ISSN-2815-5823

Tài chính vi mô cần bước chuyển mình từ khung pháp lý

(KDPT) - Hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô là một trong những thành tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam, giúp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn, các ngách thị trường chưa được các tổ chức tín dụng chính thức khai thác.

Một số tồn đọng và vướng mắc 

Về căn cứ pháp lý của tài chính vi mô, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, theo khoản 4 Điều 3 Thông tư số 33/2024/TT-NHNN, các đối tượng được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo;

Cá nhân có thu nhập thấp, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập bình quân tối đa 09 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn; Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân tối đa 07 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn; Người lao động tự do làm việc không trên cơ sở thuê mướn theo thỏa thuận lao động có mức thu nhập tương ứng mức thu nhập bình quân của đối tượng khách hàng quy định tại điểm b(i) và b(ii) khoản này;

Ngoài ra, căn cứ Điều 24 Thông tư số 33/2024/TT-NHNN quy định về tổng dư nợ được phép cho vay của tổ chức TCVM đối với từng đối tượng trên như sau:

- Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ nghèo, hộ cận nghèo: không vượt quá 100 triệu đồng.

- Đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, cá nhân có thu nhập thấp, hộ gia đình có thu nhập thấp: không vượt quá 50 triệu đồng. 

Đối tượng này chỉ được vay thông qua tổ vay vốn và thuộc danh sách được tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp phê duyệt hoặc giới thiệu cho tổ chức tổ chức vi mô.

TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, về tổng thể, các dạng thức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô tại Việt Nam thuộc 3 nhóm: Nhóm chính thức (tổ chức tín dụng), nhóm bán chính thức (chương trình, dự án, có đăng ký với chính quyền địa phương) và nhóm phi chính thức (người cho vay cá nhân, họ hàng, bạn bè, hụi, họ, phường). Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập cao ở nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính vi mô tập trung nhiều hơn vào nhóm khách hàng có thu nhập thấp, cận nghèo và nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua, vị chuyên ra cũng chỉ ra nhiều tồn đọng, vướng mắc của tài chính vi mô ở nước ta hiện nay. Có thể kể đến nguồn vốn và quy mô hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tương đối nhỏ với mức độ bao phủ thấp; sản phẩm tiết kiệm và dịch vụ chưa thật sự đa dạng và chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng, không có tiền gửi thanh toán; các ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cho tổ chức tài chính vi mô vay. 

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động, lãi suất cho vay còn cao; chủ yếu cung cấp sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, còn các sản phẩm phi tài chính: Giáo dục tài chính, dịch vụ kết nối thị trường cho khách hàng… ít được triển khai. 

"Chưa ứng dụng công nghệ tài chính, hệ thống quản lý thông tin quản lý chưa thật hiệu quả đáp ứng nhu cầu công việc hàng ngày của ban lãnh đạo cũng như tác nghiệp của nhân viên, phòng ban, chi nhánh. Hệ thống kiểm tra và giám sát đã có và bước đầu hoạt động tuy nhiên chưa làm tốt chức năng ngăn ngừa rủi ro, chưa thực hiện kiểm toán tổng thể ở quy mô lớn. Huy động và cho vay khách hàng có nơi không đúng đối tượng và phương pháp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cán bộ của tổ chức tài chính vi mô thường có kỹ năng xã hội tốt, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, nhưng kiến thức chuyên sâu về tài chính vi mô, quản lý khách hàng, quản trị rủi ro hạn chế", TS. Nguyễn Minh Phong thẳng thắn.

Về mặt pháp lý, vi chuyên gia chỉ ra, các quy định pháp lý hiện hành cho tài chính vi mô còn một số vướng mắc. Từ năm 2010 đến nay, chỉ 4 tổ chức tài chính đăng ký chính thức; 79 chương trình, dự án hoặc chưa đủ điều kiện, hoặc không có ý định chuyển đổi chính thức trong tương lai gần do năng lực tài chính thấp và nhân lực mỏng, chất lượng thấp. Các quy định về hình thức pháp lý là công ty trách nhiệm hữu hạn, giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn góp của các bên... chưa tạo nhiều cơ hội tham gia của cá nhân, tổ chức. 

Khách hàng tài chính vi mô chỉ bao gồm một số nhóm nhất định, với quy mô dư nợ tối đa thấp (dưới 50 triệu), khó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng tăng trưởng. Các yêu cầu về tỷ lệ khả năng chi trả làm tăng chi phí hoạt động, giảm năng lực cấp tín dụng, tăng lãi suất, và giảm mức độ bền vững tài chính của tổ chức tài chính vi mô. Yêu cầu về phòng giao dịch chi nhánh và giới hạn nhận tiết kiệm tối đa không quá 1 triệu đồng/ngày chưa thực sự phù hợp với đặc trưng của tổ chức tài chính vi mô và thực tiễn Việt Nam hiện nay. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình hoạt động, như: Chưa thống nhất quy định đối tượng khách hàng tài chính vi mô; quy định về chủ sở hữu, thành viên sáng lập còn khá chặt; quy định về thủ tục vay vốn, xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay đang phải áp dụng giống các ngân hàng thương mại…

TS. Phong phân tích: "Tổ chức tài chính vi mô cũng gặp khó khăn về đối tượng khách hàng và mức vốn vay. Nếu căn cứ theo Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc NHNN quy định “Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 triệu đồng”, thì mức vay này được đánh giá còn khá khiêm tốn với mục tiêu toàn diện hóa đối tượng. Thông tư số 03/2018/TT-NHNN cũng không quy định đối tượng khách hàng tài chính vi mô bao gồm người “có thu nhập thấp” như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 dẫn tới khó khăn cho các tổ chức tài chính vi mô trong mở rộng đối tượng phục vụ". 

Tiếp đến, các rủi ro thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều khách hàng cùng lúc, nhiều khách hàng bị mất tài sản, nhà cửa, phương tiện sản xuất… cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hồi vốn của tài chính vi mô. Các tổ chức phần lớn còn hoạt động độc lập, đơn lẻ, chưa nối kết tốt, do vậy chưa tạo ra được sức mạnh tổng thể chung để khai thác hết tìm năng của hoạt động này.

Hoàn thiện các quy định pháp lý về tài chính vi mô

Trước thực trạng hiện nay, TS. Nguyễn Tú Anh (Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương) đã đề xuất một số giải pháp mang tính bền vững nhằm khắc phục các khó khăn hiện tại và tạo ra những bước tiến quan trọng trong tương lai.

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quy định pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả và mở rộng quy mô. Khi các quy định được cải thiện và linh hoạt hơn, các tổ chức tài chính vi mô sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, cung cấp tín dụng với lãi suất hợp lý hơn, đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thứ nhất, đó là điều chỉnh quy định về tỷ lệ khả năng chi trả. Việc điều chỉnh này sẽ giúp tăng năng lực cấp tín dụng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và giảm lãi suất đầu ra cho khách hàng, góp phần làm giảm gánh nặng tài chính cho người vay, đặc biệt là những khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cũng cần linh hoạt các quy định về phòng giao dịch và chi nhánh như có thể bỏ giới hạn 1 triệu đồng/ngày và cho phép các tổ chức tổ chức tài chính vi mô hoạt động linh hoạt hơn giống như Ngân hàng Chính sách xã hội hay Quỹ tín dụng nhân dân sẽ giúp tổ chức phục vụ khách hàng tốt hơn trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của khách hàng tăng cao. Chính các tổ chức tài chính vi mô cũng cần có các biện pháp tự đào tạo nhân lực kết hợp với chương trình khuyến nông để mang lại lợi ích của cả hai phía. 

Thứ hai, đó là phát triển thị trường tài chính vi mô và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức, cần sự phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, và các cơ quan nhà nước. "Nếu các tổ chức tài chính vi mô có thể hợp tác với nhau và với các đối tác khác để phát triển sản phẩm tài chính phù hợp, họ sẽ có thể mở rộng quy mô, phục vụ đối tượng khách hàng rộng hơn và cung cấp các sản phẩm tài chính an toàn, hiệu quả", ông Tú Anh nêu quan điểm.

Quy mô và đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ưu đãi cũng cần được mở rộng hơn để giúp tổ chức tổ chức tài chính vi mô cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện hơn, hỗ trợ người dân nông thôn vượt qua rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất. 

Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức tài chính vi mô chủ chốt: Việc xây dựng một mạng lưới kết nối giữa các tổ chức tài chính vi mô lớn và các tổ chức tài chính vi mô nhỏ hơn sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính mạnh mẽ hơn, tăng khả năng phục vụ và cải thiện hiệu quả tín dụng.

Thứ ba, là nâng cao năng lực các tổ chức tài chính, phát triển sản phẩm và chuyển đổi số. Theo đó, cần đầu tư, áp dụng các công nghệ công nghệ để giảm chi phí giao dịch và nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng. Việc áp dụng công nghệ như e-KYC (định danh khách hàng điện tử) và các nền tảng điện toán đám mây (cloud) sẽ giúp giảm chi phí vận hành, tăng khả năng bảo mật và cải thiện quản lý rủi ro. Các sản phẩm tín dụng cũng cần được đa dạng hóa để phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. 

"Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ là yếu tố then chốt giúp các tổ chức tài chính vi mô giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng khả năng phục vụ. Hơn nữa, việc phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng và linh hoạt sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người dân nông thôn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế", TS Nguyễn Tú Anh cho hay./. 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/01/2025