ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h22 05/09/2018

Mùa thu về nhớ ngày khai trường

(KDPT) – Những ngày dạy học ở vùng cao Lào Cai đã để lại dấu ấn tươi đẹp trong kí ức của cuộc đời tôi. Điều mà tôi ấn tượng và nhớ mãi đó là ngày khai giảng của năm học. Bởi đây là một ngày ý nghĩa, niềm vui rạo rực và thực sự là ngày hội đối với học trò vùng cao.

Học sinh xã Suối Thầu (Sa Pa) cười sảng khoái khi tham gia các trò chơi ngày khai giảng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Báo Lào Cai

Trước ngày khai giảng, sự tấp nập chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học mới của thầy và trò của trường tôi cũng như các trường học trên cùng địa bàn làm cho không khí của ngày tựu trường trở nên tưng bừng. Thầy và trò cùng sửa lớp học, đóng lại bàn ghế, vệ sinh trường lớp. Dù tất bật nhưng ai nấy đều thấy vui vẻ và say sưa với công việc.

Điều ấn tượng trước ngày khai giảng là ở vùng cao thường tổ chức cho học trò đi cổ động. Từng hàng, từng tốp học sinh của các nhà trường với khẩu hiệu, trống nghi thức đội, trống trường đi dọc các ngả đường của xã hô vang “Nhiệt liệt chào mừng năm học mới”.

Không khí vang dội khắp nơi như báo hiệu một năm học mới bắt đầu, người dân dưới ruộng đồng hay trên nương rẫy đều cảm nhận được niềm vui tựu trường của thầy và trò.

Sáng sớm ngày khai giảng, không gian bản làng, ngõ xóm và sân trường tràn ngập niềm vui, tiếng cười. Dù phải đi bộ xa từ trong bản, dù phải lội qua suối nhưng các em học sinh không quên chọn cho mình bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để đến trường khai giảng.

Trên tay các em cầm những bông hoa tươi do chính các em trồng ở nhà hoặc là hoa rừng các em hái trên đường đi. Những bông hoa tỏa hương thơm ngát hòa vào niềm rạo rực của ngày khai giảng. Với học trò vùng cao, khai giảng thực sự như một ngày hội. Vì thế, các em mong đợi đến mùa thu, tiết trời mát mẻ để được đến trường gặp thầy, gặp bạn.

Trước giờ khai giảng, học trò xếp thành từng hàng ngay ngắn, em hàng đầu cầm khẩu hiệu, cầm cờ. Giáo viên chủ nhiệm ngồi cạnh hàng của lớp mình để cùng các em dự lễ khai giảng.

Đặc biệt, vào đúng ngày khai giảng, ở các cấp học, phụ huynh thường nghỉ một buổi lên nương rẫy để đưa con đến khai giảng. Nhà trường đã xếp những hàng ghế dài để mời phụ huynh ngồi dự lễ. Vì thế mà buổi khai trường trở nên ấm cúng và gần gũi biết bao. Điều đó khiến các em học sinh cảm nhận mái trường như ngôi nhà của mình vậy.

Ngày khai giảng ở vùng cao, lãnh đạo xã, huyện hay tỉnh đến dự từ rất sớm. Vì đường xa, khó đi, có vị đã đến từ chiều hôm trước để hôm sau dự được đúng giờ. Khi đến dự khai giảng, điều đầu tiên đối với các vị đại biểu không phải là cái bắt tay với lãnh đạo trường, cũng không phải là trao hoa hay quà mà các vị hướng xuống hàng ghế ngồi của học trò, xem các em có chỗ ngồi thoải mái không, đầu có đội mũ hay cầm ô cho khỏi nắng hay không.

Khi dự khai giảng, đại biểu phát biểu thường không dài mà chỉ nói những điều động viên, khích lệ từ gan ruột mình đối với học trò. Điều đó khiến các em hiểu được điều mà lãnh đạo địa phương quan tâm, cảm thấy được chia sẻ, khích lệ và gần gũi.

Sau bài diễn văn ngắn của Hiệu trưởng, tiếng trống trường vang lên là phần dành cho chính học trò. Có lẽ, trong lễ khai giảng nơi tôi dạy học, phần hội là thời gian được học trò mong đợi và hứng thú nhất. Vì thế, nhà trường luôn dành nhiều thời gian cho phần này.

Những tiết mục văn nghệ của cả thầy và trò chuẩn bị, biểu diễn càng làm tăng thêm sự gần gũi và không khí vui tươi trong lễ khai giảng. Thường thì thầy cô và học trò hát, múa những bài về mái trường, quê hương chứ không hát những bài quá xa chủ đề. Nhiều đại biểu hay phụ huynh cũng chung vui bằng các bài hát như thế!

Học trò vùng cao khá hứng thú với những trò chơi dân gian. Vì thế, ngày khai giảng ở vùng cao luôn tổ chức để các em được chơi, được vui. Những trò chơi như nhảy bao bố, đi cà kheo, kéo co, bịt mắt bắt dê, đá cầu…luôn thu hút và tạo không khí sôi động trong lễ khai giảng.

Ngày khai giảng trường tôi và ở các trường học vùng cao nơi tôi công tác bao giờ cũng thế. Đó là một ngày thực sự quan trọng đối với thầy và trò. Sau lễ khai giảng, tôi cảm nhận được em nào cũng vui, cảm thấy gắn bó với trường lớp, với thầy cô để có thêm quyết tâm học tập.

Với nhà trường ở vùng cao, mọi sự chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới đều hướng về học trò. Không qua loa, chiếu lệ, những công việc cần làm, cần tổ chức trong lễ khai giảng nhằm tạo niềm vui cho học trò, một ngày vui lớn trong cả năm học. Và có lẽ, trong kí ức thời đi học của các em, ngày khai giảng sẽ là dấu ấn khó phai mờ.

Bởi thế, ngày khai giảng nơi vùng cao vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Và tôi mong ước, dù ở đâu, thành phố hay nông thôn, ngày khai giảng năm học mới luôn là một ngày hội đối với học trò.

Ngày khai trường trong tiết trời mùa thu, mùa đi xây những ước mơ, mong rằng, mỗi em học sinh luôn lưu giữ trong tâm hồn mình những kí ức về một ngày đẹp như thế…

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024