ISSN-2815-5823
Thứ năm, 09h40 15/10/2020

Miền Trung gánh cả hai đầu nước non

(KDPT) – “Hết thời này sang thời khác, những con người bị phát vãng và lưu đày biệt xứ đã góp một phần nhỏ dân cư, để tạo lập nên những khóm nhà thưa thớt đầu tiên bám vào các cửa sông cửa lạch. Rồi thôn ổ cứ đông đúc mãi lên…”. Trong Mảnh đất tình yêu của Nguyễn Minh Châu, đất và người miền Trung được hình thành như thế.

“Nôm na, ở một khía cạnh nào đó, tôi chỉ là kẻ lai vãng, năng nhặt chuyện đó đây, rồi gom lại, mỗi thứ một tí, từ người đến cảnh”. Ấy là lời bạt, tôi viết cho loạt ký Duyên hải – Dọc đường gió bụi. Chuyện đầu tiên – mẹ Thứ, tôi viết ngày mẹ vẫn còn, giờ mẹ đã “về với non sông” sau 106 năm cống hiến và hy sinh. Mẹ thoát thai từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng, rồi hóa thân vào đất. Tôi, cũng như triệu triệu trái tim trên dải đất hình chữ S, từng đứng trước tượng đài kiêu hãnh Mẹ Việt Nam Anh hùng của nhà điêu khắc – họa sĩ Đinh Gia Thắng. Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ. Chỉ tiếc, người mẹ 11 lần “khóc thầm lặng lẽ” ấy không còn được thấy bức tượng mang dáng vóc chiến công chính mẹ đã tạc nên. Ngày mẹ khuất núi, trung tuần tháng 12 của hơn chín năm về trước, dải Bắc Trung Bộ vừa sau bão lũ lê thê, mảnh xóm Rừng nhỏ bé bên dòng Thu Bồn – nơi mẹ sinh ra, nắng vẫn đốt vàng ươm, nghẹt người và đẫm lệ.

Không phải ngẫu nhiên tôi mở đầu chuyện mẹ Thứ ở xóm Rừng để kể về đất và người miền Trung. Một vòng cung xanh/Từ nam Bình Thuận đến bắc Nghệ An/Dựa lưng Trường Sơn nhìn ra Biển Đông ấy, đâu thiếu “địa linh nhân kiệt”. Hơn một thế kỷ đời mẹ Thứ đi qua, là bức tranh mà mỗi con người miền trung đều có phần ở đó. Với tôi, bức tranh ấy có cả sự thăng trầm, bi hùng của xã hội Trung Kỳ thời quá độ. Bao cuộc đời cần lao trong hành trình tồn sinh găm mình nơi những thửa ruộng bạc màu, những chái đồi khô cằn lấp ló nếp nhà tranh, heo hút khói lam chiều, những tấm lưng trần đen xạm lầm lũi lê bước ven triền đê trong hoàng hôn ối đỏ. Họ vẫn vươn dậy, mãnh liệt sống, dẫu rằng, ngàn đời xứ sở này vẫn đầy nắng, đầy cát và thừa gió!

Chiều trên Phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế).

Ngày mẹ Thứ thôi khóc, là ngày cả dải duyên hải trào nước mắt, nước mắt về sự chia ly, với mẹ, với bao kiếp người vĩnh viễn lưu đày trong lũ. Có cô sinh viên quê Quảng Nam ra Huế học, viết thư cho ba đi lao động nước ngoài, rằng: “Giờ chắc ba đang bốc hàng ngoài cảng, không biết khi nào mới về quê thăm mẹ và con. Giờ này, mẹ chắc đi đưa đám cụ Thứ ba ạ, cụ Thứ mất, cả nước đến viếng. Con vẫn ở trường, tháng 10 lũ về, từ Hà Tĩnh đến Huế mênh mông nước. Chúng con lập đội tình nguyện đi giúp bà con tránh lũ. Của cải thì không có sức để cứu, chỉ cứu người, người chết liên miên, nhưng chắc không bằng hồi năm 1999 ba kể cho con nghe. Lũ chồng lũ! Trẻ con người già gom hết trong chùa trên núi, không có cái ăn, chỉ ngồi nhìn nhau. Con cũng muốn hỏi thăm gia đình, nhưng ở nhà không có điện thoại…”. Miền trung là thế, thời xưa thế, thời nay cũng thế!

Âu thế, mà dù khốn dù khó, xứ Đàng Trong vẫn sản sinh ra nhiều “nhân kiệt”!

*
* *

Sẽ có người bảo, viết về miền trung sao không nói đến các danh nhân văn hóa, những lãnh tụ, chí sĩ yêu nước, hay đặc sản vùng miền, xong, điều ấy, những điều đã biết. Có những chuyện ít biết, hoặc biết mà ít nhắc thì cần “khơi khơi”, để bàn để ngẫm. Bận trước lên Tây Nguyên, có cô bé hỏi tôi, sao các con sông ở miền trung ngắn và dốc thế, tôi trả lời, em cứ nhìn bản đồ rồi đi thực tế sẽ thấy, các con sông ấy muốn không dốc và dài ra cũng chẳng được. Thế là chuyện sông biển, chuyện núi rừng, lan man. Không ai có thể thống kê được, dọc đường duyên hải có bao nhiêu sông ngòi, kênh rạch, bao nhiêu núi đồi, rừng rú. Chỉ biết, đó là vùng bề ngang hẹp nhất nước, nhưng mật độ sông biển, rừng núi nhiều nhất nước. Vậy là nghịch lý! Năm nào cũng lụt và năm nào cũng hạn hán. Thừa và thiếu, cùng một thứ. Vì sao? Một tháng trước, tôi về Tam Lãnh, thấy hồ Phú Ninh ngăn ngắt xanh, nghe bảo, hồ này cung cấp nước cho gần chục huyện hạ du Quảng Nam, vậy nhưng, ở cái làng nằm sát ngay hồ thì năm nào cũng… khát. Nguyên nhân đơn giản lắm, do địa thế làng nằm cao hơn hồ, nên không xả nước được, vậy phải có hệ thống thủy lợi… bơm ngược, nên cần kinh phí, cần quyết sách. Rốt cuộc, cái làng đó khát vẫn hoàn khát. Ấy là chuyện… trách nhiệm!

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Đình Đàn, có bận họp, nói: “Thiên nhiên vốn là bầu bạn, là môi trường sống của con người, nhưng để làm ra của cải, để sống và tồn tại, con người đã phá hủy quy luật cân bằng vững chãi của thiên nhiên”. Ấy lại là “nhân tai”!

Dẫu sao, hãy công bằng mà phán! Xưa, cái thời chưa có thủy điện, chưa có phạm trù biến đổi khí hậu, con người chưa cần phải phá rừng, thì lũ vẫn về. Có cường độ, có định kỳ. Ấy là thiên tai!

Thế ra, đất và người miền Trung giờ đang phải ghánh cả hai thứ “thiên tai” và “nhân tai” (!?)

*
* *

Với tôi, những dòng sông đã làm nên tâm hồn, tính cách của người duyên hải. Nhẹ nhàng mà phóng khoáng. Như cơ man cuộc đời, như liêu xiêu làng mạc, cứ đằng đẵng tựa lưng vào dãy Trường Sơn ngàn năm mây trắng, vẫn đi hết hành trình bất biến và bất tận. Lòng cứ mở toang ra trước biển/Núi dựa lưng trăm nổi ghồ ghề/Nên giọng nói không lẫn vào đâu được/Dẫu muôn phương không quên một lối về. Chẳng thể cắt nghĩa nổi, dù qua bao đau thương tang tóc, dù lận đận đói nghèo, dù cất công xây dựng hùng cường lại sụp đổ tàn hoang, dù trăm bề bất cập, nhưng miền Trung vẫn gồng mình đứng lên, lần sau mạnh hơn lần trước, đời nọ nối tiếp đời kia. Kinh tế ngày một vững bền, văn minh được phổ cập từ đô thành đến những làng chài nhỏ bé khơi xa.

Nhìn lại hai thập niên qua, có lúc, các nhà quản lý, nhà khoa học từng tranh luận gay gắt “con gà có trước hay quả trứng có trước” để phát triển miền Trung. Nhưng, thực tế chứng minh, con người miền Trung đã biết dựa vào vị trí đắc địa để trỗi dậy sức sống tiềm tàng. Và hai mươi lăm năm sau, kể từ khi dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất ra đời đã đặt nền móng cho sự hình thành trục kinh tế phát triển đô thị – công nghiệp – thương mại – du lịch – dịch vụ dọc duyên hải từ Chân Mây – Liên Chiểu – Chu Lai – Dung Quất đến Nhơn Hội. Đây là cửa ngõ lớn liên thông hành lang Đông-Tây, đưa Việt Nam hội nhập các nước tiểu vùng sông Mê Kông và châu Á – Thái Bình Dương.
Mới hay, “nhân” có “kiệt” thì “địa” mới “linh”!

*
* *

Chưa khi nào tôi đi “xem” miền Trung với lịch trình con thoi đến vậy, chưa đầy hai tuần lễ, từ Quảng Bình vào đến Phú Yên. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một nhà nghiên cứu các dân tộc thiểu số Việt Nam ở Pháp bảo, vùng đất Phú Yên thuộc tiểu quốc Aryaru của vương quốc Chămpa, sau này vua Lê Thánh Tôn gọi là Hoa Anh. Tuy nhiên, tôi chỉ chăm chú đến địa danh Rarang – biến âm thành Đà Rằng, là con sông lớn, lớn nhất của vương quốc Chămpa cổ và cũng lớn nhất miền Trung. Rarang nối biển xanh với thượng nguồn, là gạch nối giữa đồng bằng và châu Thượng Nguyên. Bởi thế, trong năm cây cầu tạo nên sự hoàn chỉnh của tuyến giao thông quốc lộ 1A qua huyết mạch duyên hải, Phú Yên có đến hai cầu, Đà Rằng và Tam Giang.

Nói đến cầu, đó là sự mơ ước của người miền Trung. Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án “Đầu tư cải tạo xây dựng mới thay thế cầu yếu trên các tuyến quốc lộ”, trong đó, vùng duyên hải có đến hơn 100 cầu. Con số ấy đáng để những dòng sông năm nào cũng gánh lũ phải trăn trở, có sông thì nên có cầu !? Có cầu, có lẽ mỗi mùa lũ về, thiệt hại chắc vơi hơn.

Đời sông vốn dài hơn đời người, ấy là quy luật, nhưng ngày nay, con người đã chứng kiến nhiều dòng sông đang chết dần. Chiều ni, trên dòng Kiến Giang (Lệ Thủy), tôi nghe được cô gái chèo đò xa xa đưa đẩy mấy ca từ: Có con thuyền trong sương trắng/Bồng bềnh như một cách chim/Có em chèo thuyền áo trắng/Xôn xao như trốn như tìm/Có vầng mặt trời rực sáng/Bồi hồi như một trái tim. Cảnh ấy, người ấy chỉ còn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thôi. Có anh chàng giọng trầm nặng, ngồm ngộp gió biển, cả đời ăn mắm ruốc bảo với tôi thế!

Tùy bút của
TRẦN ÁNH NGUYÊN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024