Ngành dệt may dự báo sẽ đạt mức kim ngạch xuất khẩu 38 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%. Xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm vải địa kỹ thuật (vải làm đường, làm lốp xe) vào các thị trường Canada, Mỹ và Ấn Độ. Ước tính trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng.

Với đà sản xuất và hoàn thành đơn hàng xuất khẩu như hiện nay, Vitas ước tính, cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu gần 38 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%; ngoài ra xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.

“Đây có lẽ là lần đầu tiên ngành công nghiệp kéo sợi Việt Nam xuất khẩu số lượng sợi lớn đến thế. Các sản phẩm phụ liệu may, đặc biệt là vải địa kỹ thuật (dùng làm lốp ô tô…) của Việt Nam, cũng được các nước khó tính như Canada, Mỹ, Ấn Độ… gia tăng nhập khẩu”, ông Vũ Đức Giang nhận xét.

Theo Bộ Công Thương, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với da giày. Thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, tuy nhiên sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường này đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

Sau 25 năm tăng trưởng ngoạn mục thì từ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đã chịu tăng trưởng âm 9,2%, chỉ đạt 29,8 tỷ USD so với 32,8 tỷ USD năm 2019.

ĐỨC ANH