ISSN-2815-5823

Lợi nhuận sau kiểm toán của nhiều nhà băng giảm mạnh

(KDPT) - Không ít ngân hàng gây bất ngờ khi công bố báo cáo kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó.

 Nhiều ngân hàng không thể về đích

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm qua và không thể hoàn thành kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông giao phó.

Điển hình như tại ABBank, kết thúc năm 2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, giảm hơn 69% so với năm 2022 và chỉ hoàn thành 18,2% kế hoạch lợi nhuận của cả năm (2.826 tỷ đồng).

Qua phân tích, kết quả kinh doanh năm 2023 của ngân hàng không đạt so với kế hoạch đề ra do công tác lập kế hoạch chưa sát thực tế; phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao; đồng thời, trong năm qua, ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại mô hình bán hàng, xử lý các vấn đề tồn tại và tập trung làm sạch danh mục cho vay.

Tại BVBank, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 đạt chưa tới 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2022. Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh, BVBank cho biết năm 2023 đã liên tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn. Mặc dù thu nhập lãi năm 2023 tăng 25% so với cùng kỳ nhưng do chi phí vốn đầu vào tăng cao bởi tác động của những biến động thị trường từ tháng 10/2022 khiến chi phí lãi năm 2023 tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước.



Ngoài ra, biến động của tỷ giá làm lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 48% so với năm 2022. Chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước đó chủ yếu do đầu tư vào phát triển mạng lưới, gia tăng nhận diện thương hiệu và tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao cũng làm lợi nhuận của BVBank bị co hẹp so với cùng kỳ.

Với kết quả đạt được như trên, BVBank mới chỉ hoàn thành vỏn vẹn 14% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.

Một loạt các ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh và không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm qua như TPBank (giảm hơn 28% so với 2022, hoàn thành 64% kế hoạch) , Eximbank (giảm hơn 26% so với năm 2022, hoàn thành 54,4% kế hoạch)…

Lợi nhuận sau kiểm toán của nhiều nhà băng giảm mạnh - ảnh 1

 Ảnh minh họa

Lợi nhuận tiếp tục đi xuống sau kiểm toán

Kinh doanh đi xuống, tình hình “sức khỏe” của các nhà băng còn được thể hiện rõ ràng hơn khi các thành viên lần lượt công bố báo cáo kiểm toán năm. Trong đó, không ít ngân hàng gây bất ngờ khi ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó.

Ngân hàng OCB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 3.303 tỷ đồng. So với báo cáo ngân hàng tự lập, lợi nhuận ngân hàng này đã giảm tới 875 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20,9%.

Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, ngân hàng OCB cho biết, nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 chuyển sang hạch toán trong năm 2024 và tăng chi phí dự phòng.

Đồng thời, ngân hàng cũng phân loại lại phần lớn giá trị khoản mục "tài sản gán nợ đang chờ xử lý" thuộc mục "tài sản có khác" sang khoản mục "các khoản nợ chờ xử lý khác đã có tài sản siết nợ, gán nợ". Việc phân loại này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được trích bổ sung tăng 44,4% (lên hơn 1.627 tỷ đồng).

Cụ thể, trên báo cáo tài chính năm 2023 sau kiểm toán, OCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động giảm 6,16% (tương ứng giảm hơn 587 tỷ đồng) từ 9.525 tỷ xuống còn hơn 8.938 tỷ đồng. Về chi tiết, thu nhập lãi thuần giảm 525 tỷ xuống còn 6.765 tỷ và lãi thuần từ hoạt động khác giảm gần 62 tỷ xuống còn 253 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng được điều chỉnh tăng 501 tỷ đồng từ 1.126 tỷ đồng lên 1.627 tỷ đồng.

Tương tự, một ngân hàng khác là VPBank cũng vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2023 với nhiều thay đổi trọng yếu trên báo cáo sau khi có ý kiến của kiểm toán.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VPBank bị điều chỉnh giảm 183 tỷ đồng (từ 10.987 tỷ đồng xuống còn 10.804 tỷ đồng), tương đương giảm 1,67%. Nguyên nhân chủ yếu là do trích lập dự phòng của ngân hàng đã bị tăng thêm 150 tỷ đồng.

VPBank cho biết, việc trích lập dự phòng được thực hiện trên cơ sở dư nợ tín dụng và phân loại nợ của khách hàng theo quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng của NHNN có hiệu lực tại thời điểm lập BCTC, trong đó đã bao gồm chi phí dự phòng trích lập bổ sung theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Như vậy, với kết quả này, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã giảm tới 49% so với kết quả đạt được trong năm 2022 và mới chỉ hoàn thành 45% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm (24.000 tỷ đồng).

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VPBank bị điều chỉnh giảm 132 tỷ so với báo cáo tự lập, xuống còn 817.567 tỷ đồng do tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng.

Về chất lượng cho vay, báo cáo sau kiểm toán cho thấy đến cuối năm 2023, VPBank đang có tổng số nợ xấu nội bảng là 28.428 tỷ đồng, tăng thêm 84 tỷ đồng so với báo cáo ngân hàng tự lập. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó bị kéo nhẹ lên mức 5,02%, so với mức 5,01% mà ngân hàng công bố trước đó. 

Tại VietABank, trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 917 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Số liệu thay đổi đến từ biến động trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, sau kiểm toán, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thêm 12 tỷ đồng, lên gần 687 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng bị giảm tương ứng.

Dự báo cho năm 2024, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ sáng sủa hơn nhờ điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn cùng môi trường lãi suất thấp sẽ cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản.

Cụ thể, trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, các chuyên gia phân tích tại Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho rằng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của ngành sẽ hồi phục nhờ biên lãi thuần (NIM) và tăng trưởng cho vay cải thiện, từ đó củng cố khả năng tạo vốn nội bộ.

Ngoài ra, nguồn vốn và thanh khoản vẫn sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024