ISSN-2815-5823

Môi trường là yếu tố quan trọng tới việc phát triển chiều cao của trẻ

(KDPT) - Sáng nay (18/9), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Giải pháp dinh dưỡng phát triển chiều cao học đường”.

Bài học từ cuộc cách mạng dĩnh dưỡng tại Nhật Bản

Từ một quốc gia mà người dân có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới, chỉ sau vài thập kỷ, người Nhật đã bước vào top đầu Châu Á về chiều cao.

Trẻ em trên toàn thế giới hầu hết đều có bữa ăn trưa tại trường. Tùy từng quốc gia mà người ta lại có chế độ ăn, giờ giấc, thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, thực đơn dinh dưỡng của trẻ em Nhật Bản lại được coi như một tiêu chuẩn mà nhiều nước nên học tập.

Vào những năm 1990 chiều cao trung bình của một nữ sinh lớp 6 ở Nhật đã cao hơn 16cm so với các bé gái có cùng độ tuổi cuối thập kỷ 1940, trong khoảng những năm từ 1900-1968 chiều cao trung bình của các bé trai Nhật (14 tuổi) đã tăng lên 12,57cm. Theo báo cáo của Bộ sức khỏe và phúc lợi Nhật Bản thì vào những năm 1960 trẻ em 14-15 tuổi đã cao hơn cả cha mẹ mình.

Thể thao là phương pháp đẩy mạnh chiều cao trong lứa tuổi thanh thiếu niên. (Ảnh minh họa)
Thể thao là phương pháp đẩy mạnh chiều cao trong lứa tuổi thanh thiếu niên. (Ảnh minh họa)

Chiều cao của người Nhật tăng lên đáng kinh ngạc sau mỗi 10 năm, còn tại nước ta chiều cao trung bình tăng không đáng kể so với các quốc gia khác. Từ “Nhật lùn” được dùng ở những năm 50 thế kỷ trước, giờ hầu như biến mất khi Nhật quyết tâm nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm trong 40 năm, đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ tuổi trưởng thành.

Theo đó, để cải thiện tình trạng thấp bé, nhẹ cân của người dân, chính phủ Nhật Bản đã kết hợp với các quỹ tư nhân, các công ty về chăm sóc sức khỏe tiến hành hàng trăm nghìn công trình nghiên cứu về thể trạng của người Nhật, các yếu tố về chiều cao, cân nặng, độ nhạy cảm với bệnh ung thư, kinh nguyệt phụ nữ, độ tuổi dậy thì… đề được đo đạc và tính toán một cách cẩn thận dể từ đó đưa ra một chiến lược phát triển chiều cao tổng thể cho toàn dân. Tiêu chuẩn dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh được thay đổi nhiều lần, với thực đơn ngày càng phong phú, trong đó mỗi ngày một cốc sữa luôn là yêu bắt buộc do Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản đưa ra. 

“Cuộc cách mạng” dinh dưỡng được thực hiện song song giữa việc ban hành chính sách mới thúc đẩy toàn dân tăng cường dinh dưỡng và thực phẩm nhằm mục đích phát triển chiều cao, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức vóc và việc học tập áp dụng chế độ dinh dưỡng của các nước phương Tây.

Môi trường đóng vai trò quan trọng đến việc phát triển chiều cao

Hưởng ứng Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025"; 10 lời khuyên dinh dưỡng của Bộ Y tế; Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Giải pháp dinh dưỡng phát triển chiều cao học đường”.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo được tổ chức sáng 18/9, TS. Huỳnh Nam Phương nhấn mạnh, các yếu tố của môi trường, đặc biệt về dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chiều cao, nhất là những năm đầu đời của trẻ. Dinh dưỡng và các yếu tố của môi trường được các chuyên gia nhận định là yếu tố đóng góp đến gần 80% quyết định đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nam Phương - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội thảo
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nam Phương - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Quang Vinh cho hay, có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển của chiều cao như di truyền, dinh dưỡng, vận động, lối sống... Trong đó, giáo dục thể chất là một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ.

PGS.TS Nguyễn Quang Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM chia sẻ tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Quang Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM chia sẻ tại hội thảo

Giáo dục thể chất có vai trò hướng dẫn cho trẻ biết cách vận động, giúp kích thích sự tăng trưởng của các tế bào xương và độ dày của xương, tăng cường sự phát triển của xương giúp xương trở nên chắc khỏe hơn.

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp tăng cường sự sản xuất hormone tăng trưởng trong cơ thể, đó là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ. TS. Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giáo dục thể chất giúp cho trẻ biết cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cơ thể, uống đủ nước (Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể, tăng sản xuất hormone tăng trưởng từ đó giúp tăng chiều cao), chế độ ngủ hợp lý (Khi ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng chiều cao hơn),...

Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh

PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết, chế độ dinh dưỡng giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, phòng các rối loạn liên quan đến thiếu và thừa dinh dưỡng.

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Mặt trời chia sẻ tại hội thảo
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Mặt trời chia sẻ tại hội thảo

Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thực đơn cần có sự đa dạng về loại đạm động vật và thực vật, cũng như đa dạng về các loại rau củ và phù hợp với trẻ em: lợn, bò, gà, cá, trứng, tôm, mực, cua, hến, ngao, đậu đỗ…

Trong đó, các loại rau củ nên có từ 3-5 loại (để đa dạng các loại rau thực đơn có 1 số món như canh rau củ thập cẩm, rau xào thập cẩm, canh rau thập cẩm...). Các loại đạm (thịt, cá...) nên có từ 2-3 loại (ví dụ thực đơn có 1 món hải sản như canh nấu tôm + bỏ + gà).

Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng thực phẩm không lành mạnh có nhiều đường, muối và chất béo. Sử dụng lượng muối vừa phải, không mặn...

Hội thảo “Giải pháp dinh dưỡng phát triển chiều cao học đường” đưa ra nhiều giải pháp, là cơ hội quý báu để các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh được bổ sung thêm kiến thức về dinh dưỡng từ các nguồn thông tin chính thống, đồng thời có cơ hội được giao lưu cùng các chuyên gia dinh dưỡng, giáo dục thể chất uy tín trong nước./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024