ISSN-2815-5823

Kinh nghiệm để hạnh phúc

(KDPT) – Là doanh nhân tức là người mong muốn thành đạt, là người gắn liền với công việc bận rộn. Thế nhưng, người thành đạt cũng có một gia đình và phải chăm lo cho gia đình đó. Hàng ngày họ phải gồng mình lên để hoàn thành tốt công việc kinh doanh và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Biết thông cảm và chia sẻ, biết chấp nhận thử thách, biết lắng nghe và không mang công việc về nhà là những bí quyết “giữ ấm” cho gia đình mà được giới doanh nhân thực thi nhiều nhất.

Cảm thông và chia sẻ với gia đình

Sự quan tâm đến gia đình không chỉ là nhiều hay ít mà quan trọng hơn là cách thức thể hiện sự quan tâm đó như thế nào. Biết quan tâm tới nhau tức là biết cảm thông và chia sẻ khó khăn, vui buồn. Có như vậy hạnh phúc mới được xây dựng bền lâu.

Bản chất của người phụ nữ là sự tâm lý, biết quan tâm chăm sóc chồng con. Do vậy, người vợ phải là người khiến chồng tự hào và ngược lại, người chồng cũng phải chứng tỏ mình là chỗ dựa vững chắc cho vợ và con cái. Sự quan tâm, thông cảm của người vợ là cực kì quan trọng. Nếu thiếu đi điều đó, người đàn ông vẫn có thể thành đạt nhưng sẽ hụt hẫng, thậm chí lệch lạc. Sống “trên tiền”, sống “tiểu xảo” hay sống vì quyền lực đều có thể do mất cân bằng trong gia đình mình.

Tâm sự của ông Phạm Đình Đoàn – TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái: “Tôi không phải là người biết làm các công việc gia đình nên sự chia sẻ của tôi chỉ có thể là chơi với con, đưa con cái đi chơi hoặc đi chợ giúp vợ. Tôi cho rằng các doanh nhân không nên chỉ biết kiếm tiền giỏi mà còn phải biết tâm lý với người phụ nữ của mình, những người chịu nhiều thiệt thòi nhất phía sau thành công của người chồng”.

Ông Phạm Đình Đoàn – TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái

Chấp nhận những thử thách trong gia đình

Một cuộc hôn nhân không phải lúc nào cũng bằng phẳng, mà có thể có những sóng gió bất ngờ, nhất là khi một trong hai vợ chồng hoặc cả hai đều là người thành đạt. Biết chấp nhận cuộc sống với những thăng trầm của nó mới giúp cuộc hôn nhân được trọn vẹn.

Anh Đinh Công Hoan cùng vợ là Nguyễn Thị Thu Hà xây dựng nên công ty BKL, chuyên cung cấp những thiết bị xử lý về hệ thống thoát nước và môi trường. Anh Hoan chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình như sau: “Tâm trạng buồn bực sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy mình cố gắng làm sao để gia đình lúc nào cũng vui vẻ, vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan hiền”.

Chấp nhận và vượt qua thử thách của cuộc sống càng khó khăn hơn với những người “đơn độc”, hạnh phúc đối với chị Trương Minh Hà, Giám đốc phát triển kinh doanh của văn phòng đại diện Visa International ở Việt Nam, bây giờ là những sáng thứ Bảy, hai mẹ con mặc quần shorts, áo pull cùng nhau đi bơi, buổi chiều đến rạp xem phim, ăn tối. Hai vợ chồng chia tay từ khi con trai còn nhỏ, một mình chị vượt qua những suy sụp nặng nề để rồi đạt được vị trí đáng mơ ước trong sự nghiệp, quan niệm của chị Hà là: “Trong cuộc sống sẽ có những điều xấu, điều dở, điều khiến mình không hài lòng. Thế nhưng, hãy nhìn vào đó để tìm cách thích ứng tốt nhất. Không nên nghĩ rằng sẽ thay đổi được tính cách của người khác. Đừng bắt họ phải hành xử theo tiêu chuẩn của mình. Tốt nhất, nên tự dung hòa bản thân để tìm cách chung sống với những điều khác biệt”.

Biết lắng nghe

Trong đời sống vợ chồng có nhiều vấn đề cần bàn bạc, tranh luận với nhau. Tùy theo tình huống, mỗi người cần có cách nói chuyện sao cho người bạn đời cũng thấu hiểu để xử lý tốt các vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày, đồng thời gắn bó và cùng nỗ lực giải quyết những vấn đề lớn có thể xảy ra.

Những lúc vợ chồng có mâu thuẫn hoặc vấn đề cần tranh luận, mỗi người cần biết lắng nghe thật kỹ bản thân mình. Cần tin vào phong cách, suy nghĩ cũng như khả năng của chính mình để có thêm can đảm mà xây dựng hạnh phúc cho mái ấm gia đình. Thay vì đổ lỗi và quy tội cho nhau, tốt nhất là cả hai cùng tập trung vào giải quyết vấn đề.

Tâm sự của chị Phạm Thị Loan – TGĐ Tập đoàn Việt Á: “30 tết, tôi phải lo cho cán bộ công nhân viên… nên chưa mua sắm được gì cho gia đình. Chồng tôi rất giận và đã bỏ đi. Thực sự tôi rất buồn vì phải lo toan công việc rất nặng nề. Nhưng tôi cũng chỉ nói một câu nhẹ nhàng thôi: “Anh ơi, đón giao thừa một mình ở nhà thì buồn lắm”, và 15 phút sau anh lại quay về. Sau đó, tôi phải chia sẻ và tâm sự rồi dần dần cũng đưa nhà tôi vào cuộc (công việc) để anh hiểu công việc cũng như trọng trách đối với xã hội và trách nhiệm đến cùng đối với mọi người”.

Không mang công việc về nhà

Mặc dù là những giám đốc doanh nghiệp thành đạt hay là doanh nhân luôn bận rộn với hàng núi công việc, họ vẫn coi gia đình là vị trí số một trong nấc thang cuộc đời. Và để duy trì vị trí số một không thể thay thế này, nhiều doanh nhân thành đạt đã đúc rút kinh nghiệm: không đưa công việc về nhà.

Nhiều người đàn ông thành đạt nghĩ rằng, trong kinh doanh những người có thể về nhà sớm hơn chắc là khó thành công hơn những người về nhà vào 8 – 9h tối. Và họ sẵn sàng từ bỏ những thú vui gia đình như những bữa cơm sum họp cuối ngày, những kỳ nghỉ cuối tuần,… Khi đó, thời gian chia sẻ tâm tư, tình cảm với các thành viên khác trong gia đình bị giảm xuống. Ngược lại, với những người biết sắp xếp công việc, khi về nhà, họ chỉ quan tâm đến vợ/ chồng, con cái. Ngoài việc nói chuyện, trao đổi những khó khăn, những việc cần bàn bạc để có quyết định với vợ hay chồng mình, họ còn có thời gian quan tâm con cái học hành ra sao, sinh hoạt thế nào,…

Tâm sự của anh Nguyễn Phúc Hiếu – Chủ tịch HĐQT công ty IT Solution hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin: “Mặc dù tất bật với công việc nhưng chúng tôi vẫn không quên dành ra thời gian cho việc chăm sóc gia đình, con cái. Cả ngày đã tất bật vơi công việc rồi, do vậy buổi tối phải dành thời gian chăm sóc con cái. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần là thời gian cả gia đình được sum họp bên nhau, nên chúng tôi rất trân trọng”.

Trung Linh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024