Nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, tiết kiệm chi phí và ngân sách nhà nước, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu và tăng tính cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu, ngày 13/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg chính thức áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp đó, ngày 15/11/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-KHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị với vai trò là chủ đầu tư đã tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhằm góp phần đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, triển khai nghiêm túc lộ trình, cắt giảm những chi phí không cần thiết và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Ngày 21/06/2019 Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5464/VPCP-CN về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2018 và lộ trình giai đoạn 2019 – 2025. Công văn nêu ý kiến chi đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

Từ thực tiễn đó, Toà soạn Kinh doanh và phát triển đã tổ chức triển khai chuyên đề nghiên cứu về “Nhận diện môi trường đầu tư công: Khảo sát thực tiễn từ hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực CNTT". Trong quá trình khảo sát để lấy các ví dụ làm minh chứng thực hiện chuyên đề, chúng tôi đã nhận được những phản ánh liên quan đến gói thầu do Công ty Thí nghiệm điện miền Nam là chủ đầu tư có dấu hiệu chênh lệch giá hàng tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2022, với vai trò là chủ đầu tư Công ty Thí nghiệm điện miền Nam đã tổ chức hàng loạt gói thầu mua sắm. Điều khiến dư luận quan tâm là một số hạng mục mua sắm có dấu hiệu “thổi giá”, giá trúng thầu gấp đôi so với giá thị trường.

Quyết định số 3848/QĐ-TNĐMN do ông Phạm Hữu Nhân ký.

Đơn cử, ngày 17/11/2022, ông Phạm Hữu Nhân - Giám đốc công ty Thí nghiệm điện miền Nam ký quyết định số 3848 phê duyệt cho công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Việt Trung trúng thầu gói: Cung cấp thiết bị CNTT và TTLL đợt 1 năm 2022 với giá 14.196.424.000 đồng.

Khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu ký hiệu, nhãn mác và xuất xứ sản phẩm, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá sản phẩm trong gói thầu cao hơn với giá thị trường.

Cụ thể, tại hạng mục mua sắm Bộ Ethernet Switch Layer 3 (Kí mã hiệu: IE-5000-12S12P-10G; Hãng sản xuất: Cisco; Xuất xứ: Trung Quốc) được nhiều đơn vị cung cấp trên thị trường chào bán với mức giá 347.050.000 đồng/bộ, trong khi đơn giá trúng thầu lên đến 456.709.000 đồng/bộ, chênh lệch hơn 100 triệu đồng trên mỗi bộ sản phẩm. Với số lượng 24 bộ Ethernet Switch Layer 3, tổng số tiền chênh lệch lên đến hơn 2,6 tỷ đồng

Mã hàng Switch Layer 3 IT-WAN (Ký mã hiệu: C9200-24T-A; Hãng sản xuất: Cisco; Xuất xứ: Trung Quốc) có giá thị trường khoảng 52.580.000 đồng/bộ. Tuy nhiên công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Việt Trung trúng thầu sản phẩm này với giá 149.864.000 đồng/bộ. Ước tính, tổng số tiền chênh lệch của 7 bộ Switch là 680.988.000 đồng.

Dấu hiệu chênh lệch giá hàng tỷ đồng tại các gói thầu của Công ty Thí nghiệm điện miền Nam?
Quyết định số 1324/QĐ-TNĐMN do ông Phạm Hữu Nhân ký.

Tương tự, thiết bị số 4 theo danh mục là Module SFP layer 3 10G OT-WAN (Ký mã hiệu: YT-SFP+-ZR; Hãng sản xuất: Wintop; Xuất xứ: Trung Quốc) có đơn giá tại gói thầu là 14.949.000 đồng/bộ. Liên hệ với một đơn vị chuyên cung cấp thiết bị CNTT, phóng viên nhận được báo giá của mã sản phẩm này là 5.280.000 đồng/bộ. Như vậy, một bộ module chênh lệch 9.669.000 đồng. Với số lượng 48 bộ, tổng số tiền chênh lệch là 464.112.000 đồng.

Mã hàng có giá trị thấp nhất trong gói thầu này là Điện thoại IP (Ký mã hiệu: CP-3905=; Hãng sản xuất: Cisco; Xuất xứ: Trung Quốc). Qua tham khảo trên thị trường, mức giá được bán khoảng 1.760.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, giá trúng thầu lại được “đội” lên 2.849.000 đồng/bộ. Như vậy, hiện tượng chênh lệch giá không chỉ diễn ra ở những mã hàng có giá trị lớn, số lượng nhiều mà còn xuất hiện ngay cả ở những mã hàng có giá trị nhỏ, số lượng ít. Tổng số tiền chênh lệch của mã hàng này là 8.712.000 đồng.

Để khẳng định không chỉ có duy nhất gói thầu: Cung cấp thiết bị CNTT và TTLL đợt 1 năm 2022 có dấu hiệu “đội giá” phóng viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm gói thầu khác của Công ty Thí nghiệm điện miền Nam.

Cụ thể, tại gói thầu Cung cấp Switch công nghiệp đợt 1 năm 2022 của công ty Thí nghiệm điện miền Nam, ngày 16/5/2022, ông Phạm Hữu Nhân - Giám đốc công ty thí nghiệm điện miền Nam ký quyết định số 1324/QĐ-TNĐMN phê duyệt cho Liên danh AITS-5SVN trúng gói thầu với giá trúng thầu là 6.257.856.000 đồng.

Nhận diện môi trường đầu tư công: Góc nhìn từ hoạt động đấu thầu tại Công ty Thí nghiệm điện miền Nam

Quyết định số 2789/QĐ-TNĐMN ngày 27/9/2021 do ông Lê Đình Đàn ký.

Khảo sát giá Thiết bị Ethernet Switch 10/100Mbps, 6x port RJ45, 24x module SPF, 2x nguồn DC 110V (IEC-61850), phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành một số mã hàng cao hơn nhiều so với giá trên thị trường. Cụ thể: Thiết bị Ethernet Switch 10/100Mbps, 6x port RJ45, 24x module SPF, 2x nguồn DC 110V (IEC-61850), model: EKI-9226G-20FOI-AE; Hãng SX: Advantech có đơn giá tại gói thầu là 65.186.000 đồng/bộ. PV khảo sát thị trường thì được biết, trên website buysea.advantech.com, bộ sản phẩm này đang được niêm yết với giá 1.901 USD (khoảng 45.205.780 đồng.). So với giá mà công ty Thí nghiệm điện miền Nam phải mua, 1 sản phẩm chênh lệch 19.980.220 đồng. Với số lượng 96 bộ thiết bị, tổng số tiền chênh lệch lên đến 1.918.101.120 đồng.

Cùng mua sắm một thiết bị nhưng chênh lệch giá lên đến nửa tỷ đồng!

Hay gói thầu: Mua sắm thiết bị thí nghiệm điện số 7 thuộc dự án: Đầu tư mua sắm thiết bị thí nghiệm CBM năm 2021 cũng có những nghi vẫn về hiện tượng “thổi giá”.

Theo quyết định số 2789/QĐ-TNĐMN ngày 27/9/2021, Giám đốc công ty thí nghiệm điện miền Nam – ông Lê Đình Đàn phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm thiết bị thí nghiệm điện số 7 thuộc dự án: Đầu tư mua sắm thiết bị thí nghiệm CBM năm 2021; Đơn vị trúng thầu là: Liên danh KNP-Petrolec. Gói thầu có giá dự toán 9.800.000.000 đồng, giá trúng thầu là 9.669.000.000 đồng, tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 131.000.000 đồng, đạt tỉ lệ 1,34 %.

Tương tự như 2 gói thầu nêu trên, với mã hàng Thiết bị phân tích độ tinh khiết khí SF6 (Kí hiệu: GA11; Xuất xứ Wika/Đức) có đơn giá tại gói thầu là 1.584.000.000 đồng, tuy nhiên trước đó công ty thí nghiệm điện lực TP.Hồ Chí Minh từng tổ chức đấu thầu và mua sắm thiết bị này chỉ với giá 1.163.959.500, số tiền chênh lệch lên đến 420.040.500 đồng.

Nhận diện môi trường đầu tư công: Góc nhìn từ hoạt động đấu thầu tại Công ty Thí nghiệm điện miền Nam
Giá thiết bị phân tích độ tinh khiết khí SF6 mà công ty thí nghiệm điện lực TP.HCM đã mua.

Tiếp theo, công ty Thí nghiệm điện miền Nam mua 1 thiết bị phân tích dòng rò online cho chống sét van (ký hiệu: LCM500; Xuất xứ Doble/ Nauy) với giá là 1.562.000.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, vào tháng 9/2021, bộ thiết bị LCM 500 được công ty Cổ phần điện lực Khánh Hòa mua với đơn giá chỉ 782.980.000 đồng, thấp hơn khoảng 779.020.000 đồng so với giá công ty Thí nghiệm điện miền Nam phải mua.

Chỉ tính riêng 2 mã hàng được mua sắm trong gói thầu đã có dấu hiệu đội giá cao hơn giá thị trường, số tiền chênh lệch là 1.199.060.500 đồng.

Quá trình tìm hiểu ngẫu nhiên 3 trên tổng số hàng loạt gói thầu của công ty Thí nghiệm điện miền Nam, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành hàng hóa chênh lệch rất nhiều so với giá thị trường và giá tại gói thầu khác. Tổng số tiền chênh lệch lên đến hơn 6,9 tỷ đồng.

Dấu hiệu chênh lệch giá hàng tỷ đồng tại các gói thầu của Công ty Thí nghiệm điện miền Nam?
Chi tiết dấu hiệu đội giá tại 3 gói thầu do công ty Thí nghiệm điện miền Nam làm chủ đầu tư.

Cần nói rõ thêm rằng, mức giá của hàng hóa phóng viên khảo sát giá thị trường đều là hàng chính hãng 100% đi kèm các giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và chế độ bảo hành, bảo trì đầy đủ. Các mức giá dùng để so sánh cũng đã được tính thuế VAT và chi phí vận chuyển theo đơn đặt hàng.

Để làm sáng tỏ, minh bạch, khách quan những vấn đề trên PV đã liên hệ với ông Hoàng Thế Chương – Giám đốc Công ty Cổ phần KNP Việt Nam (Liên doanh trúng thầu gói thầu: Mua sắm thiết bị thí nghiệm điện số 7 thuộc dự án: Đầu tư mua sắm thiết bị thí nghiệm CBM năm 2021) thì được trả lời là đã uỷ quyền cho bà Hằng - Giám đốc Tài chính để phát ngôn với báo chí. Đáng nói, khi phóng viên liên hệ với bà Hằng để xác minh thông tin vì sao có sự đội giá đến hơn một tỷ thì bà Hằng trả lời “Một tỷ hai hay ba bốn tỷ đó là liên quan đến vấn đề chúng tôi thoả thuận dân sự với các bên ô kê chưa em, chị cũng là người làm về luật chị trả lời luôn như thế với em”.

Tuy nhiên, trái ngược với bà Hằng, ông Hồ Hữu Nhân – Giám đốc Công ty Thí nghiệm điện miền Nam khẳng định: “Nhận định như vậy là không chính xác. Giá dự toán gói thầu được phê duyệt, việc đấu thầu được đăng công khai trên mạng đấu thầu, mọi nhà thầu đều có thể tham gia”.

Để đảm bảo việc đấu thầu được triển khai một cách công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh lành mạnh, cũng như việc đánh giá đầy đủ năng lực của các nhà thầu, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ những dấu hiệu trên. Đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm (nếu có), hướng đến việc sử dụng ngân sách đầu tư công một cách hiệu quả, chất lượng công trình được đảm bảo, an toàn và bền vững, tạo niềm tin trong nhân dân.