Kỳ vọng mùa du lịch quốc tế cuối năm
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động du lịch và công tác phục vụ khách du lịch ở các địa phương đều tốt, không có các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Thông qua kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 cho thấy, du lịch nội địa đã phục hồi, là đòn bẩy cho du lịch quốc tế. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch lễ hội cuối năm và mùa đón khách inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam).
Chương trình “Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nhằm thu hút du khách dịp nghỉ lễ 2/9. |
Trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1 - 4/9), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch (giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2022); công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú đạt 55%, riêng 2 ngày 1/9 và 2/9, công suất đạt trên 60%. Lượng khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound của Việt Nam từ tháng 10 sắp tới. Nhiều địa phương đón được lượng khách quốc tế lớn như Đà Nẵng ước đón 78.900 lượt; Hà Nội ước đón hơn 41.700 lượt (tăng 83,6% so với cùng kỳ); TP.HCM ước đón 37.600 lượt (tăng 15% so với cùng kỳ); Khánh Hòa ước đón 23.450 lượt (tăng 363,34% so với cùng kỳ)…
Trong dịp nghỉ lễ, khách Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài cũng tăng lên, chủ yếu chọn điểm đến ở các tuyến Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)... Các tuyến Đông Nam Á phổ thông như Thái Lan, Singapore, Malaysia... chiếm ưu thế về giá và điểm đến đổi mới liên tục. Các tuyến châu Âu, Mỹ… tiếp tục tăng khoảng 10 - 15% so với mùa hè vì đã bắt đầu vào mùa đẹp nhất trong năm: Mùa thu và mùa lễ hội cuối năm.
Trong nước, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn, chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách. Khách du lịch phía Nam đã quan tâm, chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm tour ngắn ngày, trải nghiệm mùa lúa chín, trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao tại các điểm đến ở khu vực Đông - Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Mộc Châu…
Các sản phẩm du lịch văn hoá tại một số điểm di tích như: Tại cao nguyên (Măng Đen, Kon Tum), dọc di sản miền trung (Huế - Hội An) cũng đã và đang ghi nhận tín hiệu tích cực, thu hút được chủ yếu đối tượng khách du lịch gia đình, nhóm nhỏ. Nhiều sản phẩm dành cho du khách đi du lịch trong ngày hoặc gần nơi ở cũng được danh nghiệp triển khai và du khách quan tâm lựa chọn như chùm tour “Biệt động Sài Gòn - Thành uỷ - UBND TP.HCM”, “Sài Gòn rong ca chiều thứ 7”, tour “du thuyền từ Bà Rịa - Vũng Tàu sang cảng Sài Gòn và ngược lại” (TP.HCM); tour Giải mã Hoàng Thành Thăng Long, tour Đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour trải nghiệm làng cổ Bát Tràng (Hà Nội)…
Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tặng hơn 20 nghìn suất quà cho du khách đến thăm, viếng Lăng Bác dịp lễ 2/9. |
Hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, khởi sắc, các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không hoạt động khá hiệu quả. Trong 4 ngày nghỉ lễ, Vietravel ước phục vụ khoảng 45.000 lượt khách đăng ký tour và gói dịch vụ du lịch, đạt hơn 90% kế hoạch dịp nghỉ lễ; Saigontourist cũng đã bán gần 90% kế hoạch số tour lễ năm nay với các ngày khởi hành từ 29/8 đến 3/9. Trong 4 ngày nghỉ lễ, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines cung ứng tổng hơn 5.300 chuyến bay với tổng số ghế phục vụ là 1,06 triệu ghế. Ngành đường sắt cũng đã tăng cường thêm 30 đoàn tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới... dịp Quốc khánh 2/9 để phục vụ người dân và du khách.
Nhìn chung, chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh/thành phố đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước; một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá, chủ yếu tập trung vào ngày mùng 1 và mùng 2. Trong 4 ngày nghỉ lễ, TP.HCM ước đón và phục vụ 960.000 lượt khách (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022. Thủ đô Hà Nội ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách (tăng 51% so với cùng kỳ 2022), tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022).
Khánh Hoà ước đón và phục vụ 503.154 lượt khách (tăng 141%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 662,121 tỷ đồng (tăng 114,91%). Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 502.865 lượt khách (tăng 28,26%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 275,722 tỷ đồng. Thanh Hoá ước đón và phục vụ 328.000 lượt khách (tăng 26,6%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 663 tỷ đồng (tăng 30%). Quảng Ninh ước đón và phục vụ 318.000 lượt khách (đạt 150%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 665 tỷ đồng (đạt 134%). Đà Nẵng ước đón và phục vụ khoảng 254.000 lượt khách (tăng 6,3%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng.
Kiên Giang ước đón và phục vụ 126.690 lượt khách (giảm 32,9%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 153 tỷ đồng. Lâm Đồng ước đón và phục vụ 120.000 lượt khách (tăng 29,4%). Bình Thuận ước đón và phục vụ 116.000 lượt khách (tăng 26%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 290 tỷ đồng. Ninh Bình ước đón 222.705 lượt khách (tăng 47,5%)./.