Khởi nghiệp sáng tạo cần gì ở truyền thông?
Vì sao nhiều Startup thất bại?
Những con số và báo cáo gần đều cho thấy, thị trường start-up Việt Nam đang bước vào giai đoạn “thăng hoa”, nhưng thực tế triển khai không phải là không có trở ngại. CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới cho hay, tỉ lệ start-up thất bại trên thế giới nói chung dao động từ 75 – 90%.
Khoan bàn đến những lí do từ bản thân các Startup như sợ thất bại, không dám mạo hiểm,…câu hỏi đặt ra ở đây là dường như các Startup đang rất “cô đơn”. Sở dĩ nói như vậy là bởi một thực trạng diễn ra hiện nay là kĩ năng, kiến thức về khởi nghiệp, hành lang pháp lý, các mối quan hệ tài chính và truyền thông của các start-up còn rất thiếu. Chưa kể đến các quỹ đầu tư như ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lại thường thích làm việc với các dự án lớn thay vì để tâm đến các dự án nhỏ của start-up.
Đã đến lúc truyền thông thực thi sứ mệnh
Tại buổi tập huấn về truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nằm trong nội dung chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, ông Nguyễn Việt An – Phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 cho biết, quá trình hình thành và phát triển của một start-up có thể được trình bày dưới dạng đồ thị. Ông An nhấn mạnh, truyền thông cần đồng hành với những người khởi nghiệp ngay ở giai đoạn đầu bằng việc khơi dậy trong họ tinh thần khởi nghiệp, tinh thần nỗ lực và không ngừng sáng tạo. Bên cạnh đó việc luôn cập nhật cho các start-up những thông tin về hành lang pháp lý, các đơn vị hỗ trợ hay các tổ chức, cá nhân đáng tin cậy để học hỏi cũng là cách truyền thông thể hiện sự quan tâm với khởi nghiệp sáng tạo.
Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là ở giai đoạn thứ hai của đồ thị, hay còn gọi là đoạn “thung lũng chết”. Lúc này là lúc các start-up đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thất bại. Truyền thông trước giờ thường hay thờ ơ và “ngại” chạm đến giai đoạn này. Thế nhưng, công chúng lại mong đợi ở truyền thông sự cụ thể về những người khởi nghiệp, khai thác sâu hơn về các khó khăn mà họ gặp phải. Không chỉ vậy, việc này cũng là cách để truyền thông nhận định, đánh giá và rút ra nguyên nhân, bài học cho những start-up khác. Và thất bại sẽ chưa phải là kết thúc khi nhờ truyền thông mà thông tin về các HST, các doanh nghiệp cũng như sự quan tâm của các cơ quan, lãnh đạo địa phương sẽ là động lực để vực dậy những ý tưởng chưa kịp thành hiện thực. Các đánh giá của chuyên gia lúc này cũng là nguồn thông tin vô cùng bổ ích và cần thiết, cần đến chức năng lan tỏa của truyền thông.
Ở giai đoạn cuối cùng, vai trò của truyền thông càng có nhiều cơ hội để hỗ trợ start-up khi thông qua việc nêu lên các điển hình thành công sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, cũng như thống nhất hệ thống nguồn lực khởi nghiệp trên cả nước. Và không thể không kể đến vai trò của truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh cho các start-up thông qua các sự kiện, triển lãm; các chương trình đào tạo tập huấn định hướng; và là cầu nối kết nối start-up với nhà đầu tư, hoặc giữa các start-up với nhau.
Ngoài việc đồng hành cùng các start-up trong hành trình khởi nghiệp, Chính phủ, cơ quan hữu quan, các nhà đầu tư, các trung tâm hỗ trợ cũng cần thông tin từ báo chí và truyền thông để kịp thời quan tâm, hỗ trợ. Như vậy, truyền thông đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng hệ sinh thái trên internet cũng như mạng xã hội.
Truyền thông với vai trò và sứ mệnh là nguồn động lực, là cầu nối giữa start-up với công chúng, với các nhà đầu tư cần phát huy hơn nữa lợi thế, chức năng của mình. Qua đó cùng chung tay giúp những ý tưởng trở thành hiện thực, đồng thời xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh, bền vững và phát triển.
Phương Mai