Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp Việt Nam chịu thiệt hại không nhỏ. Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020 được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước, khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra. Qua đây, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Hội chợ được tổ chức từ ngày 5 – 9/11, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) với sự tham gia của 125 gian hàng của hơn 20 tỉnh thành trong cả nước từ nhiều tổ chức, đơn vị.

Các gian hàng được phân chia thành các khu: Trưng bày tôn vinh làng nghề truyền thống: mỹ nghệ kim hoàn (vàng, bạc, đồng, khảm tam khí); gốm sứ, pha lê thủy tinh; điêu khắc trạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm, lụa và các chất liệu khác… Trưng bày, tôn vinh các sản phẩm OCOP được các địa phương đánh giá, xếp hạng 4 sao và sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao. Trưng bày và tôn vinh các sản phẩm đạt giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Khu gian hàng của các tỉnh, thành phố, trưng bày, giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong cả nước, các sản phẩm làng nghề chủ lực, sản phẩm OCOP; Sản phẩm nông sản an toàn đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điểm đặc biệt, hội chợ có khu thao diễn tay nghề (8 gian hàng): nghệ nhân thao diễn tại chỗ các nghề: gỗ, thêu, dệt lụa, nón lá, gốm, đồng…

Trong khuôn khổ hội chợ, Ban tổ chức còn tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế các sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Qua đó, tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề cũng như phát triển xuất khẩu.

HOÀI NAM