Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết do Việt Nam soạn thảo, đề xuất
Khóa 50 HĐNQ diễn ra từ ngày 13/6-08/7/2022 theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bao gồm 9 phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền LHQ; 8 phiên thảo luận chuyên đề về các chủ đề; và 27 phiên đối thoại với các Thủ tục đặc biệt; 01 phiên thảo luận khẩn cấp về tình hình nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan. Tại Khóa họp, HĐNQ cũng đã xem xét, thảo luận 76 báo cáo chuyên đề; xem xét thông qua báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 13 nước; tiến hành bổ nhiệm nhân sự cho 8 thủ tục đặc biệt. Quyền của phụ nữ là ưu tiên lớn nhất tại khóa họp này, với hầu hết các phiên thảo luận chuyên đề đều có chủ đề liên quan đến quyền của phụ nữ.
Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu, đã tích cực tham dự khóa 50, trong đó cùng với Bangladesh và Philippines đồng tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh BĐKH. Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia của đông đảo các quốc gia và tổ chức quốc tế như Quỹ dân số LHQ và một số tổ chức phi Chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Các diễn giả và đại biểu các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, đều nhấn mạnh BĐKH tạo ra cùng lúc khủng hoảng về môi trường sống và về công bằng xã hội, trong đó những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các cộng đồng ở nông thôn, dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người di cư, người khuyết tật… tiếp tục gánh chịu những tác động tiêu cực nhất về quyền con người do BĐKH gây ra; kêu gọi các nước bảo đảm sự tham gia của các cộng đồng, tổ chức đại diện các nhóm dễ bị tổn thương trong xây dựng biện pháp, chính sách về ứng phó với BĐKH.
Với nỗ lực đề xuất, soạn thảo nội dung và vận động của Phái đoàn Việt Nam cùng các Phái đoàn Bangladesh và Philippines tại Geneva, ngày 7/7, HĐNQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết năm 2022 về BĐKH và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và BĐKH, với đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.
Đây là Nghị quyết được Việt Nam giới thiệu hằng năm về BĐKH và quyền con người, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh BĐKH. Sự tham gia tích cực trong nhóm nòng cốt xây dựng và giới thiệu Nghị quyết này của HĐNQ phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như trong ứng phó BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt nhân dịp khóa họp này của HĐNQ, Việt Nam đã tổ chức “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong Đa dạng” tại trụ sở LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, khai mạc ngày 28/7 đúng vào ngày Gia đình Việt Nam.
Tham dự Triển lãm có nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tại Geneva. Thông qua Triển lãm diễn ra từ ngày 28/6-8/7, bạn bè quốc tế hiểu thêm về cuộc sống hòa hợp của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam, với những nét đẹp văn hóa, di sản, tập tục thể hiện sự tự do về tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Việt Nam, cũng như nỗ lực, thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Cũng qua Triển lãm này, bạn bè quốc tế hiểu rõ thêm, chính nhờ truyền thống và thành tựu tốt đẹp này mà cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết vượt qua những thách thức to lớn trong lịch sử cũng như hiện nay và đang cùng nhau xây dựng nước Việt Nam ngày càng phát triển, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại 18 phiên họp như các phiên thảo luận về bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh BĐKH, quản trị tốt trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong và sau đại dịch COVID-19, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm thúc đẩy bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ, quyền sức khỏe, quyền giáo dục…
Tại các phát biểu, đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân, trong đó đặt người dân vào trung tâm của các biện pháp và chính sách của Chính phủ trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19; kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 để quá trình này xanh hơn và bền vững hơn; nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đa đạng về xã hội, văn hóa, lịch sử và chủ quyền quốc gia trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời kêu gọi Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ và các cơ chế nhân quyền LHQ hoạt động một cách công bằng và khách quan trên cơ sở các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.
Cùng với các nước ASEAN, Đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; BĐKH và quyền con người; quản trị tốt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong và sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Đoàn Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các Đoàn đại diện của các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, góp phần cùng các nước bảo đảm hoạt động của HĐNQ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại khóa họp 50 của HĐNQ cùng với Triển lãm nêu trên cũng như việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc (1977-2022)./.
PV