Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng nhân tài
Năm 2000, tại lễ Tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ (VIFOTEC), chúng tôi – những trí thức khoa học may mắn được tiếp kiến đồng chí Lê Khả Phiêu (lúc đó là Tổng Bí thư) và nghe những lời căn dặn của ông: “Đất nước ta mới trải qua cuộc chiến tranh gian khổ, kinh tế còn nghèo, các nhà khoa học phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động cho người dân, tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Hội đồng bảo trợ quỹ VIFOTEC phải tập hợp, phát huy trí tuệ, hỗ trợ các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật nhiều hơn nữa để có nhiều sản phẩm có chất lượng phục vụ nhu cầu của nhân dân, đào tạo nhân tài góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Từ những chỉ đạo rất cụ thể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các nhà trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN), trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quỹ VIFOTEC đã đẩy mạnh triển khai, tổ chức thành công các Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc…Trong 10.000 công trình khoa học dự thi, nhiều công trình tiêu biểu đã đi dự thi quốc tế đượcn đánh giá cao và nhận nhiều phần thưởng cao quý. Hầu hết, các công trình đều được ứng dụng rộng rãi trong nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm cho nhà nước và các doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là một vị tướng tài ba, Thượng tướng Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhất là nỗi đau của các gia đình bị nhiễm chất độc màu da cam, các cán bộ, chiến sỹ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Vì thế, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì cùng Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các nhà khoa học Viện KH&CN Việt Nam và các địa phương xây dựng đề án nghiên cứu khoa học đánh giá hậu quả của chiến tranh hóa học, da cam, đi-ô-xin do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, nhằm tổng kết toàn diện, sâu sắc về hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở nước ta. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đội ngũ các nhà khoa học về môi trường thuộc các bộ, ngành nêu trên đã nghiên cứu, thống kê được hàng triệu lít chất độc hóa học, trong đó có da cam đi-ô-xin mà Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam. Sau này, nguyên Tổng Bí thư đã có lời khen ngợi các nhà khoa học, các nhà ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đã đấu tranh kiên quyết để Mỹ phải có đóng góp các dự án xử lý đi-ô-xin và góp phần giải quyết ảnh hưởng của chất độc da cam đối với Việt Nam.
Trong nhiều lần đến dự các cuộc gặp mặt đầu xuân do Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội tổ chức, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một người con của mảnh đất xứ Thanh vẫn luôn nhắc nhở các nhà khoa học, các nhà giáo dục phải quan tâm bồi dưỡng nhân tài, và nhắc lại lời của ông cha ta đã nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, phải biết trân trọng và nhân rộng mãi. Bản thân nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã luôn nêu gương sáng về việc này. Theo đề nghị của Hội khuyến học tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận lời đứng tên cho Quỹ khuyến học khuyến tài Lê Khả Phiêu, nhờ đó, Ban giám đốc Quỹ đã nhận được hàng tỷ đồng cho quỹ để hàng năm tài trợ cho các học sinh, sinh viên nghèo học giỏi và hướng tới trở thành nhà khoa học trong tương lai. Nhiều học sinh, sinh viên nhận được học bổng Lê Khả Phiêu rất tự hào và luôn cố gắng hết sức mình để làm việc tốt, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Cụ thể: Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng và lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên với quyết tâm cao và giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt hơn 229 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ tám cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối thuận lợi với các đô thị và các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được tăng cường.
Hôm nay, chúng ta tiễn đưa người con kiệt xuất của dân tộc, nhưng cuộc đời, sự nghiệp cùng những trăn trở của đồng chí Lê Khả Phiêu về sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực KH&CN vẫn luôn là tấm gương sáng cho các nhà trí thức, các nhà khoa học và các nhân tài trong cả nước noi theo. Đó cũng chính là lời nhắc nhở đến thế hệ sau, đến mỗi trí thức, những người làm KH&CN phải quyết tâm cố gắng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, tận tụy, tận tâm nghiên cứu, sáng tạo KH&CN, từng bước khẳng định, tạo thế đứng của Việt Nam trong xu thế phát triển trên toàn thế giới, đưa nước ta ngày một văn minh hơn, giàu đẹp hơn và hiện đại hơn.
TS.LS. Lê Xuân Thảo, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội KH–KT Việt Nam
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bảo trợ Quỹ VIFOTEC