ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 02h06 26/07/2020

Lao động di cư gặp nhiều rào cản trong chăm sóc sức khỏe

(KDPT) – Lao động Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số và có hơn 7% dân số di cư nội địa. Bản thân người di cư phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ an sinh xã hội, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe-ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng dân số hơn 7 tỷ người. Tại Việt Nam, với 96,2 triệu người. Số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số và di cư nội địa trong 5 năm qua (theo Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê là hơn 7% dân số). Dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.

Lao động di cư phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ an sinh xã hội, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Vân Hà

Ông Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh, chúng ta đã và đang chứng kiến một thực tiễn hiện nay là đại dịch Covid-19 đang càn quét trên hành tinh của chúng ta. Việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế đã làm gia tăng tình trạng lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia và trên toàn cầu. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương, đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe và những việc này cũng tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế đã trình bày kết quả nghiên cứu về một số vấn đề sức khỏe, tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc khỏe của người di cư ở Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu được tiến hành tại Hà Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội, Kon Tum, TP HCM; mô tả một số vấn đề sức khỏe của người di cư; phân tích những rào cản trong tìm kiếm dịch vụ y tế người di cư gặp phải trong quá trình di chuyển và trong thời gian sinh sống tại điểm đến; những thách thức mà cơ quan chức năng gặp phải trong quá trình triển khai luật, chính sách và chương trình liên quan tới chăm sóc sức khỏe cho người di cư.

Những lao động di cư gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, an ninh… và riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe họ có nguy cơ lây nhiễm HIV, sốt rét, sốt xuất huyết, lao, trầm cảm… hút thuốc lá, nghiện bia rượu. Rào cản trong thủ tục tham gia, chuyển tuyến BHYT không có thẻ BHYT do không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú.

Hoặc với người có thẻ BHYT nhưng nghĩ không sử dụng được tại nơi di cư đến do mua BHYT ban đầu tại nơi ở cũ. Nhiều người di cư vẫn lựa chọn quay về quê hương để khám chữa bệnh. Điều này với lao động di cư ra nước ngoài mỗi khi gặp vấn đề sức khỏe bắt buộc cần đến cơ sở y tế, họ sẽ đứng trước lựa chọn chữa trị ở nước bạn hay quay về Việt Nam và khoảng cách đi lại là một vấn đề…

Ngoài ra, nhóm di cư tự do xuyên biên giới, thường không có giấy tờ và không được hưởng quyền lợi xã hội. Rủi ro cho nhóm đối tượng di cư tự do không giấy tờ lớn hơn rất nhiều so với nhóm đối tượng di cư chính thức. Đồng thời, cha mẹ không có giấy tờ thì trẻ không có giấy khai sinh, không có quốc tịch. Các em không thể tiếp cận được với những quyền lợi mà đáng ra các em được hưởng.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất thành lập một nhóm hoặc ủy ban làm việc liên bộ ở cấp quốc gia, để quản lý các vấn đề sức khỏe liên quan đến người di cư và phối hợp với các cơ quan chính phủ có liên quan để thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp với người di cư trong giai đoạn sắp tới; xây dựng khung kế hoạch liên quan đến tăng cường sức khỏe người di cư.

Phát triển các kênh truyền thông liên bộ hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức về việc chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành tham gia vào vấn đề di cư…

Bộ Y tế cần tăng cường quản lý sức khỏe người di cư thông qua tăng cường vai trò cơ quan đầu mối (Vụ, Cục), tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ Y tế, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đến di cư. Phát triển hệ thống kiểm dịch hiệu quả hơn để xác định người di cư mắc bệnh truyền nhiễm để chữa trị và kiểm soát kịp thời; thiết lập một cơ chế phối hợp để thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế của người di cư, qua đó xác định phương án tối ưu để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người di cư…

VÂN HÀ

Bạn đang đọc bài viết Lao động di cư gặp nhiều rào cản trong chăm sóc sức khỏe
tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.vn/lao-dong-di-cu-gap-nhieu-rao-can-trong-cham-soc-suc-khoe-202594.html

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024