ISSN-2815-5823
Thứ hai, 08h59 17/08/2020

Kinh tế Nhật Bản hồi phục chậm trong đại dịch

(KDPT) – Đại dịch Covid-19 đã khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý II năm nay giảm 27,8%, tuy nhiên đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.

Đây là quý suy giảm thứ ba liên tiếp và đạt mức sụt giảm mạnh nhất trong 40 năm qua tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Kinh tế Nhật suy yếu do tăng thuế, nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc chậm lại và một loạt thiên tai vào mùa thu năm 2019, khiến Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia lớn rơi vào suy thoái khi đại dịch Covid-19 ập đến, làm cho xuất khẩu lao dốc và tiêu diệt ngành du lịch của nước này.

Michinori Naruse, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết: “Tổng tác động của đại dịch lên nền kinh tế cho đến thời điểm này gần giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng với cuộc khủng hoảng tài chính, mọi thứ tồi tệ một cách từ từ, còn lần này, mọi thứ tồi tệ cùng một lúc”.

Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy cơn đau tồi tệ nhất có thể đã qua ở Nhật Bản. Đất nước đã gánh chịu phần lớn thiệt hại kinh tế vào tháng 4 và tháng 5, khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 7/4 đến 25/5, trong nỗ lực kiểm soát sự gia tăng các ca nhiễm mới Covid-19 ở mức chậm và ổn định.

Nhật Bản chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn bởi chính quyền không có quyền hợp pháp để buộc người dân phải ở nhà, nhưng hoạt động kinh tế vẫn giảm đáng kể do người lao động và người tiêu dùng lựa chọn ở trong nhà.

Kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi sau nhiều tháng bị đóng băng do Covid-19.

Đến cuối quý II, toàn bộ tác động của gói kích thích kinh tế có giá trị bằng 40% GDP của Nhật Bản, bao gồm các khoản phân phối tiền mặt và các khoản cho vay không lãi suất bắt đầu được thấy rõ.

Các biện pháp kích thích đã giúp tỷ lệ thất nghiệp và phá sản ở mức thấp. Các công ty thu hút hàng triệu lao động, trợ cấp của chính phủ đảm bảo rằng người lao động sẽ có việc làm trở lại khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Izumi Devalier, nhà kinh tế trưởng tại Nhật Bản của Bank of America Merrill Lynch, cho biết: “Chúng tôi đã gặp phải một cú sốc lớn vào tháng 4 và tháng 5, nền kinh tế đã chạm đáy vào tháng 5 nhưng vào tháng 6 đã thực sự có sự phục hồi khá lớn”.

Sự phục hồi đó chủ yếu được thúc đẩy bởi sự kết thúc của tình trạng khẩn cấp quốc gia vào cuối tháng 5, khi nhân viên bắt đầu quay trở lại văn phòng và người tiêu dùng quay trở lại mua sắm tại các cửa hàng.

Bà Izumi Devalier cho biết: “Chúng tôi đã có sự phục hồi cơ học vào tháng 6 khi mọi người bắt đầu đi ra ngoài và chi tiêu trở lại. Các đợt phát tiền mặt về cơ bản đạt từ cuối tháng 5 đến tháng 6, vì vậy ngay khi nền kinh tế mở cửa trở lại, mọi người đã có tiền mặt để chi tiêu”.

Điều đó dẫn đến doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 6. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cũng tăng. Và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này thực sự đã giảm xuống, giảm 1/10 điểm phần trăm xuống 2,8% trong cùng tháng, theo dữ liệu của chính phủ.

Những con số đó là lý do để tin rằng, bất chấp báo cáo hàng quý ảm đạm, “Nhật Bản sẽ vượt qua điều này tốt hơn mọi người nghĩ”, Nicholas Smith, nhà phân tích Nhật Bản tại CLSA, một tập đoàn đầu tư, cho biết.

Cùng với đó các công ty Nhật Bản giàu tiền mặt, điều này sẽ có ích khi đất nước vượt qua đại dịch. Các ngân hàng của nước này cũng có rất nhiều tiền mặt dự trữ và sẵn sàng cho người dân vay vốn nếu cần.

Cho đến nay, quốc gia này đã tránh được điều tồi tệ nhất từ đại dịch khi chỉ có hơn 1.100 trường hợp tử vong do Covid-19, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế đồng cấp.

Vào tháng 6, số lượng các ca mắc mới Covid-19 thấp, chính phủ quốc gia đã bắt đầu một chiến dịch khuyến khích du lịch trong nước với hy vọng phục hồi du lịch địa phương và nền kinh tế dịch vụ.

Nhưng các ca mắc mới bắt đầu tăng trở lại vào tháng 7, tốc độ lây lan nhanh khiến số ca nhiễm nhiều hơn cả khi chưa áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia trước đó. Khiến chính phủ nhận nhiều chỉ trích vì đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát quá sớm.

Đến đầu tháng 8, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng nền kinh tế của đất nước không thể đáp ứng được tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ hai và ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, các thống đốc của quận Okinawa và quận Aichi, miền trung Nhật Bản đã tự mình tuyên bố tình trạng khẩn cấp, gây áp lực lên chính quyền trung ương phải hành động. Tại Tokyo, nơi mỗi ngày có hơn 200 trường hợp mắc mới Covid-19 trong tháng qua, đã khiến chính phủ phải yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa trước 10 giờ tối.

Bà Devalier của Bank of America Merrill Lynch cho biết, điều đó đã khiến người tiêu dùng lo lắng và đình trệ sự cải thiện trong chi tiêu dịch vụ vào tháng 6. Bà nói thêm rằng sự phục hồi kinh tế trong quý thứ ba có nguy cơ khá yếu.

Bà nói: “Các doanh nghiệp và người tiêu dùng có khả năng chịu đựng những cú sốc ngắn hạn nhưng càng lâu thì sẽ có những tác động khiến sự phục hồi chậm chạp hơn”.

Đây là tin xấu đối với hầu hết các công ty Nhật Bản, vốn dự đoán rằng lợi nhuận sẽ giảm tới 36% trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào cuối tháng 3/2021), theo một phân tích về dự báo thu nhập của các công ty niêm yết công khai do tờ báo tài chính Nhật Bản Nikkei Shimbun thực hiện.

Taro Saito, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI, cho biết ngay cả trong trường hợp tốt nhất, con đường để đưa kinh tế trở lại còn rất dài. Ông dự đoán sẽ mất ít nhất ba năm để nền kinh tế Nhật Bản trở lại mức trước đại dịch.

“Chúng tôi có thể đã thoát khỏi thời kỳ tồi tệ nhất, nhưng chúng tôi vẫn còn lâu mới có thể gọi là bình thường”, Taro Saito nói.

BÍCH NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024