Tiến sỹ Phạm Văn Tân  - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)
Tiến sỹ Phạm Văn Tân - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)

Theo đó, T.S Phạm Văn Tân đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo:

1. Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tổ chức” vào nội dung Khoản 1, Điều 3 liên quan đến nội dung giải thích từ ngữ về người tiêu dùng như sau: Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại. Bởi vì người tiêu dung không chỉ là cá nhân hoặc gia đình mà có thể là tổ chức có pháp nhân hoặc không có pháp nhân, thí dụ: Cơ quan sử dụng điện, nước; bếp ăn của một tập thể sử dụng lương thức, tực phẩm,….Như vậy, khái niệm người tiêu dùng cần được hiểu có thể là cá nhân, nhóm người hoặc pháp nhân nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả các tổ chức khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Khoản 3, Điều 3 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tổ chức” khi đề cập về thông tin cá nhân của người tiêu dùng, như sau: “Thông tin của người tiêu dùng bao gồm thông tin cá nhân, tổ chức của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và các thông tin khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”.

2. Đề nghị bỏ khoản 8, Điều 3 vì nêu khái niệm về “người có ảnh hưởng” nhưng toàn bộ nội dung của Dự thảo luật không có điều khoản nào đề cập tới vai trò, trách nhiệm của “người có ảnh hưởng”. Nếu vẫn để khái niệm này trong Dự thảo Luật thì cần phải có nội dung quy định về quyền và trách nhiệm của “người có ảnh hưởng” đối với hoạt động bảo về quyền lợi của người tiêu dùng.

3. Tại Điều 8 quy định về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” có xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm người như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em,…. (các mục từ mục a đến mục g tại Khoản 1, Điều 8). Đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào Khoản 1, Điều 3, cụ thể là: “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế, thí dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật,… họ không phải là một cá nhân mà là những người trong một nhóm hoặc trong một tổ chức.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân  - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)
Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Tại khoản 2, Điều 48 quy định: Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên để thấy rõ sự khác biệt giữa một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dung và tổ chức được lập ra có tôn chỉ, mục đích để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần viết lại quy định này theo hướng: Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy để thấy rõ sự khác biệt giữa tổ chức xã hội chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam hiện nay) và các tổ chức xã hội khác có tham gia hoạt động này.

5. Đề nghị sửa lại nội dung Khỏan 2, Điều 52 theo hướng đối với tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì được Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước và bảo đảm các điều kiện khác để hoạt động chứ không chỉ là Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác. Như vậy thay cụm từ “được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác” bằng cụm từ: “được Nhà nước cấp kinh phí và bảo đảm các điều kiện khác”. Cụ thể Khoản 2, Điều 52 cần sửa lại như sau: “Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động quy định tại các điểm d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 49 của Luật này, tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước cấp kinh phí và bảo đảm các điều kiện khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy sứ mệnh của tổ chức này là thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần có nội dung quy định về việc Chính phủ quy định cụ thể việc giao nhiệm vụ và giao kinh phí từ ngân sách nhà nước và các bảo đảm các điều kiện khác để tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động.

6. Đề nghị cần bổ sung thêm vào Luật quy định về việc chống độc quyền trong sản xuất, kinh doanh mà gây thiệt hại đối với quyền lợi của người tiêu dùng. Độc quyền trong sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền về giá cả làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trường hợp những hàng hóa được Nhà nước bảo hộ mang tính độc quyền cũng cần có quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà kinh doanh trong việc không tạo ra sự độc quyền về giá cả gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng./.