ISSN-2815-5823

Mở cửa du lịch nhưng phải kiểm soát được rủi ro

(KDPT) – Chúng ta cần thực hiện các biện pháp dự phòng đồng bộ, nên mạnh dạn mở cửa du lịch, không nên lo ngại lây từ bên ngoài nhưng phải kiểm soát được rủi ro vì dịch bệnh.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ, khuyến khích du lịch theo nhóm khép kín. Ảnh: BTC

Mạnh dạn mở cửa du lịch, không lo ngại nguồn lây từ bên ngoài

Đó là ý kiến của ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh: Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn, hiệu quả diễn ra sáng 11/3, tại Hà Nội.

Hiện nay, việc bảo đảm tuân thủ thống nhất các quy định phòng, chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Tuy nhiên, đối với yêu cầu bảo đảm an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế.

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó, 99,7% là trong nước, 0,3% là nhập cảnh. Do đó nên mạnh dạn mở cửa và không nên lo ngại lây từ nước ngoài. Tuy nhiên, cần cảnh giác khi có biến chủng mới xuất hiện.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng thời điểm hiện nay so với đợt dịch bùng phát tại TPHCM là hai thời điểm khác nhau. Số ca mắc hiện nay lớn nhưng không nhiều người mắc có triệu chứng nặng. Đội ngũ y tế đã có kinh nghiệm, năng lực sau khi trải qua hơn 2 năm chống dịch, mặt khác việc phân tầng điều trị được triển khai tốt, hệ thống y tế sẽ không quá tải.
Mở cửa du lịch đồng bộ, phòng dịch cũng phải đồng bộ

Về phòng dịch trong du lịch, ông Trần Đắc Phu cho biết công tác này sẽ phức tạp hơn vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (như ngoài trời, trong phòng kín…). Đối với 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, do nguy cơ dịch bệnh khác nhau, việc triển khai du lịch có thể không giống nhau…

Do đó, theo ông Trần Đắc Phu, cần áp dụng giải pháp phòng bệnh đặc thù cho từng hoạt động. Cần mở cửa du lịch đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ, khuyến khích du lịch theo nhóm khép kín, nới lỏng nhưng không buông lỏng.

Đối với công tác phòng chống dịch trong ngành du lịch, ông Trần Đắc Phu lưu ý, cần thống nhất lại nhận thức từ vấn đề khoa học và thực tiễn thì mới thích ứng linh hoạt, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong từng hoàn cảnh cụ thể. Thống nhất và linh hoạt không chỉ ở người đứng đầu mà cả những người điều hành tour, hướng dẫn viên, các điểm đến…

Ông Trần Đắc Phu cho rằng mặc dù còn có những ý kiến khác nhau về thực hiện 5K hiện nay, nhưng về dự phòng cá nhân thì 5K vẫn vô cùng cần thiết, cần vận dụng linh hoạt để bổ trợ cho nhau.

Theo ông Trần Đắc Phu, trong du lịch, 5K trong nhà khác, 5K ngoài trời khác… Việc đeo khẩu trang cần được thực hiện tối đa. Khử khuẩn là biện pháp quan trọng tại tất cả các điểm đến. Hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm. Khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu từ đó giúp xử lý gọn và triệt để.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, nếu không sẽ khó trong việc liên hệ giữa các đoàn, các địa phương. Mỗi người làm công tác du lịch và tham gia vào du lịch cũng cần phải có kiến thức tối thiểu để phòng bệnh.

Diệp Anh

Theo link gốc: https://baochinhphu.vn/mo-cua-du-lich-nhung-phai-kiem-soat-duoc-rui-ro-102220311154257781.htm



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024