Nhà đầu tư chứng khoán “lỡ sóng” nên hành động ra sao trong tháng 4?
Tháng 3 vừa qua, chỉ số VN-Index của chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng 2,5%, đây cũng là tháng tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số này. Tính chung trong quý I/2024, VN-Index đã tăng 13,64%, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2019 tới nay. Mức tăng này đã giúp VN-Index lọt top các chỉ số có hiệu suất tốt nhất thế giới kể từ đầu năm.
Theo đó, rất nhiều nhóm ngành cổ phiếu nói chung và các mã cổ phiếu nói riêng đã tăng giá, không ít mã vượt xa vùng đỉnh lịch sử khi VN-Index còn ở trên mức 1.500 điểm. Có thể kể đến như TCB tăng 49,53%, MBB tăng 36,19%, BSI tăng 33%, CTS tăng 36%, MBS tăng 33,48%, VCI tăng 25,85%…
Tuy vậy, quá trình đi lên của thị trường không tỷ lệ thuận với tài khoản của nhiều nhà đầu tư. Bởi từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dù các chỉ số tăng điểm liên tục nhưng chủ yếu nhờ đà tăng của nhóm vốn hóa lớn (cổ phiếu trụ) và nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm áp đảo về vốn hóa trên thị trường. Những nhóm còn lại chủ yếu đi ngang, thậm chí còn giảm.
Theo đó, các nhà đầu tư nắm giữ các nhóm này gần như không có lãi, thậm chí là lỗ. Một số phiên thị trường điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư choáng váng, đến mức phải cắt lỗ để bảo toàn vốn.
Một nhà đầu tư ở quận 7 (TP.HCM) cho biết mình đã bán hết cổ phiếu và chỉ giữ tiền mặt từ tháng 2 vừa qua vì nghe tư vấn của một số môi giới khuyên “thoát hàng” để an toàn. Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng khiến nhà đầu tư này chọn giữ tiền chờ thị trường chiết khấu ở mức hấp dẫn hơn mới “giải ngân” mua cổ phiếu.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, khi VN-Index lần lượt chinh phục các mốc 1.200, 1.250 và 1.280 điểm, các nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, thép... cũng đua nhau tăng giá, nhà đầu tư này mới nhận ra mình đã “lỡ sóng”.
Điều đáng nói, không chỉ riêng nhà đầu tư cầm tiền bị thị trường “bỏ rơi”, mà ngay cả những người bắt “đúng sóng” cũng không giữ cổ phiếu được lâu do luôn ám ảnh việc thị trường có thể điều chỉnh giảm khi tiến sát mốc 1.300 điểm.
Ông Hòa Thắng (nhà đầu tư ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) mua cổ phiếu SSI với mức 33.700 đồng/cổ phiếu vào tháng 1 và bán khi lên giá 39.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng lợi nhuận hơn 15%.
Không riêng ông Thắng, nhiều người khác nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán cũng đã chốt lời sớm vì lo sợ thị trường sẽ giảm. Một nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu cho rằng, thị trường đã tăng một đoạn dài, giá cổ phiếu gần như đã phản ánh sự kỳ vọng kinh tế cũng như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong vòng 1 năm tới. Và khi sự kỳ vọng không còn lớn nữa, giá cổ phiếu sẽ giảm, khi đó là lúc mua vào để đón sóng mới.
Trong khi đó, với những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường như chị Hoàng Yến (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chị đã rút 100 triệu đồng từ tiền tiết kiệm để mở tài khoản chứng khoán nhưng chưa biết đầu tư vào mã cổ phiếu nào.
"Tôi nhờ bạn làm môi giới chọn cổ phiếu giúp để đầu tư nhưng chưa chọn được mã nào nên đành phải chờ suốt cả tháng nay. Tôi xem bảng điện thấy mã nào cũng xanh nhưng không biết mua gì, sốt hết cả ruột nhưng cũng không dám liều lĩnh mua đại", chị Hoàng Yến cho hay.
Nhà đầu tư không nên nóng vội
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), từ sau Tết đến nay, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi. Thị trường hiện tại vẫn đang trong đà hưng phấn do nhà đầu tư kỳ vọng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 của một số công ty đang khá tốt cùng với mùa Đại hội cổ đông.
Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng đang đẩy mạnh triển khai vận hành hệ thống giao dịch KRX, mở rộng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, trong thời gian tới thị trường chứng khoán vẫn sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực. Ông Tuấn cho hay, trong quá trình thị trường tăng điểm sẽ có nhiều nhịp điều chỉnh nhưng chung quy lại theo hướng bậc thang đi lên. Đây là sự vận động lành mạnh và cần thiết cho một thị trường uptrend.
Theo vị chuyên gia, chỉ số VN-Index hiện nay dù vượt mức 1.300 điểm nhưng thực tế đã có nhiều mã vượt đỉnh, tức đang ở vùng giá cao. Điều này khiến các nhà đầu tư “trễ tàu” sốt ruột. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà dẫn đến FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ), thay vào đó, hãy bình tĩnh, lựa chọn ra danh mục cổ phiếu tốt, đợi sóng giảm để mua với giá tốt hơn.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết thêm, khi thị trường điều chỉnh giảm sau một đợt sóng tăng sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư cầm tiền. Vị chuyên gia nhận định, khả năng trong quý II, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn còn dư địa lớn, xuất khẩu đang tích cực hơn. Điều này đồng nghĩa là cơ hội cho thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, nhà đầu tư cần quan sát dòng tiền. Nếu thị trường giảm mà dòng tiền vẫn duy trì tích cực, cho thấy khả năng chỉ số VN-Index lên 1.400 điểm trong đợt sóng này là rất cao.
Theo góc nhìn thận trọng hơn, một chuyên gia đến từ Chứng khoán VPS nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư đã giải ngân 30-40% cổ phiếu trong tổng giá trị tiền đầu tư thì cần chờ đợi thêm, không nên mua đuổi. Thị trường đang trong giai đoạn chờ kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết, khi thông tin dần lộ diện để chọn cách cân bằng tỷ trọng danh mục đầu tư. Chưa kể đến việc công ty chứng khoán bị tấn công hệ thống cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Còn trường hợp nhà đầu tư đang nắm giữ 100% tiền mặt, có thể mua khoảng 30% để lấy vị thế, tích lũy cho trung, dài hạn. Những nhóm cổ phiếu thuộc các ngành an toàn có thể kể đến như dầu khí, thép và một số mã ngân hàng chưa tăng nhiều… Trong khi đó, nhóm các ngân hàng chia cổ tức cao, các công ty chứng khoán tốt đã tăng nhiều thì không nên mua đuổi vì dễ gặp rủi ro.
Chuyên gia chỉ ra 3 kịch bản cho tháng 4
Trong báo cáo tháng 4, Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích CTCP FIDT (FIDT Research) đã đưa ra đánh giá tổng quan về yếu tố dòng tiền. Thứ nhất, nhóm ngành chưa có câu chuyện riêng, chưa tăng giá nhiều kể từ đầu năm 2024 sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Thứ hai, nhóm VNMID vẫn dẫn dắt thị trường trong tháng 4. Thứ ba, nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhóm cá nhân sẽ trở thành bệ đỡ chính cho thị trường sắp tới khi đà rút ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngắn hạn.
Theo đó, FIDT cho rằng nhóm cổ phiếu Midcap được nhà đầu tư yêu thích của những ngành như bất động sản, dầu khí, chứng khoán hay xuất khẩu sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tháng 4 so với phần còn lại.
Về dài hạn, bức tranh tổng quan vẫn hàm chứa nhiều câu chuyện với triển vọng tích cực. Nền kinh tế đang ghi nhận sự phục hồi ngày càng rõ nét hơn với chỉ số PMI đang tăng trở lại; xuất khẩu và bán lẻ có xu hướng phục hồi đơn hàng đã kín đến hết quý II/2024; giải ngân đầu tư công, đầu tư cá nhân được đốc thúc rất quyết liệt.
Bên cạnh đó, các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa được thực hiện trong năm 2023 cũng dần thẩm thấu vào nền kinh tế, kích thích sự tăng trưởng trở lại của các doanh nghiệp. Đồng thời, câu chuyện nâng hạng và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.
Mặc dù dòng tiền đầu tư với nhiều triển triển vọng trong trung hạn vẫn sẽ đổ vào thị trường, nhưng dòng tiền sợ rủi ro sẽ có kế hoạch phòng thủ. Do đó, thị trường trong tháng 4 sẽ có nhiều biến động và khó đoán định. Theo đó, nhóm phân tích FIDT đưa ra 3 kịch bản cho tháng 4 và phương án hành động phù hợp nhằm hạn chế các rủi ro mà vẫn đảm bảo được hiệu suất mong muốn.
Trong kịch bản cơ sở (xác suất 60%), thị trường sẽ đi ngang, chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.250-1.300 điểm. Vận động nhìn chung sẽ đi lên nhưng không còn mạnh như những tháng đầu năm xuất phát từ sự ảnh hưởng của các yếu tố có trạng thái tốt xấu đan xen.
Trong bối cảnh trên, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm tới những nhóm ngành như: Dầu khí thượng nguồn với kỳ vọng về quyết định FIT cho dự án Lô B trong tháng 4; nhóm bất động sản với dòng tiền bắt đầu có sự phục hồi; nhóm chứng khoán với câu chuyện KRX đưa vào vận hành đầu tháng 5 và triển vọng nâng hạng; nhóm xuất khẩu với sự phục hồi đơn hàng tốt.
Ở kịch bản điều chỉnh, VN-Index rơi về 1.220-1.250 điểm. Khi đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư hạ tỷ trọng thấp khi chỉ số giảm về 1.250 điểm và tăng lại tỷ trọng khi thị trường ổn định trở lại sau đó.
Với kịch bản lạc quan, chỉ số chính tiếp tục tăng lên 1.300-1.350 điểm trong tháng 4. Nếu dòng tiền tích cực, FIDT cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng lớn hơn 20-30% cho nhóm có beta (hệ số độ nhạy với thị trường) cao. Đồng thời, đội ngũ phân tích cũng khuyến nghị các nhà đầu tư ưu tiên hạ tỷ trọng với những cổ phiếu nhóm này nếu thị trường manh nha xuất hiện rủi ro.
Nhìn chung, FIDT đánh giá thị trường tháng 4 có triển vọng tích cực. Những nhóm ngành vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản... đều được đánh giá cao, nhờ đó sẽ hỗ trợ cho điểm số thị trường./.
- Thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực chốt lời trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên hành động thế nào?
- Nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán chính là cơ hội cho nhà đầu tư
- Liệu chứng khoán 2024 có tăng theo đà phục hồi kinh tế?