ISSN-2815-5823
Thứ tư, 05h38 22/07/2020

Huawei liệu có đang “trèo cao ngã đau” trên thị trường mạng 5G?

(KDPT) – Huawei Technologies đang phải đối mặt với “sóng gió” trong cuộc đua toàn cầu về thiết bị mạng 5G, khi Singapore trở thành quốc gia tiếp theo hợp tác với các nhà sản xuất châu Âu về cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao. Tham vọng bá chủ thị trường thiết bị viễn thông lẫn smartphone toàn cầu của Huawei đang liên tục nhận những “tổn thương”.

Tháng trước, các nhà khai thác viễn thông lớn là Singapore Telecommunications (Singtel) và tập đoàn StarHub-M1 cho biết họ đã chọn Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan để cùng phát triển mạng 5G tại Singapore, dịch vụ bắt đầu triển khai vào tháng 1/2021. Điều này có nghĩa là Huawei đã mất đi các vai trò quan trọng ở Singapore, mặc dù chính phủ nước Singapore nhấn mạnh điều này không có nghĩa là sẽ từ chối các nhà sản xuất Trung Quốc.

Với mức giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh, Huawei có tham vọng mở rộng thị trường 5G tại Đông Nam Á. (Ảnh: Reuters).

Như vậy, quốc gia giàu có và sở hữu công nghệ tiên tiến nhất Đông Nam Á đã chọn các công ty châu Âu, trọng tâm tiếp theo là các quốc gia khác trong khu vực sẽ lựa chọn như thế nào.

Các công ty và cá nhân đang có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn cho công việc và giáo dục từ xa, thương mại điện tử và truyền phát video do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các nhà khai thác viễn thông của Đông Nam Á đang chuẩn bị triển khai các dịch vụ 5G vì tình hình hiện tại đã khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao tăng cao.

Advanced Info Service (AIS) – Nhà điều hành di động lớn nhất Thái Lan tiết lộ rằng công ty đã dành tới 1,2 tỷ đô la để đầu tư mở rộng mạng 5G, với mục đích khai thác khoảng 13% tổng dân số Thái Lan vào cuối năm nay.

Ba nhà khai thác viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, MobiFone và Vinaphone cũng đã hoàn thành thử nghiệm mạng 5G tại các thành phố lớn vào tháng 4/2020. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia không chọn nhà sản xuất đến từ Trung Quốc này. Được biết Viettel đã hợp tác với Nokia và phát triển thiết bị 5G của riêng mình, sẵn sàng bỏ qua các thiết bị 5G do Huawei cung cấp.

Huawei, với khả năng cạnh tranh về giá, thường rẻ hơn khoảng 30% so với Ericsson và Nokia, đã và đang tích cực mở rộng ở Đông Nam Á. Công ty đã hợp tác với Maxis của Malaysia và Globe Telecom của Philippines để ra mắt 5G cũng như các dịch vụ 5G thí điểm tại hai quốc gia này. Pro-China ở Campuchia cũng đang sử dụng thiết bị 5G của Huawei.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh cũng đang mở rộng quan hệ đối tác của họ ở Đông Nam Á. Đối thủ địa phương của AIS là True Corp vào tháng Tư đã chọn Ericsson làm nhà cung cấp cho hệ thống truy cập vô tuyến như một phần của mạng 5G quốc gia, qua đó, Ericsson sẽ cung cấp hệ thống này ở ba khu vực tại Thái Lan. Do đó, việc Singtel chọn Ericsson sẽ tạo thêm động lực cho nhà sản xuất Thụy Điển.

Các cáp quang do Ericsson sản xuất cho mạng 5G của AT & T được cài đặt tại Mỹ cho thấy việc “ruồng bỏ” Huawei tại Châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Huawei vẫn tìm kiếm cơ hội ở đảo quốc này. Công ty cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng hồ sơ theo dõi tại Singapore, hỗ trợ khách hàng của mình khi họ đầu tư vào mạng 5G, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp Singapore tiếp tục cạnh tranh trên toàn cầu”. Sofea Zukarnain, cộng tác viên nghiên cứu tại công ty tư vấn Frost & Sullivan cho biết, quyết định của Singapore “có thể sẽ ít ảnh hưởng đến cuộc đua 5G toàn cầu của Huawei”. Bà chỉ ra rằng mặc dù Huawei không được chọn làm cơ sở hạ tầng internet chính của Singapore, nhưng vẫn sẽ tham gia vào hệ sinh thái rộng lớn hơn với vai trò nhỏ hơn tại quốc gia này.

Singtel không chỉ là công ty viễn thông hàng đầu của quốc đảo, mà còn có ảnh hưởng ở châu Á. Nó có cổ phần tại AIS của Thái Lan, Telkomsel của Indonesia và Globe Telecom của Philippines, cũng như Bharti Airtel ở Ấn Độ. Mặc dù các đối tác 5G của các công ty này chủ yếu phụ thuộc vào sở thích của các nhà quản lý địa phương, nhưng rõ ràng sự lựa chọn của Singtel cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định, vì đây là một cổ đông lớn và có thể đem lại hiệu quả kinh tế trong thương mại.

Hơn nữa, căng thẳng chính trị toàn cầu leo ​​thang cũng là một điểm khiến Huawei bị “ra rìa”.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường các biện pháp làm tê liệt nhà sản xuất Trung Quốc trong những tuần qua trong bối cảnh hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra, có thể ảnh hưởng đến các quốc gia vẫn còn mở cửa cho Huawei. Vương quốc Anh, nơi ban đầu không loại trừ Huawei, hiện đã thông báo sẽ cấm Huawei khỏi kế hoạch triển khai mạng 5G khi căng thẳng ngoại giao gia tăng ở Hồng Kông, đồng thời yêu cầu nhà mạng loại bỏ thiết bị Huawei trước năm 2027. Lệnh cấm Huawei này của Anh sẽ gây áp lực lên chính phủ các nước khác tại châu Âu, đặc biệt là Đức, vốn đang chuẩn bị ban hành luật an ninh về công nghệ.

Ấn Độ cũng có kế hoạch loại trừ các nhà sản xuất Trung Quốc khỏi các thử nghiệm 5G sau cuộc đụng độ biên giới tháng trước với Trung Quốc. Quốc gia Nam Á này cũng đã “cấm cửa” các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok và WeChat.

Thông tin này tiếp tục làm dày thêm danh sách các quốc gia “cấm cửa” Huawei khỏi mạng 5G, chẳng hạn như Úc, năm 2018 đã quyết định loại trừ Huawei và ZTE tham gia vào mạng 5G của quốc gia do lo ngại về bảo mật.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định: “Động lực ủng hộ 5G an toàn đang được xây dựng. Ngày càng nhiều quốc gia, công ty và công dân hỏi rằng họ nên tin tưởng đơn vị nào với những thông tin, dữ liệu nhạy cảm nhất, câu trả lời rõ ràng là chắc chắn không phải Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

MINH HẠ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024