ISSN-2815-5823

Mạnh tay với các dự án treo để giải phóng nguồn lực đất đai và tài chính

(KDPT) - Thông tin về các dự án chậm tiến độ tại các địa phương trên cả nước sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai sẽ được xử lý quyết liệt trong năm 2023 đang nhận được sự đồng tình từ dư luận. Nhất là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng các dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài là vấn đề nhức nhối kéo dài tại nhiều địa phương.

Theo giới chuyên gia, các dự án “đắp chiếu” kéo dài đã gây ra các hệ lụy nặng nề, như làm người dân trong vùng dự án chịu tác động tiêu cực, nhà nước thất thu ngân sách, gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong nhân dân mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về thu hút vốn đầu tư, trở thành rào cản và điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế của các địa phương, thậm chí là diện mạo đô thị trở nên nhếch nhác.

Không quá khó để tìm ra những dự án bị chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài nhiều năm ở các địa phương. Điều này gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân là gây lẵng phí nguồn lực cho Nhà nước, doanh nghiệp, địa phương.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang dự án. Trước tiên, phải kể đến việc vướng mắc pháp luật do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Nhiều dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch. Nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác. Một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng đưa ra một lý do về việc triển khai dự án bị chậm: “Sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, đặc biệt là vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình triển khai dự án”.

Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm về đất đai chậm do công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở còn nể nang, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm cũ. Do đó, dẫn đến tại một số nơi phát sinh vi phạm mới.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích, các dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc thiếu chính sách, trình tự cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư, chưa có hướng dẫn trường hợp nào thì đấu thầu, trường hợp được chọn chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng. Mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc từ MTTQ, HĐND giám sát, có kết luận rõ ràng đối với các dự án chậm triển khai nhưng việc thu hồi vẫn khó khăn, vì không có cơ chế, chính sách cụ thể để đền bù những hạng mục mà DN đã làm...

Theo đánh giá của HĐND TP. Hà Nội, nguyên nhân của việc chậm triển khai là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND TP Hà Nội chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích.

Liên quan tới vấn đề này, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo xử lý dứt điểm với tình trạng dự án treo, chậm tiến độ. Vào tháng 7/2022, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương rà soát, kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo".

Là một trong những địa phương có đến khoảng 700 dự án, tổng diện tích đất được cấp hơn 5.000ha chậm triển khai, lãnh đạo TP. Hà Nội đã và đang vào cuộc quyết liệt, kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; Kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ì, kéo dài và coi đây là việc làm thường xuyên, định kỳ hàng năm.

“Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai. Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân”, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thông tin 700 dự án chậm triển khai đã được nhắc đến từ năm 2022 và tiếp tục nhắc lại trong năm 2023. Tuy nhiên, danh sách 700 dự án và phương án cụ thể xử lý ra sao vẫn chưa được Hà Nội công khai minh bạch rõ ràng.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội quyết tâm xử lý các dự án chậm tiến độ nhưng đến nay, kết quả của sự quyết tâm đó cũng chỉ là những con số khiêm tốn, thậm chí các dự án chậm tiến độ lại ngày càng "phình" to hơn.

Không chỉ ở Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác, chính quyền cũng đang vào cuộc quyết liệt để xử lý các dự án bị chậm tiến độ.

Một số dự án bị chậm tiến độ tại TP. Hồ Chí Minh đã bị UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi như: khu công nghệ hạ tầng Saigon Silicon City trong Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), từ chối để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại 6,8 héc ta giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng)… cùng hàng loạt dự án treo lâu năm cũng bị thu hồi.

Hay tại tỉnh Khánh Hòa đang cho rà soát 111 dự án (trong đó trên địa bàn thành phố Nha Trang có 40 dự án) chậm tiến độ hoặc không triển khai để có hướng xử lý. Trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa được giao nhiệm vụ chủ trì cùng các sở, ngành liên quan rà soát các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai trong thời gian dài.

Hàng loạt địa phương khác như Lâm Đồng, Bình Dương,… trước đó cũng cho biết sẽ quyết xử lý triệt để các dự án “treo” hoặc chậm triển khai trong thời gian dài gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực xã hội và bức xúc trong dân…

Trước thực tế, một số địa phương đã thu hồi dự án, tuy nhiên, thông tin chưa được công khai minh bạch.

Đơn cử như 700 dự án trong danh sách bị thu hồi tại TP. Hà Nội chưa được công khai. Vì thế, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng để tăng cường hiệu quả cho việc xử lý, thành phố Hà Nội cần công khai thông tin của 700 dự án chậm triển khai, từ lịch sử pháp lý đến tiến độ trên thực địa. Điều này vừa tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp có dự án chậm tiến độ, vừa giúp công chúng có thể tham gia vào quá trình giám sát, đẩy nhanh tiến trình giải quyết.

Đồng quan điểm, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, việc thu hồi đất dự án chậm tiến độ quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết. Nhưng chỉ có quyết tâm thôi là không đủ mà Hà Nội cần phải có những đột phá về thể chế, về cách thức làm công khai, minh bạch.

Cụ thể, Hà Nội cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ lập, thẩm định đến phân cấp trong hệ thống chính quyền địa phương, thanh tra xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất.

Trong việc khai thác nguồn lực đất đai, doanh nghiệp giữ vai trò rất lớn. Do đó, theo chuyên gia, các doanh nghiệp cũng cần tự "nâng tầm" cả về quy mô và nội lực với tinh thần làm thật, phát triển dự án bằng năng lực của chính mình, xóa bỏ tư duy lợi dụng kẽ hở của cơ chế, lợi ích nhóm để trục lợi.

Cuối cùng, trong lần sửa Luật Đất đai tới đây cần quy định rõ ràng về công tác thu hồi dự án chậm tiến độ. Chỉ khi có quy định rõ ràng các địa phương mới dễ thực hiện nhằm loại bỏ được tình trạng cấu kết, lợi ích nhóm trong việc để cho các dự án "đắp chiếu" tồn tại như hiện nay.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024