc chiến đó. Ngoài nghiệp vụ của báo chí, ở đó chứa đựng quan điểm của người phóng viên về cuộc chiến đó, nhận thức về cuộc chiến đó và kêu gọi của người phóng viên để làm sao chấm dứt cuộc chiến đó để không mang lại những đau khổ, mất mát của cả hai phía. Tôi nghĩ đó là một quan điểm của người phóng viên chiến trường.

Và như vậy, tất cả hình ảnh của cuộc chiến tranh có thể là súng đạn, có thể là bom rơi, có thể là gương mặt của kẻ thù hay là của bên này hay của bên kia nữa chính là ẩn đằng sau nó chính là chân dung của một người phóng viên chứ người phóng viên không cần thiết phải hiện diện như một nhân vật trong cuộc chiến đó trong một ký sự đó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kết luận.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024