ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 06h06 28/10/2023

Kỳ 3: Dấu ấn về sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo tới sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước

Cover image
(KDPT) - Thực hiện “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là thực hiện khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng, hùng cường, phù hợp với xu thế thời đại, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; từng bước hội nhập và vươn lên khẳng định vị thế, tầm vóc của Việt Nam, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta trên trường quốc tế.
Kỳ 1: “Khát vọng” của dân tộc Việt Nam Kỳ 1: “Khát vọng” của dân tộc Việt Nam
Kỳ 2: Vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Kỳ 2: Vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước góp phần tạo khung pháp lý để hình thành một cơ chế hoạt động, quản trị có hiệu quả cho các doanh nghiệp trong suốt quá trình từ khi hình thành và phát triển của doanh nghiệp nhà nước, có thể nhắc đến như: Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990. Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995; Luật Doanh nghiệp năm 1999; Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; Luật Doanh nghiệp năm 2005; Luật Doanh nghiệp năm 2014; đến nay các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành gồm: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đấu thầu năm 2013… và các văn bản hướng dẫn dưới luật.

Đến năm 2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, với nội dung: “Khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng: (1) Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; (2) Phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; (3) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác tổ chức - cán bộ tại doanh nghiệp”.

Căn cứ Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; ngày 03/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Kỳ 2: Vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)

Ngày 22/09/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, qua đó khẳng định, đây là vấn đề ngày càng được Đảng ta quan tâm, giúp mỗi cán bộ đảng viên có nhiều hơn cơ hội để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Để cụ thể hóa nội dung Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, với đối tượng áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, để xác lập rõ hơn vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 87-QĐ/TW ngày 28/10/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối. Đến nay, Quy định đã được phổ biến, triển khai, thực hiện thống nhất tại các doanh nghiệp nhà nước.

Thời gian vừa qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gặp gỡ, tổ chức nhiều hội nghị, buổi làm việc trực tiếp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể:

- Đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (hiện nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) yêu cầu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, phải thường xuyên quan tâm công tác chính trị tư tưởng; quán triệt, học tập, xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết, làm sao để đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động của các doanh nghiệp trong Khối nhận thức đúng tình hình, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, nhận thức rõ sứ mệnh của mình đối với phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Đây là nội dung yêu cầu của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về kết quả công tác của Đảng bộ Khối từ sau Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III (nhiệm kỳ 2020 - 2025), nội dung xin tóm lược như sau:

“Ngày 09/12/2022, Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng biểu dương những kết quả Đảng ủy Khối đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III; đồng thời khẳng định Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương có vị trí, vai trò quan trọng và có đặc điểm và nhiệm vụ rất đặc biệt. Đây là đảng bộ lớn, có nhiều tổ chức đảng trực thuộc, đông đảng viên, môi trường hoạt động trải rộng trong khắp cả nước và có ở nước ngoài. Đảng ủy Khối là mô hình tổ chức đảng ở nơi có đặc điểm riêng theo Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, không có chính quyền cùng cấp, quyết định công tác cán bộ cấp ủy nhưng không quyết định chỉ tiêu, kế hoạch, công tác tái cơ cấu, chiến lược đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh hằng năm và chỉ phối hợp về công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp trong Khối.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, với đặc điểm các đơn vị trong Đảng bộ Khối, tình hình khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ Khối cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối cũng như của các đảng bộ trực thuộc, vừa đảm bảo nguyên tắc chung, vừa đáp ứng đặc điểm các đơn vị trong Đảng bộ Khối cũng như tình hình khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Đảng bộ Khối đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, phải thường xuyên quan tâm công tác chính trị tư tưởng; quán triệt, học tập, xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết, làm sao để đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động của các doanh nghiệp trong Khối nhận thức đúng tình hình, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, nhận thức rõ sứ mệnh của mình đối với phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Việc đánh giá, lựa chọn mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần dựa trên yếu tố mô hình đó có đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp hay không, bảo đảm song song giữa nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng; cân nhắc yếu tố linh hoạt về lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp và địa phương để tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn mô hình xác đáng. Các cấp ủy cần xác định cơ chế phù hợp, đề xuất giải pháp để chọn được cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước giỏi.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, Đảng bộ Khối tiếp tục coi trọng công tác tổ chức cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của giai đoạn hiện nay. Công tác tổ chức cán bộ phải rất linh hoạt để lựa chọn cán bộ có trình độ.

Lưu ý nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng đối với hoạt động của doanh nghiệp trong Khối, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò tiên phong trong thực hiện nghị quyết của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện, còn những vướng mắc phải được tập hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền, với phương châm không nóng vội nhưng không được bỏ qua, không được làm chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển...”.

- Đồng chí Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Đây là nội dung trong Kết luận Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc, nội dung xin tóm lược như sau:

Sáng 14/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Kết luận Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo”, đồng thời nêu 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành và 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, cụ thể:

Thủ tướng nhấn mạnh 6 quan điểm chỉ đạo điều hành để tiếp tục để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, cần theo dõi sát tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ đã nhiều năm, kịp thời đưa ra chính sách, giải pháp sát tình hình, khả thi và hiệu quả cao.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi.

Thứ tư, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.

Thứ năm, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, nâng cao tính tự lực tự cường, tự vươn lên, phát triển bằng nội lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để xây dựng doanh nghiệp nhà nước tiên phong, dẫn dắt, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tập trung tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với doanh nghiệp nhà nước, đổi mới công tác đánh giá, sử dụng cán bộ đúng, trúng, phù hợp tình hình.

Kỳ 2: Vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, tháng 9/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể.

Thứ ba, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Thứ tư, các doanh nghiệp nhà nước phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn đang triển khai như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Thứ năm, các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ 3 tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các doanh nghiệp nhà nước kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ”.

Thứ sáu, các doanh nghiệp nhà nước góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các ưu đãi cần thiết với doanh nghiệp nhà nước để phát triển nhanh, bền vững.

Thứ bảy, đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội.

Thứ tám, đề cao đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội, nhất là với những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những người yếu thế, khó khăn, những người gặp hoạn nạn...; chăm lo cải thiện đời sống công nhân, người lao động.

Thứ chín, các doanh nghiệp nhà nước cùng nhau, cùng các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

Thứ mười, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN...

Mười một, các doanh nghiệp nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn thách thức, đoàn kết, thống nhất nhưng cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp.

Mười hai, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.

- Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương và nhấn mạnh, ngành dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam “đã làm nên những điều kỳ diệu. Càng trong khó khăn, thử thách thì càng có sức bật mạnh mẽ. Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đây là nội dung trong buổi làm việc của đồng chí Chủ tịch Quốc hội với Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhân dịp xuân mới Nhâm Dần, sáng ngày 08/02/2022, nội dung xin tóm lược như sau:

“Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn tại trụ sở chính và trò chuyện trực tuyến với các cán bộ, công nhân ưu tú đại diện cho hơn 150.000 người lao động của Tập đoàn tại gần 70 điểm cầu ở 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới toàn thể cán bộ, người lao động những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Biểu dương những thành tựu này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam “đã làm nên những điều kỳ diệu. Càng trong khó khăn, thử thách thì càng có sức bật mạnh mẽ. Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt”

Kỳ 2: Vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam sáng ngày 08/02/2022. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tập đoàn cần tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững; thúc đẩy, bảo vệ để công nhân và người lao động được thụ hưởng những thành quả xứng đáng đóng góp cho Tập đoàn và đất nước.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục dệt nên những ước mơ, dệt nên khát vọng, dệt nên hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, vào tương lai, tiền đồ của đất nước, khi đó, chắc chắn sẽ dệt nên những thành công, kỳ tích mới…”.

Đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Có thể thấy rằng, trên cơ sở tinh thần dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại… với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp lãnh đạo Đảng đã xây dựng cơ chế, chính sách; Đảng đã định hướng, ban hành nhiều văn bản về chủ trương, định hướng để doanh nghiệp nhà nước phát triển, trong đó phải kể đến Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023); Quốc hội và Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp nhà nước phát triển xứng đáng … giữ vai trò chủ đạo”, và là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”; sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước trong suốt thời gian qua đã và đang thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường. Tuy nhiên, như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển (ngày 14/9/2023), nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…

Vì vậy, để phát triển doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… trước cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những diễn biến mới về kinh tế, chính trị… trên thế giới (cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; xung đột giữa Israel và Palestine…, an ninh năng lượng, lương thực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh) thì mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước cần nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, hết lòng hết sức với công việc, vì lợi ích chung để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bản thân với vị trí, vai trò là cán bộ, đảng viên đang công tác tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - một thiết chế, công cụ của Nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, gắn liền với định hướng, đường lối, chủ trương của Đảng qua các kỳ Đại hội, tôi xin đề xuất với các cấp lãnh đạo một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, người lao động về truyền thống lịch sử hình thành, phát triển và đóng góp của doanh nghiệp nhà nước đối với kinh tế - xã hội; truyền cảm hứng, động lực làm cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước nhận thức về tính đúng đắn, khoa học của các quan điểm, chủ trương mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời hun đúc, thôi thúc tinh thần dân tộc của nhân dân, phát huy mạnh mẽ, thi đua hăng say hơn nữa trong lao động, sản xuất cùng chung tay, chung sức để có thể tạo ra “bước nhảy phát triển thần kỳ về kinh tế” của doanh nghiệp nhà nước, trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, góp phần thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, sớm đưa đất nước đạt mục tiêu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thứ hai, các cấp có thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho doanh nghiệp nhà nước; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; giao cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước về chính sách tiền lương, tiền thưởng gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; gắn phát triển doanh nghiệp nhà nước với thực hiện chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực kinh tế… làm được như vậy, không gian phát triển cho doanh nghiệp nhà nước sẽ được nới ra, thúc đẩy doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh để thực hiện vai trò dẫn dắt, để khơi dậy khát vọng phát triển doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước mong muốn được tự chủ kinh doanh như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể; có quyền tài sản rõ ràng; được theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra hiệu quả hoạt động theo định hướng phát triển, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo nhiệm vụ và mục tiêu chung (toàn bộ danh mục đầu tư hoặc vốn đầu tư của chủ sở hữu giao) thay vì thanh tra, kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất đối với từng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, dự án đầu tư, doanh nghiệp đầu tư như hiện nay. Coi doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. Đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân.

Thứ tư, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật của các cấp để tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp nhà nước đang gặp phải để doanh nghiệp nhà nước phát huy tối đa nguồn lực Nhà nước đang có, dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, tiếp tục giao doanh nghiệp nhà nước nguồn lực trọng yếu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế của đất nước, giao triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, then chốt trên cơ sở thế mạnh ngành, lĩnh vực của từng doanh nghiệp nhà nước; kịp thời động viên, khen thưởng, nêu gương, khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên, người lao động dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để tạo động lực lan tỏa tới toàn bộ doanh nghiệp nhà nước và hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, cơ sở theo tinh thần Kết luận số 14-KL/BCT và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực hiện“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là thực hiện khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng, hùng cường, phù hợp với xu thế thời đại, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; từng bước hội nhập và vươn lên khẳng định vị thế, tầm vóc của Việt Nam, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta trên trường quốc tế. Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ những điều kiện và cơ hội “chín muồi” mà bản thân nói riêng, cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước và toàn thể nhân dân nói chung cần phải có khát vọng, sự lan tỏa để cùng đồng hành thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh của mình./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T4, Tr.161-162;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 25;

3. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/09/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung;

4. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;

5. Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

6. https://nhandan.vn/ham-muon-tot-bac-cua-bac-ho-post421662.html;

7. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/12-nhiem-vu-de-doanh-nghiep-nha-nuoc-phat-huy-vai-tro-tien-phong-dan-dat-mo-duong-119230915110343514.htm

8. https://doanhnghieptrunguong.vn/gioi-thieu-dang-uy-khoi/hoat-dong-dang-uy-khoi/202212/thuong-truc-ban-bi-thu-vo-van-thuong-lam-viec-voi-dang-uy-khoi-doanh-nghiep-trung-uong-5797899/;

9. https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-du-kien-nop-ngan-sach-hon-128000-ty-dong-trong-nam-nay-102230914094940275.htm;

10. https://quochoi.vn/ct-vuong-dinh-hue/pages/qua-trinh-cong-tac.aspx?ItemID=62144.

CAO VĂN THẮNG
Đảng viên, Phó Trưởng Ban Pháp Chế Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024