ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 00h42 01/09/2018

Lộ trình cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh: Cần chủ động hơn

(KDPT) – Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành phải rà xét và xây dựng phương án, nghị định cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ trước ngày 15/8/2018. Như vậy là sớm hơn so với hạn định là ngày 30/10 theo yêu cầu đề ra tại Nghị định 01/2018/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đánh giá của chuyên gia, các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay còn bất hợp lý, làm hạn chế gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu.

Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01-01-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã đặt ra yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện khoảng 4.284. Tính đến đầu của quý II/2018, nhiều bộ, ngành đã công bố cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Cụ thể, Bộ Y tế sẽ cắt giảm 1.151 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 68,51%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm 131 điều kiện kinh doanh, đạt trên 76%. Bộ Giao thông vận tải công bố cắt giảm 384 điều kiện kinh doanh, tương đương 67%…. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh…

Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với các Bộ quản lý chuyên ngành, đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra đối với danh mục hàng hóa chồng chéo, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, cơ quan, đơn vị thuộc một bộ, bảo đảm nguyên tắc một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành và do 1 bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Đây được coi là một nét nổi bật, động thái tích cực của các bộ ngành trong thời gian vừa qua, thể hiện tín hiệu rõ nét về sự chuyển động của các bộ, ngành trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và là nỗ lực lớn thể hiện bước đi công khai, dân chủ của các bộ ngành.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực của việc cắt giảm thủ tục hành chính thì những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành; quản lý chồng chéo, không theo nguyên tắc; chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn;…gây nhiều trở ngại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chiến dịch” cắt giảm điều kiện kinh doanh đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Ảnh minh họa.

Do vậy, để đạt được hiệu quả cao thì việc cắt giảm các thủ tục cần hướng đến thực chất, làm sao cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng những điều kiện thuận lợi nhất. Do đó quá trình này cũng cần các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng tham gia, góp ý vào chương trình rà soát, ban hành văn bản và cắt giảm. Đồng thời rà soát toàn bộ các quy định về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong các Luật có liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định, Thông tư, Quyết định) về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư, kinh doanh; đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những quy định chồng chéo, không đồng bộ, không hợp lý…nhằm bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, trong từng bộ ngành cụ thể, việc chủ trì chương trình cắt giảm cần giao cho những đơn vị độc lập, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước hay cấp phép để đảm bảo tính khách quan và bền vững.

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo lộ trình cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện cất cánh vươn lên phát triển. Tuy nhiên đứng trước những cơ hội lớn thì vấn đề kiểm soát việc cắt giảm trên như thế nào để đảm bảo minh bạch, khách quan vẫn là một thách thức lớn đối với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.

ANH BẰNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024