ISSN-2815-5823
Thứ ba, 03h59 25/08/2020

Mít Thái có nguy cơ hết thời “hoàng kim”

(KDPT) – Mít Thái vốn được đánh giá là loại cây nông nghiệp trẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, sau giai đoạn mít Thái được ưa chuộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giá mít tăng cao lên đến gần 70.000 đồng/kg, mang lại thu nhập “khủng” cho các vườn trồng. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ giảm, cùng với thói quen sản xuất ồ ạt theo lợi nhuận, đã làm giá mít Thái đang lao dốc khi chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Thời “hoàng kim” của cây mít Thái

Khoảng 3 năm trở lại đây, mít Thái là loại cây trồng có diện tích tăng nhanh nhất tại ĐBSCL. Từ vài ngàn ha đến nay diện tích đã trên 50.000 ha, tập trung tại các tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Theo thông tin từ nhiều nhà vườn, so với các loại cây trồng khác thì loại trái cây này đem về lợi nhuận “siêu khủng”, do ít tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không mất tiền thuê nhân công lúc thu hoạch, thương lái tự ra vườn lựa chọn mít để hái.

Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang mở rộng diện tích trồng mít Thái.

Với lợi thế giá bán cao, trồng “nhanh ăn”, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần giá mít duy trì ổn định trên 20.000 đồng/kg là người trồng mít đã có lời. Bình quân một trái mít nặng từ 10-15kg, với giá bán này nông dân thu lợi từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/trái. Có lúc giá cao lên trên 70.000 đồng/kg, mỗi trái mít giá bán cho thương lái lên tới 1 triệu đồng và chỉ cần vụ trái đầu tiên thì nông dân đã có lời. Với mức giá này, mỗi công đất trồng mít Thái nông dân có thể thu được trên 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với nhiều loại cây ăn trái khác. Nếu so với lúa, nông dân cho rằng khoảng cách thu nhập là “một trời, một vực” nên bỏ lúa chuyển lên trồng mít Thái.

Có thể nói, hiệu quả kinh tế mà mít Thái đem lại so với các loại cây nông nghiệp khác là vô cùng cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, với thói quen chỉ tập trung vào lợi nhuận cao trước mắt, nhiều nhà vườn đã đổ xô nhau chặt phá các loại cây nông nghiệp khác, trồng ồ ạt với diện tích lớn như hiện nay làm cho tình trạng được mùa, rớt giá xảy ra là không tránh khỏi.

Giá mít Thái bắt đầu lao dốc mạnh

Thông tin thị trường giá cả số 29/2020 của Ủy ban Dân tộc, qua khảo sát sơ bộ, tính đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 ha mít Thái, nhiều nhất vùng ĐBSCL, tập trung nhiều ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Dù thuộc vùng ngập lũ nhưng nhiều xã tại huyện Cái Bè có 100% đất ruộng được chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây mít Thái. Thời gian qua, có thời điểm khan hàng, giá mít lên đến trên 40.000 đồng/kg, nhưng lúc dội hàng, mít giảm giá chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Vậy nên, thu nhập của bà con không ổn định, đời sống còn bấp bênh.

Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, sau hạn mặn vừa qua, nhà vườn đổ xô trồng hàng trăm ha mít thay cho cây sầu riêng, chôm chôm, bưởi… đã bị chết hay giảm năng suất. Chính quyền địa phương đang lo ngại diện tích cây mít tăng đột biến, trong khi đó, thị trường bấp bênh, đầu ra không ổn định. Địa phương cũng khuyến cáo bà con không đổ xô trồng mít mà nên chọn trồng các loại cây nào đảm bảo yếu tố thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, giá mít Thái tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ và các tỉnh khác đang giảm giá sâu, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Giá mít loại 1 (trọng lượng từ 12kg/trái trở lên) với giá 15.000 đồng/kg, mít loại 2 chỉ còn 6.000 đồng/kg, thậm chỉ chỉ 3.000 đồng/kg đối với mít loại 3. Với giá này đã khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Tiến, ngụ tại xã Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Mới tuần trước, giá mít loại 1 vẫn còn 15.000 đồng/kg, nhưng tuần này chỉ còn 8.0000 đồng/kg. Mít loại 2 chỉ còn 6.000 đồng/kg, mít loại 3 thương lái chỉ thu vào 3.0000 đồng/kg. So với tháng trước, mít đã giảm gần 20.000 đồng/kg”.

Bà Đồng Thị Bê, chủ nhà vườn trồng cây mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ, trước đây 2 tháng giá mít trái khoảng 40.000 đồng/kg, nay loại 1 chỉ còn 6.000 đồng/kg. Dù biết cây mít không bền vững nhưng nhà vườn đã trồng nên phải chăm sóc và hy vọng giá sẽ tăng trở lại.

Lý giải cho việc giá mít Thái giảm sâu, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lượng tiêu thụ mít trên thị trường giảm. Ngoài ra, do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tự phát, chưa có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nên tình trạng giá giảm vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, một số địa phương không quy hoạch vùng trồng, chủ yếu nhà vườn trồng theo hình thức tự phát theo từng giai đoạn.

Giá mít Thái lao dốc không phanh, nhiều nhà vườn khốn khó tìm đầu ra giải cứu cho mít.

Từ những thực trạng trên, Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khuyến cáo, mặc dù mít Thái hiện đang phát triển mạnh tại ĐBSCL, vì đây là loại trái cây thuận lợi xuất khẩu, song, các tổ chức doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương cần phổ biến cho nông dân những yếu tố bất lợi. Trước hết, cây mít sống ở vùng có độ cao từ 400-1.200 m trong khi ĐBSCL không có lợi thế này. Vì vậy, cần thiết kế lại vườn cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Thứ hai, đây là một loại cây trồng có rất nhiều các loại dịch hại. Vì là một loại cây trồng mới nên các cơ quan nghiên cứu chưa nghiên cứu một cách đầy đủ, hoàn thiện quy trình phòng trừ dịch hại. Do đó, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi nắm bắt những thông tin về dịch hại để phòng trừ. Vấn đề thứ ba là cần quan tâm đến vấn đề thị trường. Hiện nay thị trường xuất khẩu cây mít chủ yếu là sang Trung Quốc, trong khi nước này đã có 180.000 ha mít. Nếu phát triển thêm nữa thì phải xem xét quốc gia nhập khẩu có thể tiếp nhận thêm không. Điều này, các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu và cung cấp thông tin, càng nhiều càng tốt, để nông dân có thêm tư liệu để tính toán đầu tư phù hợp.

Từ những khuyến cáo đã đưa ra, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương cần rà soát lại diện tích hiện có. Có định hướng cụ thể vùng sản xuất cây mít và có chính sách hỗ trợ cụ thể, tránh để nông dân phát triển nóng diện tích, sản xuất trên những vùng đất không phù hợp, có nguy cơ ngập úng trong mùa lũ, xâm nhập mặn trong mùa khô. Tăng cường công tác quản lý giống, quản lý tốt cây đầu dòng, vườn đầu dòng và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh tới người sản xuất, đặc biệt các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các loại hình trồng như trồng xen, trồng thuần trên đất lúa… Có chính sách hỗ trợ trong liên kết sản xuất theo hướng quản lý vùng trồng được bao tiêu và hợp đồng sản xuất.

MỸ HUYỀN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024