ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 03h08 09/11/2019

Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhân Những công cụ pháp lý

(KDPT) – Tham nhũng hiện nay không phân biệt khu vực công hay khu vực tư. Tham nhũng trong khu vực tư nảy sinh trong các trường hợp: Trong mối quan hệ với khu vực công (hối lộ quan chức nhà nước hoặc liên kết giữa khu vực công với khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng); xảy ra trong bản thân khu vực tư (trong nội bộ doanh nghiệp tư hoặc giữa các doanh nghiệp tư). Trên thế giới, tham nhũng trong khu vực tư thường được giới hạn trong các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại hoặc các hoạt động kinh doanh. Để ngăn chặn tham nhũng trong khu vực này, các nước đã có những công cụ pháp lý hữu hiệu làm cơ sở để đưa ra những văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia.

Ảnh minh họa.

Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng (UNCAC)

Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Chống tham nhũng là văn bản pháp lý quốc tế phổ cập nhất trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN). Công ước đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý tối thiểu chung cho các quốc gia thành viên trong phòng, chống tham nhũng, nhất là trong khu vực tư. Khoản 1, Điều 12, Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến lĩnh vực tư, tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến lĩnh vực tư; ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Công ước UNCAC không có hiệu lực áp dụng trực tiếp ở các nước. Để thực thi Công ước UNCAC đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành nội luật hóa, chuyển các quy định của Công ước UNCAC thành nội luật.

Theo quy định của Công ước UNCAC, chủ thể của tội phạm tham nhũng trước hết là “công chức” và khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước UNCAC là tương đối toàn diện, bao gồm cả hai đối tượng: Công chức của quốc gia; công chức của nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công (Điều 2 Công ước). Ngoài ra, cũng theo Công ước thì các hành vi như hối lộ công chức nước ngoài, đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực tư đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 16, Công ước UNCAC quy định về hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công và Điều 21, Công ước UNCAC quy định hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư.

Căn cứ vào các quy định của Công ước, Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc (The UN Compact) mà Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã tham gia về phát triển kinh doanh bền vững đã bổ sung Nguyên tắc thứ 10: Các doanh nghiệp cần nỗ lực để chống tham nhũng dưới mọi hình thức, bao gồm cả vòi vĩnh và hối lộ. Mặc dù được nêu ra với tính chất là chuẩn mực tối thiểu, tuy nhiên những quy định, nguyên tắc trên cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Công ước Chống hối lộ các công chức nước ngoài của OECD

Trong nỗ lực của mình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD đã xây dựng Công ước Chống hối lộ các công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế và được các nước thành viên thông qua năm 1997. Công ước quy định rằng: “Mỗi bên (ký kết) sẽ thực hiện các biện pháp có thể cần thiết để xác lập một quy tắc rằng theo luật pháp nước đó, một người mà cố tình đề xuất, hứa hẹn hoặc cho những khoản tiền quá lớn hay những lợi thế khác, trực tiếp hoặc thông qua các trung gian với một công chức nước ngoài, cho công chức đó hoặc cho một bên thứ ba để công chức này hành động hoặc tránh hành động có liên quan tới việc thực thi những nhiệm vụ chính thức, nhằm có được hay giữ được công việc kinh doanh hay những lợi thế không hợp lệ khác trong việc điều hành hoạt động kinh doanh quốc tế”. Theo đó, Công ước đã công khai cấm những cơ chế hối lộ liên quan tới bên thứ ba. Có thể nói, Công ước OECD đã thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các công ty cũng như đề cao các giá trị đạo đức trong kinh doanh.

Hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân

Một trong những giải pháp được thực hiện rộng rãi ở các quốc gia đó là quy trách nhiệm cho pháp nhân. Đây được coi là yếu tố then chốt cho việc xúc tiến quá trình tự quản của khu vực tư nhân.

Pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự lần đầu tiên được quy định tại Sắc lệnh tối cao về hình sự (Grande Ordonnance Criminelle) của Pháp năm 1690. Đây được coi là một biện pháp quản lý sớm trong quản trị công ty. Nguyên tắc này bị từ bỏ trong Cách mạng Pháp nhưng vào cuối thế kỷ XX, nó được thể hiện lại trong luật pháp của Anh, Mỹ, Australia, Canada và những thuộc địa cũ của Anh. Nhật Bản chấp nhận nguyên tắc này vào những năm 1980, Pháp, Đức gần đây đã áp dụng nguyên tắc này nhưng với một phạm vi hạn hẹp hơn. Nguyên tắc này cũng đã được đề cập trong Công ước OECD nhưng không phải là nguyên tắc phổ biến. Đến nay, nguyên tắc trách nhiệm hình sự của pháp nhân được coi là yếu tố then chốt cho việc xúc tiến quá trình tự quản của khu vực tư nhân. Mặc dù luật pháp các nước vẫn chủ yếu tập trung vào khởi tố trách nhiệm của cá nhân, ngay cả trong trường hợp pháp nhân bị khởi tố cũng không có nghĩa là trách nhiệm hình sự của cá nhân sẽ được miễn hay giảm nhẹ. Tuy nhiên, việc thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm hình sự của pháp nhân trên thực tế đã đem lại cho những người lãnh đạo doanh nghiệp tuân thủ liêm chính, minh bạch một sự khuyến khích để hợp tác với cơ quan xét xử, và nó hạn chế trường hợp các CEO chịu trách nhiệm bị buộc tội về hành vi lừa đảo trong khuôn khổ giám sát của các CEO đó.

Quốc Đạt



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/09/2024