Tài chính vi mô: Cần một cú hích từ chính sách để vươn xa
Tài chính vi mô đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, cần những thay đổi căn bản trong chính sách, đặc biệt là việc nới lỏng các quy định về quyền sở hữu của các tổ chức tài chính vi mô.
Tại Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ", ThS. Trần Thúy Linh - Giám đốc điều hành chương trình Tài chính vi mô của World Vision International tại Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài chính vi mô trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời chỉ ra những thách thức mà ngành này đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp khả thi.
Theo số liệu từ World Vision International, 88,9% khách hàng cho biết thu nhập của họ tăng lên nhờ các khoản vay trước đó. Điều này chứng tỏ tài chính vi mô đã thực sự trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cấp độ hộ gia đình.
Không chỉ vậy, chất lượng cuộc sống của khách hàng cũng được cải thiện đáng kể. Bậc thang chất lượng cuộc sống trung bình của khách hàng đã tăng 1,4 bậc so với trước khi vay, cho thấy tài chính vi mô không chỉ giúp người dân thoát khỏi nghèo đói mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống một cách toàn diện.
Tuy nhiên, bà Linh cũng nhận định ngành tài chính vi mô đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là trong việc huy động nguồn vốn bền vững. Dù có nhu cầu lớn từ các hộ nghèo và các cộng đồng yếu thế, nguồn vốn tài chính vi mô vẫn còn rất hạn chế.
Các ngân hàng thương mại trong nước thường không sẵn sàng cho vay mà không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, việc vay vốn ngoại tệ và các nguồn vốn quốc tế cũng gặp phải các rào cản pháp lý nghiêm ngặt, khiến cho chương trình tài chính vi mô khó mở rộng quy mô và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các đối tượng thụ hưởng.
Hơn nữa, các chương trình TCVM hiện nay vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay từ các tổ chức quốc tế. Những nguồn vốn này không đủ để hỗ trợ việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính vi mô.
Đặc biệt, việc mở rộng hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô (MFI) gặp khó khăn do các hạn chế về quyền sở hữu và vốn góp của các tổ chức TCVM.
Để tạo ra sự đột phá trong ngành tài chính vi mô, một trong những bước đi quan trọng là cần phải thay đổi cơ chế quyền sở hữu của các tổ chức TCVM. Bà Linh nói: “Chúng ta không thể mãi chỉ dựa vào những tổ chức ngoại vi, mà cần phải tạo ra sự phát triển bền vững từ chính trong nội bộ của mình. Quyền sở hữu đa dạng sẽ giúp mở rộng cơ hội huy động vốn và quản lý tốt hơn các rủi ro”.
Việc xem xét nới lỏng các quy định về quyền sở hữu sẽ giúp các tổ chức TCVM có thể huy động vốn từ các nguồn tài chính đa dạng hơn, không chỉ từ các tổ chức quốc tế mà còn từ các nhà đầu tư trong nước. Điều này sẽ giúp các tổ chức tài chính vi mô có thể mở rộng hoạt động và cung cấp dịch vụ cho một lượng khách hàng lớn hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ lợi ích của người nghèo.
Do đó, việc tìm kiếm các nguồn vốn bền vững thông qua việc thay đổi các quy định về quyền sở hữu và cấu trúc của các tổ chức tài chính vi mô là hết sức cần thiết. Một trong những lựa chọn khả thi là chuyển đổi các chương trình tài chính vi mô thành các tổ chức tài chính vi mô được cấp phép (MFI) để có thể huy động vốn từ các nguồn tài chính đa dạng và ổn định hơn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Linh chia sẻ thêm, một trong những rào cản lớn nữa là các quy định pháp lý liên quan đến quyền sở hữu đối với các tổ chức tài chính vi mô, đặc biệt là yêu cầu bắt buộc tổ chức chính trị - xã hội phải tham gia làm chủ sở hữu.
Quy định này không chỉ hạn chế sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ mà còn làm giảm khả năng thu hút nguồn lực tài chính từ các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực tài chính mạnh.
Để giải quyết những vấn đề này, một trong những giải pháp quan trọng nhất là thay đổi các quy định pháp lý về quyền sở hữu đối với các tổ chức tài chính vi mô (MFI). Cụ thể, việc nới lỏng các quy định về chủ sở hữu và thành viên sáng lập của MFI sẽ mở ra cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội khác tham gia vào hoạt động tài chính vi mô. Điều này không chỉ giúp tăng nguồn lực cho các tổ chức tài chính vi mô mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Theo bà Linh, việc quy định các tổ chức tài chính vi mô chỉ có thể có chủ sở hữu là các tổ chức chính trị - xã hội cũng hạn chế khả năng huy động vốn từ các tổ chức tài chính lớn hoặc các nhà đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, bỏ yêu cầu này sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức tài chính vi mô được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, mở rộng khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư uy tín quốc tế và các tổ chức tài chính khác.
Để giải quyết những thách thức, bà Linh đã đưa ra những giải pháp cụ thể, kiến nghị điều chỉnh khi áp dụng quy định dự thảo nghị định thay thế QĐ 20/2017/QĐ-TTg - một trong những kiến nghị quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức tài chính vi mô là cần phải nới lỏng quy định về chủ sở hữu và thành viên sáng lập của MFI.
Cụ thể, bà Linh kiến nghị:
Thứ nhất, xem xét bỏ "Tiết kiệm bắt buộc chỉ được thực hiện đối với khách hàng tài chính vi mô đang có khoản vay". Việc bắt buộc khách hàng phải có khoản vay mới được thực hiện tiết kiệm là một rào cản cho việc xây dựng thói quen tiết kiệm của người dân, một lợi ích chính mà TCVM mang lại cho khách hàng. Điều này cũng hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ tiết kiệm của nhóm đối tượng khách hàng TCVM và tăng áp lực công việc cũng như chi phí quản lý cho các chương trình, dự án TCVM.
Thứ hai, bổ sung cơ chế làm việc giữa UBND và tổ chức có chương trình, dự án TCVM. Nên có cơ chế làm việc giữa UBND và tổ chức có chương trình/dự án TCVM để thống nhất nhận định và đánh giá về chương trình trước khi ra các quyết định. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các chương trình/dự án TCVM có thể chuyển nguồn vốn sang một địa phương khác khi nhu cầu tại địa phương triển khai không còn, hoặc đã đạt đến tiêu chí đóng chương trình/dự án.
Thứ ba, điều chỉnh quy trình cấp giấy đăng ký hoạt động chương trình, dự án tài chính vi mô. Cần đưa vào Điều 5 quy định rằng cơ quan NHNN phải đủ điều kiện và năng lực chuyên môn để xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp giấy đăng ký hoạt động cho các chương trình/dự án TCVM. Sự chấp thuận của UBND về hoạt động TCVM trên địa bàn cần dựa vào chủ trương phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và nhu cầu của địa phương.
Thứ tư, đơn giản hóa quy trình thay đổi số vốn thực hiện và người quản lý chương trình/dự án tài chính vi mô. Khi thay đổi số vốn thực hiện TCVM hoặc người quản lý, tổ chức chỉ cần thông báo bằng văn bản cho UBND có thẩm quyền, thay vì phải xin phép, để tránh tình trạng chậm trễ trong hoạt động.
Thứ năm, cần làm rõ quy định về đại lý bảo hiểm trong hoạt động TCVM. Sản phẩm bảo hiểm vi mô là rất cần thiết để bảo vệ khách hàng TCVM trước các rủi ro. Do đó, cần ghi rõ quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình TCVM hợp tác với các công ty bảo hiểm.
Thứ sáu, làm rõ nguồn vốn của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nguồn vốn mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sử dụng để thực hiện cho vay tài chính vi mô cần được làm rõ trong các quy định hiện hành, vì đó là nguồn vốn quay vòng, không phải viện trợ không hoàn lại.
Thứ bảy, bỏ yêu cầu 1 thành viên là tổ chức chính trị - xã hội: "Tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam tại các cấp Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện. Hiện tại Liên đoàn Lao động và Hội liên hiệp phụ nữ đã thành lập Tổ chức TCVM, các đơn vị còn lại ít quan tâm tới hoạt động TCVM, giới hạn thành viên góp vốn, dẫn đến hầu như không có cơ hội để thành lập tổ chức TCVM mới"
Quy định yêu cầu ít nhất một thành viên sáng lập của tổ chức TCVM phải là tổ chức chính trị - xã hội đang hạn chế việc tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế, điều này khiến các tổ chức TCVM không thể huy động đủ nguồn vốn cho hoạt động. Việc loại bỏ yêu cầu này sẽ mở ra cơ hội cho các tổ chức tài chính vi mô có thể hợp tác với nhiều nguồn tài chính khác nhau, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các quỹ đầu tư xã hội và các nhà đầu tư quốc tế.
Theo ThS. Trần Thúy Linh, việc điều chỉnh các quy định pháp lý về quyền sở hữu và nguồn vốn sẽ là “chìa khóa” giúp ngành tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nếu các tổ chức TCVM có thể huy động được các nguồn vốn bền vững và đa dạng hơn, họ sẽ có khả năng mở rộng quy mô, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các hộ nghèo, người thu nhập thấp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội.
Khi tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi, ngành tài chính vi mô sẽ không chỉ phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo, mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng phát triển và thịnh vượng./.
- Sắp diễn ra toạ đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ”
- Tổ chức tài chính vi mô thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm
- Thỏa thuận tài chính khí hậu đầu tư cho hành tinh xanh tại COP29