ISSN-2815-5823

Mừng vàng đám cưới: Cô dâu chú rể thấp thỏm vừa mừng vừa lo

(KDPT) - Trong thời điểm giá vàng tăng cao như hiện tại, cô dâu chú rể gặp khá nhiều áp lực khi bạn bè, người thân mừng vàng đám cưới. Một số người lại thở phào nhẹ nhõm vì hồi trước được tặng những món quà khác, giảm bớt được áp lực trả nợ.

Theo cập nhật vào sáng 28/5, giá vàng SJC đã tiếp đà tăng và chạm mốc 90 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Cụ thể, tính đến 8h45 tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 88,4-90,4 triệu đồng/lượng với chiều mua vào - bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với chốt phiên hôm trước.

Ngoài ra, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng niêm yết giá vàng miếng SJC là 88,4 - 90 triệu đồng/lượng với chiều mua vào - bán ra, tương ứng mức tăng 700.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.

Giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp niêm yết điều chỉnh tăng nhẹ, duy trì ở mức cao trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)
Giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp niêm yết điều chỉnh tăng nhẹ, duy trì ở mức cao trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)

Giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp niêm yết điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, giá vàng nhẫn tại Doji là 75,60 -  77,05 triệu đồng/lượng với chiều mua vào - bán ra; tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán. Giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu là 75,58 - 76,98 triệu đồng/lượng (chiều mua - bán), tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và 250.000 đồng/lượng chiều bán.

Điều đáng nói, việc mừng vàng trong đám cưới truyền thống được coi là món quà đặc biệt dành cho các cặp vợ chồng trẻ. Theo nhiều người quan niệm, vàng cưới là biểu tượng may mắn, cũng là tài sản giữ tiền và sinh lời cao. Nhiều người mừng vàng đám cưới hi vọng cô dâu chú rể có được chút vốn để bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

Áp lực trả nợ vì lỡ bán sạch vàng cưới

Chia sẻ với Nhịp Sống Thị Trường, Thanh Mai (28 tuổi, TP.HCM) cho biết, cô nàng đã kết hôn vào giữa năm 2023. Khi đó, vợ chồng cô được tặng 3 cây vàng, nhưng sau đó đã bán sạch. Dù cặp đôi đã tính toán thời điểm để mua lại vàng cưới nhưng giá cả cứ liên tục tăng phi mã. 

Khi đó, Thanh Mai đang thuê nhà tại TP.HCM nên không yên tâm giữ vàng. Chưa kể, chồng cô thường xuyên đi làm ăn xa, ở cùng tập thể nên cũng khó giữ được vàng cưới. Ngoài ra, vợ chồng Thanh Mai còn tính toán đến phương án nhờ mẹ giữ hộ, nhưng do gia đình không có két sắt nên điều này cũng không khả thi. 

Theo nhiều người quan niệm, vàng cưới là biểu tượng may mắn, cũng là tài sản giữ tiền và sinh lời cao. (Ảnh minh họa)
Theo nhiều người quan niệm, vàng cưới là biểu tượng may mắn, cũng là tài sản giữ tiền và sinh lời cao. (Ảnh minh họa)

Cho đến cuối năm ngoái, Thanh Mai đến dự đám cưới của đồng nghiệp, cũng có nghĩa là cô phải mừng vàng lại cho người ta. Thực tế, cô không hề tiếc bởi đây là món quà dành cho người thân thiết. Nhưng cô không tránh khỏi áp lực tiền bạc, dẫu là ‘canh me’ thời điểm giá vàng xuống thấp để mua, cuối cùng Thanh Mai đã chốt mua vàng nhẫn với mức giá 7,5 triệu đồng/chỉ để kịp dự đám cưới bạn thân.

Thở phào nhẹ nhõm vì nhận được quà khác thay vì vàng cưới

Cách đây 4 năm, Thảo Đoàn (28 tuổi, TP.HCM) chính thức bước chân vào cuộc sống gia đình. Thời điểm đó, cô nàng được mừng vàng đám cưới tổng cộng là 5 cây từ người thân, đồng nghiệp cũng như bạn bè thân thiết. Một năm sau đó, vợ chồng Thảo đã bán hết vàng cưới, dồn tiền để mua căn nhà đầu tiên.

Đến nay, Thảo vẫn khẳng định quyết định bán hết vàng cưới lúc đó là đúng đắn. Sau vài năm giá vàng tăng cao, 9x chỉ cảm thấy áp lực về tiền nong khi phải mừng vàng cưới lại cho người ta. Nhưng tiếc thì không, bởi trước khi bán vàng cưới, vợ chồng Thảo đã xác định cần bán để lấy tiền mua nhà. 

Cũng theo cô nàng, nếu ở thời điểm mua lại mà giá vàng giảm sẽ không lo bị lỗ; còn nếu giá vàng tăng thì lại là tin mừng cho người thân và bạn bè của mình. Đúc rút từ trải nghiệm cá nhân, Thảo nhận định mọi người có thể tặng nhiều món quà khác thay vì mừng vàng trong đám cưới. Ví dụ, mọi người có thể tặng những món quà ý nghĩa khác nhưng không quá nặng nề về vật chất như đồ gia dụng chẳng hạn.

Đúc rút từ trải nghiệm cá nhân, Thảo nhận định mọi người có thể tặng nhiều món quà khác thay vì mừng vàng trong đám cưới. (Ảnh minh họa)
Đúc rút từ trải nghiệm cá nhân, Thảo nhận định mọi người có thể tặng nhiều món quà khác thay vì mừng vàng trong đám cưới. (Ảnh minh họa)

9x bộc bạch: “Trong đám cưới của mình, mình cũng đã khuyên một vài người bạn có thể tặng quà thay vì vàng. Điển hình như em gái mình mới ra trường, tiền chưa kiếm được nhiều nên mình gợi ý có thể tặng mình bếp nướng và thảm ngồi (vì nhà mình cũng chưa có), tổng giá trị khoảng 1,5 triệu đồng. Sau khi nhận quà, mình cảm thấy rất ưng ý bởi nó phù hợp với nhu cầu của mình và túi tiền của em gái”. 

Có nhất thiết phải mừng vàng đám cưới?

Theo Thảo Đoàn, quy luật phổ biến khi dự đám cưới là ‘mừng vàng trả vàng, mừng tiền trả tiền’. Tức là, nếu cô dâu chú rể được tặng vàng trong đám cưới, sau này họ cũng phải mừng vàng lại cho người ta. Đây là nguyên nhân mà nhiều cặp đôi không thích được tặng quá nhiều vàng trong ngày vui của mình. 

Thảo cho hay: “Vàng cưới vốn là vật phẩm đắt đỏ. Vì thế, mình rất vui nếu bạn và người thân tặng mình món quà khác, ví dụ như phong bao hoặc đồ gia dụng, miễn sao phù hợp với tình hình tài chính của họ là được. Tặng quà cưới ra sao là tùy tâm của mọi người. Nếu quà tặng quá giá trị nhiều khi còn gây áp lực đến cô dâu chú rể”. 

Đồng quan điểm, Chi (33 tuổi, TP.HCM) cho biết, tùy thuộc vào tình hình giá vàng, mức độ thân thiết của mối quan hệ mà cô sẽ quyết định chọn mừng vàng, quà cáp hay phong bì cho ngày vui. Nếu là người thân, dù giá vàng có chạm đỉnh thì cô vẫn cố vay mượn để tặng vàng. Ngược lại, mối quan hệ không quá thân thiết, cô sẽ chọn tặng quà hoặc đi phong bì là xong./. 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024