Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa trong công tác phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ cũng như nâng cao công tác tư vấn phản biện của VUSTA trong thời gian tới.
Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa trong công tác phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ cũng như nâng cao công tác tư vấn phản biện của VUSTA trong thời gian tới.

Trong những năm qua VUSTA đã thực hiện đúng vai trò công tác tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự án lớn, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Hai lĩnh vực quan trọng của VUSTA đó là: Phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ; Tư vấn phản biện và giám định xã hội. Phát huy vai trò của báo chí trong các hoạt động củaVUSTA đã và đang là yêu cầu cấp bách nhằm phản ánh chính xác các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong quá trình góp phần phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện đối với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Theo ThS. Lê Thanh Tùng- Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của VUSTA cho biết, hiện Liên hiệp Hội Việt Nam có một hệ thống báo chí lớn nhất cả nước, thống kê chưa đầy đủ Liên hiệp Hội hiện đang có 69 tạp chí, 01 nhà xuất bản, 01 Báo. Tuy nhiên, vai trò của báo chí trong thời gian qua chưa phát huy hết vai trò và chức năng của mình đối với các nhiệm vụ của VUSTA. Một số cơ quan báo chí và nhà báo thường sa đà vào “ mảng tối”, mặt trái của đời sống xã hội. Những thông tin này tạo hiệu ứng không tốt trong công chúng, tạo cái nhìn sai lệch với bạn đọc.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, để nâng cao kỹ năng và đảm bảo các cơ quan báo chí của VUSTA thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và tập hợp đoàn kết các đội ngũ trí thức thì sự kiện hôm nay sẽ góp phần nâng cao vai trò tư vấn phản biện của các cơ quan báo chí trong VUSTA”.

Nhận định, đánh giá về công tác giám sát, phản biện xã hội hiện nay của các cơ quan báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng biên tập Phụ trách báo Hà Nội Mới chia sẻ: Thời gian qua, hoạt động giám sát xã hội ở nước ta gặp không ít khó khăn, nhất là việc thực thi chức năng giám sát của báo chí đối với xã hội. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để phát huy chức năng giám sát xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận, đồng thời chúng ta cũng cần nâng cao trình độ giám sát, trình tự giám sát và kiên trì khuynh hướng giám sát mang tính xây dựng, phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội”.

Nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Phạm Bích San, Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam cho rằng, khó khăn của các tờ báo hiện nay chính là không được “ngân sách nuôi”… để thoát ra khỏi khó khăn này nhiều tờ báo đã tăng lượng đọc giả bằng cách đưa thêm liều lượng của phản biện xã hội vào. “Độc giả nay đã trưởng thành hơn và đã có một chút nhu cầu về tư vấn phản biện xã hội. Vấn đề ở đây là liều lượng và sự cân bằng giữa thông tin về kiến thức khoa học với thông tin về phản biện xã hội.

Tại cuộc Hội thảo, với vai trò là Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội - VUSTA ThS Bùi Kim Tuyến đã có tham luận rất sâu sắc.

Ths Bùi Kim Tuyến trình bày tại hội thảo.
Ths Bùi Kim Tuyến trình bày tại hội thảo.

Theo ThS Bùi Kim Tuyến, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tăng cường tham gia vào hoạt động này để các thông tin được lan tỏa rộng rãi hơn, chính xác hơn, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; các nhà báo cũng thường xuyên trau dồi tri thức, rèn luyện bản lĩnh, để mạnh dạn nói thẳng, nói thật, nói công khai, minh bạch một cách độc lập, khách quan các vấn đề cần tư vấn phản biện.

Bên cạnh đó, thông qua tư vấn phản biện để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức liên quan có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách, quyết sách và nâng cao chất lượng của các chương trình, dự án trong quá trình phát triển đất nước. Kết quả tư vấn phản biện được xây dựng thành báo cáo và gửi tới các cơ quan chủ trì dự thảo hoặc đơn vị chủ trì đề án, dự án, các cơ quan hoạch định chính sách. Với cách này, chỉ có một số ít tổ chức, cá nhân được tiếp cận các kết quả tư vấn phản biện. Nhưng, nếu thông qua kênh báo chí thì nhiều tổ chức, cá nhân có cơ hội tiếp cận các kết quả tư vấn phản biện. Thực tế cho thấy, không phải tất cả các thông tin đều được đưa lên báo chí, nhưng báo chí có thể gửi những kết quả phù hợp nhất và những thông điệp một cách nhanh nhất, cô đọng nhất tới rất nhiều tổ chức và cá nhân có liên quan, kể cả các cơ quan hoạch định chính sách, giúp các tổ chức và cá nhân có thêm thông tin và cách nhìn toàn diện hơn đối với vấn đề cần tư vấn phản biện.

Báo chí tham gia vào quá trình lựa chọn chủ đề tư vấn phản biện, là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Báo chí cũng tham gia vào quá trình phân tích, đánh giá, truyền thông điệp TVPB. Báo chí luôn là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất đối với mọi vấn đề của xã hội. Với trách nhiệm định hướng dư luận bằng thông tin, nên Báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời để định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Một chính sách tốt là một chính sách thể hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và đồng thời cũng phải là một chính sách có tính khả thi, mang lại hiệu quả xã hội cao và đạt được sự đồng thuận cao của xã hội.

Theo Ths Tuyến, bản thân tư vấn phản biện là một hoạt động mang tính chất khoa học, độc lập, khách quan. Thông tin đối với hoạt động tư vấn phản biện đòi hỏi phải chính xác, đầy đủ, trung thực; các chuyên gia, các nhà khoa học hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia tư vấn phản biện đều được quyền thể hiện chính kiến một cách bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp. Chỉ có các ý kiến có tính thuyết phục cao và thái độ góp ý tích cực mới được ghi nhận và tạo được sự đồng thuận của xã hội. Các ý kiến thể hiện trên báo chí là một hình thức công khai, minh bạch về thông tin về quan điểm và tạo sự dân chủ, bình đẳng đối với tất cả mọi giai tầng trong xã hội.