Nếu không được “bơm” khẩn tiền, Đường sắt Việt Nam tê liệt
Thoi thóp
“Cho đến thời điểm này, dù chỉ còn duy trì 2 đôi tàu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam mỗi ngày, nhưng tỷ lệ khách lấp đầy trên các đoàn tàu tại các cung đoạn cao nhất cũng chỉ đạt chưa tới 40%. Trong đó, tất cả các đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn từ đầu tháng 6/2021 đều trống khách. Doanh thu vận tải khách trong cao điểm hè 2021 gần như là con số 0”, ông Lê Bằng An, thành viên HĐTV VNR cho biết.
Không chỉ mất một lượng lớn doanh thu, lợi nhuận, VNR còn đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền do đang phải thực hiện việc hoàn trả vé không sử dụng cho hành khách.
Theo thống kê của VNR, tính từ ngày 29/4 đến 12/5/2021 (chỉ trong hơn 10 ngày đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát), hành khách đi tàu đã trả tổng cộng 18.341 vé, tương ứng với 5,854 tỷ đồng và dự kiến còn tiếp tục trong thời gian tới.
Đối với VNR – một trong những doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề trong suốt năm 2020 bởi Covid-19, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính. Những khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý II, quý III/2021, đẩy doanh nghiệp này vào nguy cơ đứt gãy dòng tiền sản xuất, kinh doanh.
Cần phải nói thêm rằng, trong năm 2020, lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, VNR đã phải ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ. Nếu như 3 dự án cải tạo hạ tầng đường sắt Thống Nhất được triển khai đồng loạt trong năm 2020, khiến nhiều đoạn tuyến bị phong tỏa, gián đoạn khai thác trong nhiều thời điểm đã được VNR nhận diện, thì dịch Covid -19 bùng phát với 2 đợt giãn cách xã hội đã khiến VNR vốn đã “ốm yếu” từ nhiều năm trước không thể gượng nổi.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của VNR tiếp tục sa sút không phanh. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 77% cùng kỳ năm 2020 và bằng 53% so với năm 2019 với khoản lỗ dự kiến lên tới 942 tỷ đồng.
“Tổng công ty đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp ngắn hạn và dài hạn để quản trị dòng tiền nhằm duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm 2021 và kéo dài sang nửa đầu năm 2022, VNR sẽ mất hết vốn chủ sở hữu, đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, thậm chí có thể phải dừng sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR quan ngại.
Để tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, trong các văn bản gửi tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, ngoài việc xin tiếp tục được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, VNR còn kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp một gói hỗ trợ tín dụng khẩn cấp trị giá 800 tỷ đồng, không tính lãi để duy trì dòng tiền.
“Tổng công ty chỉ dám vay 800 tỷ đồng là mức tối thiểu để duy trì dòng tiền hoạt động, cố gắng cầm cự với tính toán các chi phí thấp nhất, vì dù vay không lãi vẫn phải trả nợ”, ông Minh chia sẻ.
Lao đao đời sống người lao động
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong suốt 2 năm qua, VNR đã phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt. Điều này đã khiến đời sống, việc làm của hàng vạn lao động ngành đường sắt vốn nắm dưới đáy bảng thu nhập của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nay lại càng chông chênh.
Chỉ tính riêng ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đã có 1.169 lao động VNR bị hoãn hợp đồng lao động, 136 lao động phải nghỉ không lương; hơn 10.000 lao động khác thuộc khối vận tải phải nghỉ việc luân phiên với mức lương chưa tới 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết, trong năm 2020, Công đoàn Tổng công ty đã phải vận dụng các nguồn quỹ để có thể hỗ trợ hàng tỷ đồng cho người lao động khó khăn. Nhưng sang năm nay, dịch bùng phát liên tục, số lượng người lao động bị ảnh hưởng quá lớn, nên các nguồn quỹ còn lại không nhiều.
“Doanh nghiệp đã cạn lực, vì vậy chúng tôi mong Chính phủ sớm có gói hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19. Năm 2020, người lao động đường sắt không được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ vì điều kiện kèm theo là doanh nghiệp phải không có doanh thu. Trong khi đó, dù doanh nghiệp vận tải đường sắt tuy có doanh thu nhưng lỗ hàng trăm tỷ đồng”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn cụ thể việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19; Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần quy định rõ các nội dung liên quan nhằm tạo điều kiện cho người lao động phải tạm hoãn, giãn hợp đồng lao động vì thiếu việc, nhất là về bảo hiểm y tế…
“Với tư cách là mạch máu của nền kinh tế, kết nối thông thương, các doanh nghiệp vận tải, trong đó có ngành đường sắt cần được quan tâm hỗ trợ kịp thời để hoạt động lưu thông trên phạm vi cả nước không xảy ra bất kỳ sự đứt gãy đáng tiếc nào, nhất là khi sức chịu đựng của nhiều đơn vị đã chạm giới hạn cuối cùng”, đại diện Công đoàn VNR kiến nghị.
BẢO NHƯ
Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/neu-khong-duoc-bom-khan-tien-duong-sat-viet-nam-te-liet-d146121.html