Thay đổi để thích ứng

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, khu vực này đóng góp khoảng 43% vào tăng trưởng GDP. Năm 2018, đầu tư khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm 2017, chiếm tới 43,3% tổng đầu tư xã hội (tính theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2017 và bằng 33,5% GDP).

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” ở Đức vào năm 2013, có ý nghĩa chuyển đổi toàn bộ thế giới thực sang thế giới số. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc CMCN 4.0 diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

CMCN 4.0 được dự báo sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức. Điều đó yêu cầu các ngành, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân với vai trò ngày càng quan trọng, phải nỗ lực không ngừng để thích ứng những thay đổi do CMCN 4.0 mang lại.

4.0 là động lực thúc đẩy tiệm cận các nền kinh tế

Tác động lớn nhất của 4.0 là sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, internet, internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… Điều này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ tiện ích, chi phí phù hợp. Từ đó, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận kinh tế quốc tế. Đồng thời, điều này cũng sẽ thúc đẩy cơ quan quản lý, các DN tư nhân phải đầu tư và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Nhờ CMCN 4.0 mà phạm vi công việc và lĩnh vực hoạt động của các cá nhân, các DN được mở rộng. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Từ những tác động trên, các DN tư nhân chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng năng lực cạnh tranh của DN thông qua tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm chi phí.

Định hướng phát triển

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đem đến vô vàn những thách thức, buộc DN phải tìm ra lối đi, xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, để vừa theo kịp, vừa có thể ứng dụng những thành tựu đó trong thực tế tại DN của mình.

CMCN 4.0 yêu cầu DN phải luôn đổi mới. Đầu tiên, là đổi mới sản phẩm. Điều này không có nghĩa là DN xóa sổ toàn bộ sản phẩm truyền thống trước đây, mà là rà soát lại, cải tiến những cái cũ, hoặc thay thế nếu sản phẩm đó không còn đủ điều kiện đáp ứng trong xu hướng mới.

Tiếp theo, cần đổi mới quy trình sản xuất. Tiến bộ công nghệ đối với các nước đang phát triển được tập trung chủ yếu vào việc cải tiến hiệu quy trình công nghệ. Việc cải tiến này cho phép nâng cao năng suất của người lao động. Điều này thể hiện qua việc kết quả cải tiến quy trình sản xuất chuyển dịch sang phải của đường cung phản ánh khả năng nâng cao năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, DN vẫn cần có tầm nhìn chiến lược, nhất là trong cơ chế cạnh tranh ngày một khốc liệt. Đổi mới thôi là chưa đủ, DN cần có sự quan sát kỹ về thị trường, thị hiếu khách hàng, và đặc biệt là thích ứng xu hướng quản trị thông minh, cũng như đề ra các giải pháp trong trường hợp xảy ra các vấn đề về bảo mật thông tin, các loại tội phạm công nghệ cao.

VinGroup với dòng xe VinFast là một minh chứng điển hình, khi ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất thân vỏ xe ô tô; cùng với đó là hệ thống 5 nhà máy được xây dựng tương thích với công nghệ 4.0. Nổi bật nhất là nhà máy hàn thân xe, với thiết kế có khoảng 1.200 robot do ABB sản xuất; mối liên kết giữa robot, con người và máy móc, thiết bị được hoàn chỉnh theo nền tảng 4.0.

Nhà máy VinFast có 1.200 robot, có thể khởi động sản xuất từ xa

Bên cạnh đó, VinGroup coi việc đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Vì vậy, Vingroup cũng đầu tư hơn 10 triệu USD thành lập Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên VinFast, dự kiến mỗi năm đào tạo 600 kỹ sư, là nguồn nhân lực tương lai cho cách mạng 4.0.

Không chỉ VinGroup, mà FPT – một tập đoàn đi đầu về công nghệ cũng đang chứng minh khả năng và sự nhạy bén của mình trong việc tiếp cận sâu vào 4.0. Theo ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT nhấn mạnh: “FPT coi AI là động lực chính thúc đẩy cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Sau gần 6 năm tiếp cận triển khai trí tuệ nhân tạo (AI), FPT đã rút ra một số bài học: muốn ứng dụng AI thì phải biết ứng dụng để làm gì và kết quả mong muốn mang lại là gì, từ đó dùng AI để tăng cường trải nghiệm cho người dùng. Nền tảng FPT.AI được tạo ra có những năng lực như mô phỏng giác quan và năng lực phân tích của con người như tổng hợp và nhận diện giọng nói, quản lý hội thoại,…

Với giao thông luôn tắc nghẽn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có quá nhiều xe máy và đi theo các hướng khó dự đoán, FPT đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI để đếm xe, tối ưu hóa các luồng di chuyển, đưa ra các gợi ý đường đi…

Cùng với VinGroup, FPT, nhiều tập đoàn, DN tư nhân khác trong nước đã có những bước khởi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 để nhanh chóng hòa nhập xu thế phát triển công nghệ của thế giới.

Sự chung tay của cộng đồng

DN tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính vì vậy, khu vực kinh tế này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành, và cộng đồng.

Thấu hiểu điều đó, tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã nhấn mạnh rằng: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, từ chủ trương, chính sách đến hành động của các cấp, các ngành đang có sự chuyển biến lớn, từ đó tác động mạnh đến việc phát triển khoa học công nghệ, làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo Bộ trưởng, giai đoạn hiện nay, từ chủ trương xuyên suốt, nhất quán đã có những giải pháp rõ ràng cụ thể, làm cho khoa học công nghệ đồng hành và sát hơn với các ngành, các cấp, từ đó sát hơn với thực tiễn kinh tế-xã hội đất nước. Cụ thể là các nghị quyết Trung ương từ tinh thần Đại hội XII đã làm rõ nội hàm khoa học công nghệ từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân…

Khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Vì vậy, cần có định hướng phát triển kinh tế tư nhân phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thành phần kinh tế này, đóng góp đắc lực vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là trong giai đoạn CMCN 4.0 đang có ảnh hưởng lớn, cũng như Việt Nam đang từng bước hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng. Mặc dù vậy, vẫn phải đánh giá lĩnh vực nào có tác động mạnh mẽ để có chính sách điều chỉnh kịp thời.

Phương Mai