ISSN-2815-5823

Kinh tế Việt Nam: Những thách thức và cách hóa giải

Xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng và những nghịch lý tồn tại lâu năm là những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Để hóa giải, cần nhiều hơn một giải pháp.

4 nghịch lý, 3 thông suốt

Nếu nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam có hai vấn đề lớn đặt ra. Thứ nhất là, xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong mấy chục năm qua. Thứ hai là, những nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế vẫn đang tồn tại như một thách thức.

PGS. TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Có ít nhất 4 nghịch lý như vậy, gồm: Doanh nghiệp giỏi chống chịu nhưng chậm lớn; doanh nghiệp khát vốn nhưng không thể tiếp cận vốn; tốc độ tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp, lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao.

“Có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm”.

PGS. TS Trần Đình Thiên

Tất cả những nghịch lý nêu trên cho thấy điểm yếu căn cốt nhất của nền kinh tế Việt Nam là các nguồn lực bị ách tắc, chưa thể chuyển hóa thành động lực phát triển.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần xác lập các điều kiện sau:

Một là, hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Ba là, bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống gồm: Thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); thông thoáng cơ chế (thể chế thị trường, công khai - minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh...); thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo...).

Chuyển động và định hướng

Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã có những đổi thay mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình.

Điểm yếu căn cốt nhất của nền kinh tế Việt Nam là các nguồn lực bị ách tắc, chưa thể chuyển hóa thành động lực phát triển. (Ảnh minh họa: VOV)

Có thể thấy quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách mà Chính phủ, Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”.

Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.

“Không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành. Năng lực - tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Lợi thế so sánh, để phát huy được, phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Không có sự chuyển hóa đó, nền kinh tế sẽ trì trệ, bất động, sẽ bị tiêu diệt trong cạnh tranh”.

PGS. TS Trần Đình Thiên

Các bằng chứng rõ nét cho việc này là: Kịp thời sửa đổi và ban hành nghị định mới về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08); 4 lần hạ lãi suất ngân hàng để giảm áp lực vay vốn cho doanh nghiệp; quyết liệt giải ngân đầu tư công, ráo riết thực hiện chương trình phát triển hạ tầng giao thông, tập trung vào hệ thống đường bộ cao tốc và sân bay; tích cực tháo gỡ các nút thắt trong một số dự án bất động sản lớn, nhằm giảm dần áp lực “nổ” cho thị trường; thay đổi mạnh mẽ chính sách visa (thị thực) cho người nước ngoài...

Cách tiếp cận chính sách và giải pháp mới của Nhà nước đang tạo ra những thay đổi rõ rệt, có giá trị “làm xoay chuyển tình thế” của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực “bản địa”.

Một điểm đáng chú ý khác, là hiện nay, Đảng và Nhà nước còn tích cực nhận diện và định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai”, trên cơ sở đó, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế. Cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn, và cần phải coi đây là cách thức ngày càng chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia.

Chuyển đổi số là một động lực vừa có vai trò thúc đẩy, vừa có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Biểu hiện cụ thể của nguyên tắc “hướng tới tương lai” là việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “zero carbon” (không phát thải các-bon) vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Đây là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam - đi sau những nỗ lực vượt trước để “tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại”.

Về thực chất, đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức chính mình”, khá mới mẻ ở Việt Nam. Nếu triển khai được, cách làm này, chứa đựng trong đó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường (đề cao trách nhiệm cá nhân) sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy.

Định hướng mới mẻ này đang được triển khai rõ nhất trên hai tuyến quan trọng của nền kinh tế - phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Đơn cử, cách tiếp cận Quy hoạch điện VIII, với ưu tiên mang tính bước ngoặt (không ngờ) vào phát triển năng lượng tái tạo, định hướng vào công nghệ điện hydrogien mở ra những khả năng và triển vọng to lớn để cải thiện năng lực của Việt Nam - không chỉ là năng lực giải quyết tình trạng thiếu điện tiêu dùng của đất nước mà còn là tạo vị thế mới và mạnh cho Việt Nam trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Đó là chưa kể những lợi ích to lớn khác phái sinh từ đó, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu - đang là những mục tiêu cấp bách hàng đầu của toàn thế giới.

Việc làm cấp bách nhất hiện nay

Kinh tế thế giới được dự báo là đang trong thời kỳ “một thập niên mất mát”. Đây là một dự báo có nhiều căn cứ đáng tin cậy (xung đột trên thế giới, thời đại “tiền dễ” không còn, hậu quả trầm trọng của COVID-19, biến đổi khí hậu, tình trạng đứt chuỗi và “vỡ cấu trúc”…).

“Những giải tỏa chiến lược cần có gồm: Ưu tiên cao độ cho sự phát triển các thị trường đầu vào trọng điểm, đặc biệt nhấn mạnh thị trường đất đai (cấp bách hàng đầu), thị trường lao động và chuẩn bị cho tương lai - thị trường sở hữu trí tuệ; Phát triển có hệ thống và đồng bộ các thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu chính phủ, từng bước mở và nối thông với các thị trường tài chính quốc tế) cùng các kênh dẫn vốn ngân sách cho nền kinh tế (đầu tư công, chi tiêu ngân sách…); Định hướng ưu tiên cho các kênh cung cấp vốn, không phân biệt thành phần: Lựa chọn ưu tiên hỗ trợ cho các ngành nghề có định hướng “tương lai”.

PGS. TS Trần Đình Thiên

Xét theo logic thông thường và theo xu thế chung, nền kinh tế có độ mở cửa cao nhưng thực lực chưa mạnh của Việt Nam sẽ chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ từ tình hình đó.

Thách thức này buộc Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để đối phó, bao gồm củng cố những năng lực - động lực hiện có và quan trọng không kém, thực ra là ngày càng quan trọng hơn, phát triển những năng lực - động lực mới.

Một trong những tuyến năng lực đó - mà Việt Nam đang có lợi thế là sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài mạnh. Thực sự, Việt Nam đang có những điều kiện tự thân (do đó, đáng tin cậy), cộng với bối cảnh quốc tế tạo ra những lực xô đẩy cơ bản thuận chiều, có lợi, để duy trì và gia tăng sức hấp dẫn đó.

Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là thu hút và định hướng sử dụng đầu tư nước ngoài thế nào để “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - là mục tiêu mà Việt Nam đang đặt ra, trước hết là cho chính mình trong việc tạo lập môi trường đầu tư.

Cho đến nay, trong hoạt động này, dường như quan điểm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, cách triển khai thực hiện chưa thật sự phù hợp với tinh thần “hài hòa lợi ích”, trong đó, lợi ích phát triển của Việt Nam chưa thật sự được bảo đảm như mong đợi, đặc biệt là một số lợi ích chiến lược, ví dụ lợi ích lan tỏa phát triển ra khu vực bản địa, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ và năng lực cạnh tranh của khu vực “nội lực”… Đó là chưa kể đến xu thế hình thành “nền kinh tế nhị nguyên” có nguy cơ gây méo mó cấu trúc và sai lệch định hướng chính sách.

Giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới và lớn khác thường cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo nhảy vọt phát triển.

Mấu chốt vấn đề ở đây là hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cộng với các điều kiện nền tảng đồng bộ là hạ tầng kết nối - nguồn nhân lực chất lượng - lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ mạnh để nối chuỗi.

Việc thiết kế một hệ nhiệm vụ nhằm tạo lập các điều kiện nêu trên theo hướng ưu tiên là việc làm cấp bách bậc nhất hiện nay không chỉ để tận dụng tốt thời cơ mà quan trọng hơn về mặt chiến lược để nền kinh tế phát triển năng lực độc lập tự chủ trong hệ thống kinh tế mở toàn cầu./.

HẢI THU (lược ghi)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024