ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 14h55 09/08/2024

Tạo đột phá công nghệ, mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững

(KDPT) - Việc đổi mới mô hình tăng trưởng hiện có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới, xanh và số, phong trào đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp...Tạo ra năng suất lao động cao hơn, thông minh hơn.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước có nền công nghiệp hiện đại

Tại Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam diễn ra mới đây, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Đại hội XIII phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho hay, việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới (CM4.0), xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo; phong trào khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011-2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…

Đề xuất những giải pháp công nghệ mang tính đột phá

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, ông Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh.

Tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo. Tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái. Hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá... Sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt ngoài nhà nước...

Cùng với đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như AI, blockchain… để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D ở các doanh nghiệp, trang trại... Chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu và tài nguyên số, ứng dụng trong quản trị, điều hành. Liên kết vùng, liên kết chuỗi, cụm ngành...

Ngoài ra, theo ông Tuấn cần chú ý tới chiều cạnh xã hội như yếu tố gap trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và môi trường như quản lý tài nguyên và ô nhiễm, phát thải... Thể chế thí điểm, đặc thù cho chuyển đổi kép (xây dựng và thí điểm các mô hình trên thực tiễn như ngân hàng số, fintech, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) Tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh...

Đẩy mạnh tự động hóa quy trình sản xuất

Tại diễn đàn, TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về vai trò của công nghệ cao và ứng dụng mới đối với chuyển đổi kép, ông Hoàng cho biết đó là tự động hóa quy trình sản xuất. Robotics và hệ thống tự động giúp tăng tốc độ sản xuất, giảm sai sót do con người, và cho phép hoạt động liên tục 24/7. Hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS) cho phép thay đổi nhanh chóng giữa các loại sản phẩm, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ
TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ

Internet of thing (IOT) và dữ liệu lớn (BIG DATA) để giám sát thời gian thực, cho phép theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất ngay lập tức. Phân tích dự đoán giúp dự báo nhu cầu bảo trì, ngăn ngừa sự cố và tối ưu hóa sản xuất.

Trí tuệ nhân tạo (Al) và máy học (Machine Learning) kiểm soát chất lượng. Hệ thống thị giác máy tính có thể phát hiện lỗi sản phẩm nhanh chóng và chính xác hơn con người. Tối ưu hóa quy trình: AI có thể phân tích dữ liệu sản xuất để đề xuất cải tiến quy trình.

Tạo đột phá công nghệ, mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững - ảnh 2

Công nghệ in 3D và Sản xuất phụ gia giúp tạo mẫu nhanh, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm mới. Sản xuất linh hoạt, cho phép tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh với chi phí thấp.

Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) nhằm đào tạo nhân viên. Cung cấp môi trường học tập an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ vận hành, AR có thể cung cấp hướng dẫn trực quan cho nhân viên trong quá trình sản xuất.

Blockchain giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng. Quản lý chất lượng, giúp theo dõi và xác minh chất lượng sản phẩm qua các giai đoạn sản xuất.

Điện toán đám mây để quản lý dữ liệu. Cho phép lưu trữ và xử lý lượng lớn dữ liệu sản xuất. Hợp tác từ xa, tạo điều kiện cho các đội ngũ làm việc cùng nhau bất kể vị trí địa lý.

Theo TS, một số doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi như Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi; FPT song hành Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Mô hình chuyển đổi số 3S của FPT.

Từ kinh nghiệm các doanh nghiệp trên, TS. Hoàng nêu ra các bài học bao gồm tích hợp chuyển đổi kép vào chiến lược kinh doanh tổng thể; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm và công nghệ; xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới sự bền vững và đổi mới; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi kép; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Để thúc đẩy chuyển đổi kép (xanh và số) cho Việt Nam, TS. Hoàng cho rằng cần có các giải pháp như quy định pháp lý về chuyển đổi số và môi trường; thúc đẩy năng lượng sạch; bảo vệ môi trường; phấn đấu cho nền công nghiệp xanh; đầu tư vào giao thông thông minh và phát triển bền vững; từ trang trại đến bàn ăn; dẫn dắt xu hướng chuyển đổi xanh; xóa bỏ ô nhiễm; chuyển đổi công bằng cho mọi người...

Xu hướng chuyển đổi hiện nay là tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,1% (2010) lên 38,1% (2023), dự kiến đạt 40% vào năm 2030. Dịch vụ duy trì vai trò chủ đạo chiếm khoảng 50% GDP trong suốt giai đoạn, dự kiến tiếp tục ổn  định  ở  mức  50%  đến  năm 2030. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% (2010) lên 25% (2023), mục tiêu đạt trên 30% vào năm 2030. Kinh tế số chiếm khoảng 14,3% GDP (2023), mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu; Mục tiêu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP đến năm 2030.

Vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong đổi mới sáng tạo, đây là cơ hội để Việt Nam bắt kịp công nghệ hiện đại. Trong cuộc cách mạng lần này có nhiều loại hình, thích hợp với năng lực, đầu óc và văn hoá nghề nghiệp của người Việt. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động, không chờ đợi để có thể bắt kịp được với thế giới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024