ISSN-2815-5823

Nỗ lực hạ lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng

(KDPT) - Ngành Ngân hàng đang tiếp tục hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tín dụng và tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế quý I khởi sắc tích cực, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân cũng ngày càng gia tăng. Thời gian qua, đã có nhiều ngân hàng đáp ứng nhu cầu đó khi tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất và lãi suất cho vay cũng được cho là mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua. Những dòng vốn ưu đãi này là trợ lực quan trọng để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh.

Hàng loạt giải pháp về vốn

Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vào cuối tháng 4 đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024” quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn bằng VND đến hết năm nay. Lãi suất của chương trình theo đó sẽ thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm. Đây là ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp tư nhân và pháp nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có nhu cầu vốn trong ngắn hạn.

Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân ngày càng gia tăng khi kinh tế khởi sắc tích cực 
Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân ngày càng gia tăng khi kinh tế khởi sắc tích cực 

Kể từ đầu năm, ngân hàng Agribank đã dành 95.000 tỷ đồng tiền vốn tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tài trợ dự án đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã dành hơn 60.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo đại diện ngân hàng, Agribank cam kết dành nguồn lực tối đa để đồng hành với doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế quốc gia.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trước đó cũng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với các khoản vay hiện hữu của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với thời gian áp dụng trong 3 tháng kể từ ngày 1/4-30/6, ngoài ra sẽ triển khai các gói cho vay mới đồng loạt với lãi suất giảm tới 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay để giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất cho vay thấp.

Theo đại diện Vietcombank, chương trình sẽ hướng tới khách hàng trong nhóm ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, KHCN, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân để thúc đẩy tín dụng…

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hiện nay cũng đang thúc đẩy cho vay trên kênh số, ưu đãi vay kinh doanh với mức lãi suất từ 6,2%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh. Với hình thức vay tín chấp, ngân hàng áp dụng tài trợ kinh doanh không cần thế chấp tới 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ nguồn vốn liên thông cho cả vai trò cá nhân và doanh nghiệp với mức lãi suất từ 1,08%/ tháng, cho vay đơn lẻ cho chủ doanh nghiệp với hạn mức tới 1 tỷ đồng, lãi suất 1,20%/tháng, cho vay hộ kinh doanh tới 700 triệu đồng. Đáng chú ý, ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất từ 0% đối với khách hàng vay trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng tung ra nhiều gói vay ưu đãi cho các đối tượng khách hàng. Cụ thể, ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn vay mới từ 5,5%/năm. Đối với khách hàng hiện hữu, lãi suất ưu đãi cho khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, dùng đa dạng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng dao động từ 4,5-6,5%/năm.

Nhiều ngân hàng đang tung ra các giải pháp ưu đãi lãi suất cho vay 
Nhiều ngân hàng đang tung ra các giải pháp ưu đãi lãi suất cho vay 

Theo đại diện của Techcombank, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng lên tới 20 tỷ đồng, tín chấp 10 tỷ đồng. Khách hàng dùng phần mềm MISA được cấp hạn mức lên tới 20 tỷ đồng. Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với mức lãi suất từ 5,5%/năm…

Hiện nay, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng đang áp dụng lãi suất từ 6,7%/năm, cho khoản vay lên đến 7 tỷ đồng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. Thời gian vay của gói này lên tới 12 tháng đối với khoản vay bổ sung vốn lưu động, và 84 tháng với khoản vay mua ô tô hay đầu tư tài sản cố định…

Lãi suất không còn là trở ngại

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy ngành ngân hàng đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong quý I/2024 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Bình quân lãi suất huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/ năm và 6,5%/ năm, giảm khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm tương ứng so với cuối năm ngoái. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần hồi phục.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định ở Thông tư 02. Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư 02 đang được rà soát nhằm tiếp tục mang đến điều kiện thuận lợi để khách hàng hồi phục sản xuất kinh doanh.

Phía NHNN cũng tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng và chương trình với các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế như chương trình cho vay lâm sản và thủy sản sẽ tăng lên 30.000 tỷ đồng thay vì 15.000 tỷ đồng, hay chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong quý I tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn 
Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong quý I tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn 

Thế nhưng, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa còn chậm. Không ít doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô kinh doanh và thu hẹp sản xuất. Bởi vậy, nhu cầu vay vốn cũng giảm đi.

Ông Tuệ cho biết tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm 2024 có tín hiệu khởi sắc tích cực. Các ngành như bán lẻ và du lịch ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá. Thế nhưng, theo khảo sát ở một số doanh nghiệp nhiều ngành hàng thì vẫn chưa có nhu cầu vay vốn, thậm chí ngay cả khi lãi suất cho vay đã được các ngân hàng hạ xuống mức thấp và công khai niêm yết.

Về phía ngân hàng, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nêu quan điểm, lãi suất cho vay dù giảm, nhưng để tìm được khách hàng vay và thúc đẩy vốn ở thời điểm này không đơn giản. Theo lãnh đạo MB, nhu cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng ở mức đột biến, song sẽ dần tăng trở lại. Nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô hiện đang đi ngang, nếu giữ được phương án đi ngang trong năm nay cũng là một tín hiệu khả quan.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp năm nay có sự thay đổi theo hướng khả quan hơn nhờ cơ chế điều hành tín dụng mới của NHNN, và lãi suất trên thị trường hiện nay không còn là trở ngại với khách hàng trong việc tiếp cận vốn vì mặt bằng lãi suất nhìn chung hiện đã về mức khá thấp. Cụ thể, lãi suất cho vay ở mọi kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm được 2,5% so với cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay nằm trong các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ còn dưới 4%/năm.

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất cho vay không phải là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp, khi nhiều đơn vị không có nhu cầu vay vốn, hay là không biết vay vốn để làm gì bởi họ không có đầu ra. Ở một mặt khác, nhiều doanh nghiệp có đầu ra nhưng lại không đáp ứng được điều kiện để vay nên không tiếp cận được vốn tín dụng.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, hướng đến mục tiêu xanh hóa sản xuất, song sẽ rất khó thuyết phục được ngân hàng cho vay. Ông Nghĩa gợi ý rằng, phía ngân hàng thương mại cần cải thiện trình độ thẩm định dự án, đánh giá về khả năng trả nợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.

Mới đây, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng vào 31/12/2023, đồng thời thông báo công khai nguyên tắc xác định để các tổ chức này thực hiện tăng trưởng tín dụng một cách chủ động, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp năm nay có sự thay đổi theo hướng khả quan hơn
Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp năm nay có sự thay đổi theo hướng khả quan hơn

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước cũng đang áp dụng các giải pháp về hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại và đưa ra thông điệp với nền kinh tế là tín dụng trong năm 2024 tăng khoảng 15% và có thể tăng hơn nếu nhu cầu nền kinh tế vẫn cần và chỉ số về kinh tế vĩ mô ủng hộ.

Đến thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây là một vấn đề quan trọng vì là chỉ tiêu vĩ mô rất phức tạp và yêu cầu điều hành phải hợp lý vì còn quan hệ với các chính sách khác, nhất là chính sách tỷ giá.

Theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành trên tinh thần giảm lãi suất, song phải phù hợp đối với tình hình kinh tế vĩ mô và vẫn kiểm soát được tỷ lệ lạm phát vì nguy cơ sức ép lạm phát vẫn còn khá lớn. Do đó, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện nay và thời gian tới chưa đặt vấn đề điều chỉnh giảm hay tăng, mà cần tiếp tục giữ mức lãi suất như hiện nay, song vẫn khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại duy trì việc cắt giảm những chi phí của mình để có thể giảm được mức lãi suất cho vay./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024