Tham gia buổi toạ đàm có các diễn giả: Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ năm 1990 đến nay công nghệ làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Kỹ năng của từng phóng viên trong mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng quan trọng nhất là tính chiến đấu và trách nhiệm xã hội. Sức trẻ từ thế hệ phóng viên mới giúp các bạn hòa nhập rất nhanh, chính vì thế, các nhà quản lý cũng rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác... việc đổi mới và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đi liền với cách thức tiêu dùng và thụ hưởng dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là hướng đi kích thích nhu cầu phát triển, vừa gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa mở ra cơ hội cho sự phát triển của đơn vị báo chí, truyền thông.

Thực tế cho thấy, trong kỷ nguyên số, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức. Công nghệ số làm cho báo chí có bước nhảy vọt về thời gian thông tin, không gian bao phủ, cách thức tiếp cận thông tin, tăng về số lượng bạn đọc, cũng như số lượng và chất lượng thông tin.

Mặc dù không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc, nhưng đứng trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng lớn của công nghệ thông tin, người làm báo cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại.

Bàn về câu chuyện những thách thức của người làm báo trong thời đại kỷ nguyên số, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay cho biết, chính vì chuyển đổi số nên phóng viên trẻ có xu hướng chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà bỏ quên tính nhân văn - "thiên chức" cao cả của báo chí. Đồng thời, báo chí cũng có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt" trong việc cung cấp thông tin đến độc giả, báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo.

Khái niệm trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong thời đại thông tin dường như cũng được các diễn giả và người tham dự quan tâm. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan của báo chí trong thời đại số hóa. Dù chúng ta càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ phải luôn hướng về giá trị truyền thông giá trị cốt lõi của báo chí, xây dựng và trau dồi cho mình một bản lĩnh vững vàng để có thể vượt qua mọi cám dỗ.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo chí đang hướng tới những bài viết chuyên sâu để tiến tới thu phí báo chí, không thể free mãi được. Tập trung sản xuất nội dung chuyên sâu, có những bài báo mang tính giá trị thông tin cao, chuyên ngành để đáp ứng được yêu cầu của người đọc. Các cơ quan báo chí phải có những thông tin khác biệt chuyên sâu, để hướng tới làm kinh tế báo chí một cách bền vững.

"Báo chí bây giờ có nhiều thể loại phục vụ nhiều bạn đọc, có thể sản xuất longform, in magazine, xem ảnh, box thông tin và có thể bán được những tin đấy rất cao thông qua hình thức phục vụ nhiều bạn đọc. Độc giả ở đâu, nhà báo ở đó", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.