Nhận diện cơ hội của các nhóm ngành trong quý II/2024
Mặc dù thị trường chứng khoán tuần vừa qua chứng kiến “rung lắc”, nhưng thanh khoản vẫn được xem là điểm mạnh khi phần lớn các phiên giao dịch đều duy trì ở mức 1 tỷ USD. Điều này cho thấy tâm lý tích cực của các nhà đầu tư.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong quý I/2024, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn bình quân phiên đạt 23.895 tỷ đồng, tăng 18,48% so với mức trung bình của quý IV/2023, đồng thời tăng 36% so với trung bình cả năm 2023.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, các thông tin tích cực về động thái của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những nút thắt nâng hạng thị trường và sớm đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành là yếu tố thu hút dòng tiền. Trong nền tảng xu hướng ổn định, dòng tiền luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu, đẩy mặt bằng giá tăng dần. Dù vậy, sau chu kỳ tăng điểm nhờ tâm lý và dòng tiền, thị trường chứng khoán bước sang tháng 4 được cho là sẽ phân hóa theo kết quả kinh doanh quý I/2024.
Dưới góc nhìn khác, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, mặc dù dòng tiền vào thị trường chứng khoán tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Vị chuyên gia cho biết, nếu tính tỷ trọng giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn, thì tỷ trọng giá trị giao dịch đang giảm ở 2 nhóm chứng khoán và ngân hàng do đã có mức tăng khá ấn tượng từ 15-19%. Định giá của 2 nhóm này đã quay về mức trung vị trong 10 năm qua.
Trong khi đó, tỷ trọng giá trị giao dịch được duy trì ở 2 nhóm dịch vụ dầu khí và bất động sản, đồng thời dòng tiền đang vào các nhóm như xây dựng, điện, sản xuất, với kỳ vọng từ sự phục hồi của ngành sản xuất công nghiệp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP quý I đạt mức 5,66%, trong đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ, sản xuất và phân phối điện ghi nhận mức tăng hơn 12%...
Theo chuyên gia, bối cảnh vĩ mô năm 2024 đang có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 2013-2014, khi lãi suất điều hành giảm sau giai đoạn tăng cao và được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi các cấu phần trong tăng trưởng GDP yếu đi như hoạt động xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Ông Nguyễn Đại Hiệp, Phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, 2024 sẽ là đáy của một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới, qua đó tổng thể lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chỉ số VN-Index sẽ phục hồi. Ngoài ra, kỳ vọng phục hồi cũng sẽ diễn ra tương tự khi thị trường chứng khoán ở đáy của chu kỳ trước.
Theo vị chuyên gia đến từ Chứng khoán Rồng Việt, trong năm 2024, tập trung vào lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ là chiến lược đầu tư khả thi nhất. Chiến lược này sẽ được xem xét cụ thể hơn thông qua góc nhìn về chu kỳ lợi nhuận thị trường trong giai đoạn trước. Kỳ vọng kịch bản nghiêng về phía phục hồi tốt của chỉ số VN-Index, ngoài ra, sự phục hồi về lợi nhuận thị trường cũng sẽ tác động đáng kể đến chỉ số chính trong năm 2024, từ đó, tại môi trường thuận lợi cho việc lựa chọn các nhóm ngành hay cổ phiếu tiềm năng.
Nhận diện cơ hội của các nhóm ngành
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối quý I/2024, tín dụng chỉ ghi nhận tăng trưởng 0,26% so với thời điểm đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tín dụng quý I thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế.
Ông Hồ Sỹ Hòa cho rằng, dư địa để thực thi cũng như đẩy mạnh chính sách tài khóa trong thời gian tới còn khá nhiều, trong bối cảnh cán cân ngân sách/GDP đang nằm dưới ngưỡng kiểm soát.
Có thể thấy, những dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành hay Quy hoạch Điện 8 đã được phê duyệt kế hoạch thực hiện cùng với nhiều dự án đầu tư công khác đang được triển khai khá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc dịch chuyển nguồn vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam từ năm 2023 đến nay vẫn đang được duy trì tốt, mức giải ngân vốn FDI và đăng ký tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2024, lần lượt đạt mức 7,1% và 13,4% so với cùng kỳ. Theo đó, nhóm đầu tư công, xây lắp điện và bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ vượt lên trong giai đoạn tới.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace cho rằng, ở giai đoạn này, thường những mã cổ phiếu, nhóm ngành trụ cột của nền kinh tế sẽ tăng mạnh. Giai đoạn đầu năm 2021, thị trường đã chứng kiến đà tăng ấn tượng của 3 nhóm là ngân hàng - chứng khoán - thép. Bước sang năm 2024 cũng không phải ngoại lệ, bởi đây vẫn là 3 lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, không thể thiếu trong những nhịp tăng điểm cũng như chiếm vốn hóa phần lớn trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, vị chuyên gia đến từ Finpeace cho biết thêm, ngoài 3 ngành xương sống này, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến những ngành hồi phục và được hưởng lợi từ chính sách. Đối với nhóm bất động sản sẽ là câu chuyện về hỗ trợ chính sách. Tiếp đến là sự phục hồi của nhóm ngành chạm đáy lợi nhuận, đặc biệt là bán lẻ và xuất khẩu, với nền tăng trưởng thấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Hiệp, Phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh, nếu năm 2024 không có các yếu tố “thiên nga đen”, thì lợi nhuận sau thuế sẽ là biến số tác động lớn nhất đến chỉ số VN-Index. Sau đó mới xét đến thời điểm để tham gia thị trường qua từng góc độ. Thứ nhất là về định giá, nên quan sát cả 3 chu kỳ phục hồi của lợi nhuận (quý I/2013, quý IV/2015, quý II/2016 - IV/2019 và quý II/2020 - III/2022) nhận thấy, thị trường thường đạt đỉnh vào các giai đoạn P/E trong vùng 16-22 lần.
Thứ hai, dựa trên góc độ tương quan với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường chứng khoán thường có diễn biến tăng trước chu kỳ phục hồi của lợi nhuận ở cả 3 chu kỳ, khi lợi nhuận các doanh nghiệp đạt đỉnh cũng là khi chỉ số chứng khoán rơi về mức đáy. Điều này cho thấy rằng thời gian tăng giá của thị trường chứng khoán dài tương đương với thời gian phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp.
Do đó, khi nhận định thị trường sẽ phục hồi lợi nhuận tốt hơn vào năm 2025, thì thời điểm năm 2024, nhà đầu tư nên tập trung vào yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp để lựa chọn cổ phiếu cũng như tham gia sớm là chiến lược phù hợp.
Vị chuyên gia lưu ý, nhóm đạt tỷ suất sinh lời tốt sớm nhất trong năm 2023 (tăng hơn 40%) là cảnh biển, dệt may, thép, bán lẻ, điện, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng,... có thể được xem xét với sự phục hồi sớm hơn cho các nhóm ngành khác.
Thứ ba, nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, trong đó có Luật Đất đai và văn bản trình để có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, bên cạnh đó là việc thí điểm cho phép các dự án bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác để thực hiện dự án, được đánh giá là sẽ mở khóa cho khả năng tiếp cận quỹ đất, tiếp cận dự án và rất nhiều dự án đang vướng mắc trong thời gian qua. Nền lãi suất thấp sẽ tạo lợi thế cho các ngân hàng quốc doanh về mặt chi phí lớn hơn, lãi suất cung cấp cho khách hàng cá nhân tốt hơn. Còn với nhóm ngân hàng tư nhân vẫn là câu chuyện kiểm soát chi phí tốt, tiếp tục duy trì sự tăng trưởng an toàn hoặc hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Dù vậy, vẫn có những rủi ro liên quan đến việc hấp thụ vốn còn hạn chế khi nền kinh tế thế giới còn khó khăn và kinh tế Việt Nam không thể hồi phục quá nhanh, áp lực đáo hạn trái phiếu là rủi ro khác, đặc biệt liên quan đến các trái phiếu bất động sản.
Đối với nhóm bán lẻ, vị chuyên gia cho biết, thông qua trò chuyện với các doanh nghiệp đầu ngành như MWG, FRT, PNJ, MSN,... thì họ khá thận trọng khi đánh giá về sức cầu năm 2024. Trong đó, một số tín hiệu có thể kỳ vọng như: nhà bán lẻ lớn nhất là MWG trong mảng ICT và thực phẩm có tín hiệu dừng cuộc chiến về giá. Trong năm qua, dù lấy được thị phần, nhưng lợi nhuận của MWG cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sang năm 2024, các doanh nghiệp đánh giá sức cầu phục hồi và tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa và tối ưu mô hình kinh doanh của các chuỗi bán lẻ.
Riêng với nhóm bất động sản khu công nghiệp, xu hướng thu hút FDI được đánh giá vẫn còn tốt, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng từ sau dịch Covid-19, khi khu vực này hấp thụ lượng vốn FDI chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc nên cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn còn dư địa tăng trưởng hấp dẫn trong năm 2024.
Với ngành bất động sản dân dụng, số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, thị trường Hà Nội và TP.HCM ghi nhận sự phục hồi về lượng giao dịch, số lượng dự án được cấp phép và cả số lượng dự án đang triển khai,... trong nửa cuối năm 2023.
Ngành cảng biển cũng ghi nhận sự tăng trưởng về mặt xuất nhập khẩu sang các thị trường chủ lực. Giá trị xuất khẩu thông qua container đường biển qua các thị trường này có sự hồi phục. Lũy kế lượng container qua khu vực Hải Phòng trong quý I/2024 tăng 30% so với cùng kỳ, khu vực Vũng Tàu với nền thấp của năm ngoái, sang năm nay cũng có sự phục hồi tốt.
Nhóm vật liệu xây dựng với kỳ vọng về sự phục hồi của bất động sản và đầu tư công. Ngành thép kỳ vọng nhu cầu năm nay cũng phục hồi theo sự ấm trở lại của ngành bất động sản và cơ sở hạ tầng./.
- Dư địa tín dụng trở thành động lực tăng giá cổ phiếu ngân hàng
- Chọn cổ phiếu đầu tư ra sao trong bối cảnh tỷ giá biến động?
- 4 mã cổ phiếu dầu khí, công nghệ cần lưu ý trong tháng 4